10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 26.3

26/03/2017 18:49

Khai trương Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Nam; Hong Kong có nữ Trưởng Đặc khu Hành chính đầu tiên... là những sự kiện nổi bật ngày 26.3.



Chiều 26.3, tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Nam. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN



Ngày 26.3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương tổ chức Lễ tuyên dương 80 Chi bộ tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối các Cơ quan Trung ương (11.4.2007 - 11.4.2017). Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đến dự và phát biểu. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trao Bằng khen vinh danh 80 chi bộ tiêu biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN



Ngày 26.3, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức Ngày Đoàn viên năm 2017, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, sinh viên tham gia với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực thể hiện vai trò xung kích của tuổi trẻ thành phố. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên tham quan Triễn lãm về Biển đảo Việt Nam tại Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN



Ngày 26.3, tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công ty TNHH Dược phẩm Vũ Duyên tổ chức khám bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho 200 đối tượng là gia đình chính sách, người cao tuổi, hộ nghèo trên địa bàn thị trấn Phát Diệm và xã Kim Chính, huyện Kim Sơn. Trong ảnh: Các bác sỹ đang khám bệnh cho người cao tuổi và đối tượng chính sách. Ảnh: Hải Yến - TTXVN



Ngày 26.3, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình "Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân" năm 2017. Hơn 4.000 người dân là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, các đơn vị thể dục thể thao, sinh viên, học sinh, thanh thiếu niên, công nhân viên chức, người lao động và người cao tuổi tham gia chạy hưởng ứng… Trong ảnh: Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các đại biểu cùng đông đảo người dân tham gia chạy hưởng ứng và chạy đồng hành với lộ trình dài 1.650m quanh đường Nguyễn Huệ, quận 1. Ảnh: Mạnh Linh – TTXVN



Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 25.3 đã ký "Tuyên bố Rome", trong đó cam kết hướng tới một tương lai chung không có nước Anh, trong bối cảnh hàng loạt cuộc khủng hoảng đã và đang làm suy yếu những nỗ lực nhằm đoàn kết châu lục này. Tuyên bố Rome được xem là kết quả chủ yếu của Hội nghị thượng đỉnh EU kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome được tổ chức ở thủ đô Rome của Italy. Tuyên bố Rome nhấn mạnh tới một liên minh độc đáo với các thể chế chung và các giá trị mạnh mẽ, một cộng đồng hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền và có sự thượng tôn pháp luật. "Tuyên bố Rome" cũng khẳng định EU sẽ để ngỏ cánh cửa cho những nước muốn gia nhập EU sau này. Trong ảnh: Lãnh đạo các nước thành viên EU chụp ảnh chung sau lễ ký "Tuyên bố Rome" tại Hội nghị ở Rome ngày 25.3. Ảnh: EPA/TTXVN



Ngày 26.3, cử tri Bulgaria bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn, vốn được dự báo là cuộc đua tranh quyết liệt giữa đảng cánh tả Xã hội (BSP) với đảng trung hữu Công dân vì sự phát triển châu Âu (GERB). Kết quả các cuộc thăm dò trước thềm cuộc bầu cử cho thấy đảng GERB của cựu Thủ tướng Boyko Borisov và đảng BSP của nhà lãnh đạo mới Kornelia Ninova đều sẽ giành được khoảng 30% số phiếu bầu. Các đảng khác sẽ chia nhau khoảng 40% số phiếu còn lại. Sự lựa chọn của cử tri Bulgaria sẽ quyết định mối quan hệ tương lai của nước này với Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong ảnh: Người dân Bulgaria bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Dolni Bogrov ngày 26.3. Ảnh: AFP/TTXVN



Theo kết quả kiểm phiếu không chính thức, cựu Tổng Thư ký chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 26.3 đã giành được 772 phiếu của Ủy ban bầu cử (NEC) gồm 1.194 thành viên, vượt qua cựu Bộ trưởng Tài Chính Tăng Tuấn Hoa và thẩm phán về hưu Hồ Quốc Hưng để trở thành nữ Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong đầu tiên. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga được dư luận cho là ứng cử viên được chính quyền Bắc Kinh ủng hộ. Trong ảnh: cựu Tổng Thư ký chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại cuộc bầu cử ở Hong Kong ngày 26.3. Ảnh: EPA/TTXVN



Giải cứu 78 dân thường là kết quả chiến dịch do quân đội nước này tiến hành đột kích sào huyệt các đối tượng được cho là phần tử Hồi giáo cực đoan tại miền Đông Bắc Bangladesh ngày 25.3. Người phát ngôn các lực lượng vũ trang Bangladesh, Đại tá Rashidul Hasan cho biết tất cả 78 người này thuộc 28 hộ gia đình bị mắc kẹt tại tòa nhà 5 tầng ở thành phố Sylhet trên trong hơn một ngày qua. Họ đã được tiểu đoàn biệt kích dù của quân đội giải cứu. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã thừa nhận tiến hành một vụ đánh bom liều chết vào một doanh trại của lực lượng đặc nhiệm Bangladesh. Trong ảnh: Lực lượng đặc nhiệm Bangladesh chuẩn bị đột kích sào huyệt các đối tượng cực đoan ở Sylhet ngày 25.3. Ảnh: AFP/TTXVN



Ngày 25.3,  tại trung tâm thủ đô Seoul đã diễn ra cuộc biểu tình của cả phe ủng hộ lẫn phe phản đối cựu Tổng thống Park Geun-hye, chỉ một tuần sau khi Viện Kiểm sát nước này tiến hành cuộc thẩm vấn trực tiếp đối với bà Park Geun-hye. Cuộc biểu tình của lực lượng phản đối bắt đầu tại quảng trường Gwanghwamun, trung tâm thủ đô Seoul. Trong khi đó, những người ủng hộ bà Park Geun-hye cũng tổ chức một cuộc tuần hành gần khu vực cung Tukshu để phản đối bắt giam bà. Tham gia cuộc tuần hành lần này còn có các nghị sỹ Kim Jin-Thae và Jo Won-jin, ứng cử viên Tổng thống của đảng Hàn Quốc tự do. Trong ảnh (tư liệu): Những người ủng hộ cựu Tổng thống Park Geun-hye tuần hành tại Seoul ngày 21.3. Ảnh: EPA/TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 26.3