Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự giao ban báo chí đầu Xuân Mậu Tuất; đề nghị mức án 30 năm tù đối với cựu Tổng thống Park Geun-hye... là những sự kiện nổi bật ngày 27.2.
Ngày 27.2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại cuộc giao ban báo chí đầu Xuân Mậu Tuất 2018. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi tới các nhà báo lão thành cùng toàn thể giới báo chí cả nước lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018. Phó Thủ tướng cho rằng: Năm 2017, cùng với cả nước, báo chí đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Báo chí đã phản ánh sinh động, chân thực tiếng nói của nhân dân, là kênh tư vấn hiệu quả về chính sách cho Chính phủ. Chính phủ luôn trân trọng sự đồng hành, sát cánh của báo giới, hỗ trợ Chính phủ đưa ra chính sách điều hành phù hợp, hiệu quả. Trong ảnh: Toàn cảnh cuộc giao ban báo chí đầu Xuân Mậu Tuất 2018. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Ngày 27.2, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác Mặt trận năm 2018 với sự tham dự của hơn 2.500 cán bộ Mặt trận các cấp tại 63 điểm cầu trong cả nước. Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định đây là hội nghị quan trọng sau Hội nghị lần thứ VIII của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội nghị lần thứ XIII của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhằm tập huấn về công tác chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận trong năm 2018. Trong ảnh: Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN
Ngày 27.2 (12 tháng giêng), tại quần thể di tích đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) diễn ra nghi lễ rước nước, tế cá. Đây là nghi lễ truyền thống đã có từ hàng thế kỷ qua, được tổ chức thành một nội dung chính trong chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ Lễ hội đền Trần. nghi lễ này nhằm tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới và gắn bó với sông nước. Nghi lễ cũng gợi nhớ về nghề nuôi cá giống, cá thịt nổi tiếng từ xa xưa của làng Tức Mạc (phường Lộc Vượng, TP Nam Định), nơi được coi là điểm phát tích của nhà Trần tại Nam Định. Trong ảnh: Lấy nước từ giếng cổ tại quần thể di tích đền Trần. Ảnh: Công Luật - TTXVN
Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2018), bên cạnh các hoạt động tôn vinh thầy thuốc, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội đã đồng hành cùng các y bác sĩ, nhân viên trong chương trình hiến máu tình nguyện cứu sống người bệnh, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân sau Tết Nguyên đán. Trong ảnh: Sáng 27.2, tại bệnh viện Mắt Hà Nội 2 (Sở Y tế Hà Nội) có gần 100 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Ngày 27.2, tại Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra trưng bày tư liệu, hiện vật về giáo dục, thi cử dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, thu hút đông đảo công chúng và du khách đến tham quan. Với 250 hình ảnh, tài liệu, hiện vật gốc tiêu biểu, có nội dung sâu sắc được bài trí trình tự, khoa học, đã khái quát cơ bản về lịch sử hình thành nền giáo dục nho học Việt Nam và những kết quả đạt được về giáo dục khoa cử của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong ảnh: Hình ảnh về thi cử dưới các triều đại phong kiến Việt Nam được tái hiện lại tại triển lãm. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Ngày 27.2, Cơ quan Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ hình sự đối với đối tượng Hồ Thanh Phương, sinh năm 1999, ngụ tại TP Hồ Chí Minh để điều tra về hành vi giết người. Theo điều tra ban đầu, khoảng 0 giờ ngày 27.2, Hồ Thanh Phương vừa đi làm về chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng ồn ào bên phòng trọ số 5 (khu nhà trọ thuộc ấp 4, xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) nên qua yêu cầu giữ yên lặng để mọi người nghỉ ngơi. Bực tức vì bị nhắc nhở Đặng Văn Thắng, sinh năm 1997 và Lê Hữu Đức, sinh năm 1999 (cùng ngụ tại tỉnh Kiên Giang) đã đuổi đánh Phương. Bị đánh, Phương liền chạy về phòng trọ lấy dao đâm nhiều nhát vào Thắng và Đức. Do vết thương quá nặng nên Thắng đã tử vong, Đức đang trong tình trạng nguy kịch. Ngay sau khi gây án, Hồ Thanh Phương đã đến Cơ quan Công an của tỉnh Bình Dương để đầu thú. Trong ảnh: Đối tượng Hồ Thanh Phương tại cơ quan Công an. Ảnh: Văn Việt – TTXVN
Ngày 27.2, trên quốc lộ 1A (đoạn qua xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ va chạm giữa xe container và ô tô khách khiến 1 người chết tại chỗ, 2 người khác bị thương.Theo thông tin ban đầu, xe khách giường nằm mang BKS 51B-22450 do tài xế tên là Hòa (trú tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) điều khiển, lưu thông trên quốc lộ 1A theo hướng Nam - Bắc đến địa phận thôn Nam Phong, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên đã xảy ra va chạm với xe container mang BKS 77C-08892, kéo theo rơ moóc mang biển kiểm soát: 77R: 00890 (chưa rõ danh tính lái xe). Vụ va chạm khiến phụ xe khách tử vong tại chỗ, tài xế xe khách và xe container bị thương. Trong ảnh: Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Phan Quân – TTXVN
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 26.2 nhất trí thông qua một dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất về gia hạn cơ chế trừng phạt Yemen. Nghị quyết 2042 được sự ủng hộ của tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an, theo đó gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số cá nhân và thực thể đến ngày 26.2.2019, đồng thời gia hạn sứ mệnh của nhóm chuyên gia hỗ trợ thực thi cơ chế trừng phạt Yemen cho tới ngày 28.3.2019. Các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với các cá nhân và thực thể nói trên. Trong ảnh: Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 26.2. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 26.2, Mỹ đã quyết định trừng phạt 6 cá nhân, 24 thực thể và 7 tàu vì đã "đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của Libya" thông qua các hoạt động sản xuất, tinh lọc dầu, môi giới, mua bán hoặc xuất khẩu trái phép dầu mỏ của Libya. Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh tình trạng buôn lậu dầu mỏ đang phá hoại chủ quyền của Libya, thúc đẩy thị trường chợ đen và góp phần gây thêm bất ổn trong khu vực. Trong ảnh: Cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya ngày 12.1.2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin cơ quan công tố Hàn Quốc ngày 27.2 đề nghị mức án 30 năm tù giam đối với cựu Tổng thống Park Geun-hye, người bị cáo buộc dính líu vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn, vốn dẫn đến việc bà bị phế truất vào tháng 3 năm ngoái. Nhà cựu lãnh đạo 66 tuổi này bị khởi tố tháng 4.2017 với 18 cáo buộc như hối lộ, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật quốc gia. Ngoài ra, bà Park còn bị cho là cấu kết với người bạn thân lâu năm là bà Choi Soon-sil để nhận 59,2 tỷ won (55,2 triệu USD) từ các tập đoàn kinh tế gia đình lớn như Samsung, Lotte và SK để đổi lấy những ưu đãi trong kinh doanh, đồng thời để cho bà Choi can thiệp vào công việc của nhà nước, mặc dù bà này không nắm bất kỳ chức vụ chính thức nào trong chính phủ. Trong ảnh (tư liệu): Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye (trái) tới Tòa án quận trung tâm Seoul ngày 7.8.2017. Ảnh: AFP/TTXVN