10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 8-11

08/11/2016 19:08

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng thống CH Ireland; Cử tri Mỹ bắt đầu đi bầu Tổng thống... là những sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 8-11.




Chiều 8-11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng thống CH Ireland Michael D. Higgins đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5 đến 14-11 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.  Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng thống Ireland  Michael D. Higgins và phu nhân nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục - đào tạo... Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Cộng hòa Ireland Michael D. Higgins. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN



Nhận lời mời của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đồng chí Trương Đức Giang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Trung Quốc thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 8 đến 11-11.  Chiều 8-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì lễ đón và tiến hành hội đàm với đồng chí Trương Đức Giang. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim và đồng chí Trương Đức Giang trước khi tiến hành hội đàm. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN



Sáng 8-11, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủy lợi và dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn giảm, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Trong ảnh: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: An Đăng - TTXVN



Ngày 8-11 tại Viêng Chăn đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Ủy ban Văn hóa – Thông tin ASEAN lần thứ 51 (ASEAN-COCI 51). Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung rà soát, đánh giá tiến độ các dự án văn hóa, thông tin của ASEAN đã và đang triển khai; phê duyệt các dự án mới do các nước thành viên đề xuất; đồng thời đưa ra các sáng kiến, định hướng mới nhằm mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài của ASEAN trong thời gian tới. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ thảo luận và đưa ra các sáng kiến để cùng hợp tác, triển khai các sự kiện kỉ niệm 50 năm thành lập ASEAN trong năm 2017.  Trong ảnh: Các quan chức tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc. Ảnh: Phạm Kiên –TTXVN



Ngày 8-11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam, Unilever Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ III với chủ đề “Sáng tạo để triển khai các mục tiêu phát triển bền vững”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN



Ngày 8-11, tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam nhằm triển khai dự án “Ứng phó khẩn cấp về nước sạch vệ sinh cho trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam”. Dự án do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tài trợ, thực hiện từ tháng 11-2016  đến 2-2017 với tổng kinh phí hơn 125.000 USD.  Trong ảnh: Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu và Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Jesper Moller ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Quý Trung – TTXVN



Chiều 8-11 (giờ Hà Nội), những cử tri ở 3 thị trấn nhỏ bé gồm Dixville Notch, Hart's Location và Millsfield thuộc bang New Hampshire  của Mỹ đã trở thành những người đầu tiên đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử, bầu chọn tổng thống mới cũng như hai viện của Quốc hội và thống đốc các bang. Theo kết quả kiểm phiếu chính thức cho thấy ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã vượt lên trên đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton với tỷ lệ 32 - 25. Cụ thể, tại Dixville North và Hart's Location, bà Clinton giành được lần lượt 4 phiếu và 17 phiếu bầu, trong khi ông Trump nhận được lần lượt 2 phiếu và 14 phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, ứng cử viên Cộng hòa lại có số phiếu áp đảo tại Millsfield với tỷ lệ 16 - 4, giúp "ông trùm" bất động sản giành được tổng cộng 32 phiếu bầu. Trong ảnh: Cử tri bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ tại Dixville Notch, New Hampshire, ngày 8-11. Ảnh: AP/TTXVN



Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 8-11 đã rút lại quyết định bổ nhiệm định thủ tướng mới. Đây là nhượng bộ đầu tiên của nữ Tổng thống Hàn Quốc trước những lời kêu gọi bà ngừng động thái “đơn phương” vốn đang làm trầm trọng thêm tình trạng bế tắc chính trị do vụ bê bối liên quan đến người bạn thân Choi Soon-Sil gây ra.  Trong cuộc gặp cùng ngày với Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun, bà Park đã đề nghị cơ quan lập pháp đề cử một ứng cử viên cho chức vụ thủ tướng, người mà bà tuyên bố là sẽ “điều khiển” nội các như yêu cầu của các đảng đối lập.  Bà cho biết: "Nếu Quốc hội đề xuất một vị thủ tướng mới, tôi sẽ chỉ định và để người này điều khiển nội các”.  Trong ảnh: Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tới gặp Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun ngày 8-11. Ảnh: Yonhap/TTXVN



Ngày 8-11, Quốc hội Hungary đã chống lại nỗ lực của Thủ tướng Viktor Orban nhằm sửa đổi Hiến pháp để ngăn cản việc tiếp nhận người tị nạn theo phân bổ của Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai. Động thái này diễn ra sau khi đảng cấp tiến cực hữu Jobbik từ chối ủng hộ dự thảo hiến pháp sửa đổi. Mặc dù có tổng cộng 131 nghị sĩ trong liên minh cánh hữu cầm quyền của Thủ tướng Orban bỏ phiếu ủng hộ, nhưng dự thảo hiến pháp sửa đổi vẫn cần thêm 2 phiếu nữa mới giành được đa số 2/3 trong tổng số 199 ghế của Quốc hội để được thông qua. Các đảng đối lập đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu này. Trước đó, Thủ tướng Orban khẳng định việc thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên là cần thiết bởi đây là ý nguyện của 3 triệu người dân thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 3-10. Trong ảnh: Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Hungary ở Budapest ngày 8-11. Ảnh: AFP/TTXVN



Trong báo cáo thường niên công bố ngày 8-11, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thúc giục toàn ngành tăng cường đầu tư nhằm bảo đảm nguồn cung đầy đủ trong tương lai khi giá dầu giảm đang kích thích nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng này. OPEC cho rằng nét chủ đạo của thị trường dầu mỏ thế giới gần đây là cung lớn hơn cầu. Nhưng chính yếu tố giá dầu thấp hiện nay sẽ làm tăng nhu cầu dầu mỏ với sự mở rộng của giao thông đường bộ, hàng không và các lĩnh vực liên quan đến hóa dầu. Vì vậy, đây chính là thời điểm cần tăng cường đầu tư trong toàn ngành để bảo đảm nguồn cung ổn định trong tương lai. Theo OPEC, từ nay đến năm 2040, toàn ngành dầu mỏ cần đầu tư khoảng 10 nghìn tỉ USD để bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trong ảnh: Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo phát biểu tại hội nghị dầu mỏ quốc tế ở Abu Dhabi (Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất). Ảnh: AFP/ TTXVN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 8-11