Chủ tịch nước chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam ... EU nhất trí ngăn dòng người di cư ồ ạt từ Libya vào châu Âu... là những sự kiện nổi bật ngày 4-2.
Trong không khí mừng Đảng, mừng xuân mới, ngày 4-2, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2017. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự, chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng tham gia điệu múa xòe với cộng đồng các dân tộc Việt Nam và bà con kiều bào về dự ngày hội.
Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Ngày 4-2, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành đoàn tổ chức chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi - Xuân Đinh Dậu năm 2017” với sự tham dự của 155 em thiếu nhi, đội viên tiêu biểu của thành phố. Chương trình nhằm tạo môi trường giúp lãnh đạo thành phố lắng nghe ý kiến, đề xuất và nắm bắt tình hình, nguyện vọng, nhu cầu của thiếu nhi thành phố về các vấn đề liên quan đến việc học tập, vui chơi và sự phát triển toàn diện của thiếu nhi…
Trong ảnh: Các đại biểu lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành với các em thiếu nhi.
Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN
Ngày 4-2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến kiểm tra hiện trường và làm việc với 2 dự án đường sắt trên cao: Cát Linh - Hà Đông và đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Tại buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Hà Nội mà còn với cả nước. Chính phủ đã và đang nỗ lực để cùng với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng nhằm giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô.
Trong ảnh: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tới kiểm tra hiện trường tại ga Nhổn thuộc dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN
Ngày 4-2, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ hội đền Huyền Trân xuân Đinh Dậu với chủ đề "Ngưỡng vọng Tiền nhân". Diễn ra trong 2 ngày, lễ hội đón khoảng 500 diễn viên, nhạc công... tham gia phục vụ các chương trình nghệ thuật sử thi, đấu cờ người, biểu diễn võ cổ truyền, lân sư rồng, thi đấu môn thể thao dân tộc, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Đây là chuỗi hoạt động nhằm tưởng nhớ công lao mở mang bờ cõi của công chúa Huyền Trân. Lễ hội thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, bà con tăng ni phật tử, các chức sắc tôn giáo và du khách gần xa về dự.
Trong ảnh: Các hoạt động tại lễ hội đền Huyền Trân.
Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Đêm 3, rạng sáng 4-2 (đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng giêng), người dân, du khách khắp nơi lại nô nức rủ nhau về Nam Định đi chợ Viềng - phiên chợ “mua may, bán rủi” mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần để cầu may, mở đầu năm mới tốt lành. Với nét đặc trưng rất riêng ấy, phiên chợ họp lúc nửa đêm này đã trở thành một trong những điểm đến thú vị, thu hút du khách thập phương tạo nên sự nhộn nhịp, náo nhiệt ở nơi đây mỗi dịp đầu xuân...
Trong ảnh: Du khách thập phương chọn mua cây cảnh lấy may tại chợ Viềng.
Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Ngày 4-2, Nhà Trắng đã cam kết chống lại phán quyết của một thẩm phán liên bang, theo đó tạm thời chặn đứng lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump đối với công dân đến từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer gọi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ là "hợp pháp và phù hợp", đồng thời khẳng định Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu hoãn thi hành khẩn cấp đối với phán quyết của tòa án liên bang "sớm nhất có thể".
Trong ảnh: Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer trong cuộc họp báo ngày 3-2.
Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 4-2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng nước này hiện chưa cần thiết phải có bất cứ động thái quân sự đáng chú ý nào trên Biển Đông để đối chọi với cách hành xử quyết liệt của Trung Quốc. Trả lời họp báo tại Tokyo, ông Mattis nêu rõ: "Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi không thấy sự cần thiết phải có động thái quân sự đáng chú ý nào". Ông nhấn mạnh cần phải tập trung vào ngoại giao để giải quyết vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, ông chủ Lầu Năm Góc cũng cực lực chỉ trích Bắc Kinh "xé nát niềm tin giữa các quốc gia trong khu vực".
Trong ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada họp báo chung.
Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 3-2, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về kế hoạch hành động nhằm ngăn dòng người di cư ồ ạt từ Libya vào châu Âu qua Địa Trung Hải. Kế hoạch được thông qua trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở đảo quốc Malta, theo đó nhấn mạnh các ưu tiên bao gồm đào tạo, trang bị và hỗ trợ cho các lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya, nỗ lực triệt phá các đường dây buôn người, hỗ trợ phát triển các cộng đồng địa phương tại Libya, tăng cường khả năng đáp ứng điều kiện sống cho người di cư ở Libya và hỗ trợ các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm về người di cư. EU sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho kế hoạch này thông qua các gói Viện trợ Phát triển (ODA) dành cho châu Phi, trị giá 31 tỷ Euro trong tài khóa này, cũng như các dự án đang được triển khai. Trong ảnh: Thủ tướng Đức Angela Merkel với các nhà lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Thủ đô Valletta của Malta.
Ảnh: AFP/TTXVN
Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy ngày 3-2 cho biết đã giải cứu hơn 1.300 người di cư và tị nạn trên Địa Trung Hải, một ngày sau khi Italy và Libya ký bản ghi nhớ về hợp tác nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, chống nạn buôn người cũng như tăng cường kiểm soát đường biên giới. Hải quân Italy và các tàu bảo vệ bờ biển phối hợp với các lực lượng và tàu cứu hộ hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch EUNAVFOR của Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành tổng cộng 13 chiến dịch tuần tra và cứu hộ tại khu vực này.
Trong ảnh (tư liệu): Đội cứu hộ và Hội Chữ thập đỏ Italy cứu giúp người di cư sau khi thuyền của họ bị chìm ngoài khơi Libya ngày 3-11-2016.
Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 4-2, mức án 6 tháng tù đã được đưa ra với người lái tàu chở 28 khách du lịch người Trung Quốc bị lật tại vùng biển bang Sabah của Malaysia hồi tuần trước vì vận hành tàu quá tải, gây mất an toàn. Thuyền trưởng Sharezza Sslian bin Salian, 25 tuổi, cùng 2 thủy thủ khác là những người đầu tiên được cứu sống sau khi con tàu gặp nạn ngày 28-1 vừa qua làm 3 người thiệt mạng và 6 người vẫn mất tích. Tòa khẳng định Sharezza đã cố tình chở quá số hành khách cho phép là dưới 12 người.
Trong ảnh: Các du khách Trung Quốc sống sót trong vụ lật tàu được trợ giúp y tế tại Kota Kinabalu, bang Sabah ngày 29-1.
Ảnh: EPA/TTXVN