Tổng thống Nhà nước Israel thăm Việt Nam; Biểu tình tại Pháp... là những sự kiện nổi bật ngày 20.3.
Sáng 20.3, Lễ đón chính thức Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19-25.3 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Hai bên cũng trao đổi ý kiến về vấn đề Biển Đông, khu vực Trung Đông cũng như các vấn đề quốc tế, nhấn mạnh hợp tác có vai trò quan trọng và là xu thế để duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới. Việt Nam tái khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam mong muốn sớm có hòa bình tại Trung Đông, do đó Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của khu vực, quốc tế và các bên liên quan nhằm mang lại hòa bình cho khu vực này trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Liên hợp quốc… nhằm đi đến giải pháp toàn diện, công bằng, bền vững, tiến tới thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền, cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel.
Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Reuven Ruvi Rivlin tại Lễ đón.
Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN
Sáng 20.3, tại Nhà Quốc hội tiếp tục diễn ra Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV để cho ý kiến về Luật nợ công.
Trong ảnh: Trong ảnh: Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu.
Ảnh: Trọng Đức – TTXVN
Ngày 20.3, Tổng Lãnh sự quán Vương Quốc Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tọa đàm “Sáng kiến nông nghiệp Việt Nam” nhằm trao đổi về đổi nông nghiệp để hướng tới phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long và những giải pháp tăng năng suất vụ mùa trong điều kiện đất nhiễm mặn và khô hạn. Nhiều đại biểu là các chuyên gia, nhà sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và Hà Lan tham dự.
Trong ảnh: Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp giữa doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam.
Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN
Tối 19.3, tại Hà Nội diễn ra Lễ trao giải, vinh danh 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 nhằm tuyên dương những người trẻ xuất sắc, có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đến dự và phát biểu.
Trong ảnh: Lễ trao giải, vinh danh các gương mặt trẻ Việt Nam năm 2016.
Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
Sáng 20.3, Bệnh viện Bình Dân TP Hồ Chí Minh tiến hành phẫu thuật ca ung thư dạ dày đầu tiên bằng Robot cho bệnh nhân nam (54 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp). Trước đó, bệnh nhân đến bệnh viện khám với triệu chứng ăn không ngon miệng, khó tiêu. Sau khi thực hiện các chẩn đoán, xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư hang vị giai đoạn 3 (là ung thư phổ biến nhất trong các loại ung thư dạ dày). Dự kiến ca phẫu thuật sẽ cắt 2/3 dạ dày, nạo vét hạch triệt để bằng Robot phẫu thuật với thời gian phẫu thuật khoảng 4 tiếng. Phẫu thuật Robot sẽ cho phép bác sĩ phẫu thuật bóc tách các hạch ung thư triệt để, tinh tế hơn và hạn chế mất máu, tổn thương các mô lành, hạn chế tối đa nguy cơ di căn, tái phát ung thư.
Trong ảnh: Ê kíp bác sĩ đưa camera vào ổ bụng bệnh nhân để chuẩn bị thực hiện phẫu thuật ca ung thư dạ dày đầu tiên bằng Robot.
Ảnh: Phương Vy – TTXVN
Sáng 20.3, người dân Timor Leste đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 4 của quốc gia này. Chủ tịch đảng Mặt trận Cách mạng vì Timor Leste Độc lập (còn gọi là đảng Fretilin), Francisco Guterres, 62 tuổi, được đánh giá cao nhất trong số 8 ửng cử viên tham gia tranh cử lần này. Đối thủ chính của ông là Antonio da Conceicao, 52 tuổi, ứng cử viên của đảng Dân chủ, người đang giữ hai chức Bộ trưởng trong nội các. Ông Guterres từng thất bại trong hai cuộc bầu cử Tổng thống năm 2007 và 2012. Theo Hiến pháp, ửng cử viên giành đa số tuyệt đối sẽ trở thành Tổng thống Timor Leste với nhiệm kỳ 5 năm. Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu trong vòng đầu, vòng hai sẽ được tổ chức với hai ứng cử viên giành được số phiếu cao nhất.
Trong ảnh: Tổng thống Timor Leste Jose Maria Vasconcelos (phải) bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Dili ngày 20.3.
Ảnh: EPA/TTXVN
Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn và một số nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đối lập ngày 20.3 đã có những ý kiến bất đồng liên quan đến việc Chính phủ nước này thúc đẩy kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Tại cuộc gặp với các nghị sĩ trên, ông Hwang nêu bật tính khẩn cấp cần phải triển khai THAAD tại Hàn Quốc trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của Triều Tiên, còn các nghị sĩ thì nhắc lại lập trường rằng việc triển khai này cần có sự nhất trí của Quốc hội. Theo các nghị sĩ, tình hình trong nước tại Hàn Quốc hiện nay đang nghiêm trọng do việc triển khai THAAD và những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu đang gia tăng.
Trong ảnh: Quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn (giữa) tham dự cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) tại Seoul ngày 6.3.
Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 19.3, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã chính thức lựa chọn ông Martin Schulz, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu, làm người lãnh đạo của đảng này, đồng thời là ứng viên tranh đua vào chiếc ghế Thủ tướng Đức với bà Angela Merkel trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 24.9 tới. Ông Schulz đã được toàn bộ 605 đại biểu tham dự đại hội của SPD bầu làm Chủ tịch đảng. Đây là một sự sắp xếp hợp lý, khi cựu Chủ tịch SPD và hiện là Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel cho rằng ông Schulz có nhiều cơ hội chiến thắng hơn trong cuộc bầu cử sắp tới. Phát biểu sau khi được lựa chọn, ông Schulz (
trong ảnh) bày tỏ mong muốn đưa SPD trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất trước cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang, giúp đất nước Đức trở nên tốt đẹp và công bằng hơn, mang lại sự tôn trọng mà mỗi người dân đều mong muốn. Ông cũng khẳng định mình muốn trở thành Thủ tướng tiếp theo của Đức.
Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 20.3, các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Nga nhóm họp tại Tokyo trong khuôn khổ cuộc đối thoại an ninh “2+2” đầu tiên sau 3 năm gián đoạn. Nội dung chính của cuộc đối thoại là thảo luận về an ninh khu vực và tìm kiếm đột phá trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Giới chức hai bên cho biết đối thoại cũng sẽ tập trung vào sự phối hợp giữa hai nước trong việc đối phó với các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa tiến hành thử tên lửa đạn đạo hôm 6.3, bất chấp các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong khuôn khổ đối thoại, các quan chức Nhật Bản dự kiến đề cập nhu cầu thúc đẩy quan hệ với Nga trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang diễn biến phức tạp, bao gồm mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc và cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong ảnh: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (thứ 5, trái) và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida (thứ 4, phải) tại cuộc đối thoại ở Tokyo, Nhật Bản ngày 20.3.
Ảnh: EPA/TTXVN
Một cuộc biểu tình phản đối các hành động bạo lực của cảnh sát đã diễn ra ngày 19.3 tại thủ đô Paris (Pháp) với sự tham gia của khoảng 7.500 người. Cuộc biểu tình được tổ chức theo sáng kiến của một loạt tổ chức xã hội như Liên đoàn nhân quyền, Phong trào chống phân biệt chủng tộc và vì tình hữu nghị giữa các dân tộc cùng một loạt nghiệp đoàn. Tham gia tổ chức cuộc tuần hành còn có gia đình các nạn nhân của những hành động vi phạm pháp luật của cảnh sát. Đây là cuộc biểu tình thứ 2 thuộc loại này được tổ chức tại Paris từ đầu năm tới nay.
Trong ảnh: Biểu tình phản đối các hành động bạo lực của cảnh sát tại thủ đô Paris ngày 19.3.
Ảnh: AFP/TTXVN