Những điều dưỡng thầm lặng

01/02/2019 18:32

T​rong quá trình khám, chữa bệnh không chỉ có công sức của các bác sĩ mà còn có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ điều dưỡng.


Công việc của các điều dưỡng tuy thầm lặng nhưng góp phần không nhỏ trong điều trị, cứu chữa bệnh nhân 

Vất vả, áp lực 

Là đội ngũ nhân viên y tế đầu tiên của bệnh viện tiếp xúc với người bệnh và người nhà bệnh nhân, đội ngũ điều dưỡng viên của Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) phải xử trí cấp cứu người bệnh kịp thời. Sau khi tình trạng bệnh nhân ổn định, họ lại chia nhau người làm thủ tục, hồ sơ bệnh án, người cung cấp thông tin về bệnh nhân cho bác sĩ khám, người lại tiếp nhận và lo cho bệnh nhân mới. Khoa Cấp cứu có hơn 30 điều dưỡng viên, làm việc theo ca, mỗi ca bắt đầu từ 7 giờ sáng, kết thúc vào 17 giờ cùng ngày, ca còn lại từ 17 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Từng phút từng giây, họ phải theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của bệnh nhân để có thể thông báo kịp thời cho bác sĩ. Công việc nhiều, thời gian lại gấp gáp, nhiều đêm mệt lả người nhưng các điều dưỡng viên luôn cố gắng tỉnh táo, bởi chỉ một chút lơ là có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người bệnh. Với những bệnh nhân bị tai nạn giao thông được người dân đưa đến khoa, ngoài công việc chuyên môn, các điều dưỡng phải tìm cách liên hệ với người nhà bệnh nhân. Trong thời gian đó, họ cắt cử thay phiên nhau chăm sóc người gặp nạn. Công việc phải tiếp xúc với nhiều người, nhiều tình trạng bệnh khác nhau không chỉ vất vả mà đôi khi còn có nguy cơ bị lây nhiễm những căn bệnh nguy hiểm. 

Chị Nguyễn Thị Hồng Ngân, Điều dưỡng trưởng Khoa Sản thường (Bệnh viện Phụ sản tỉnh) đã có hơn 12 năm trong nghề. Đến với nghề xuất phát từ tình yêu con trẻ nhưng đến khi bắt tay vào làm việc chị mới thấy quả thực chỉ cần tình yêu thôi chưa đủ bởi công việc còn đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt tình và tâm huyết. Đó là nhiều việc không tên, như đi thăm buồng cùng các bác sĩ, tư vấn chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi đối với các thai phụ, sản phụ, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đặt kim tiêm dây truyền... Ngoài những công việc hằng ngày như theo dõi, nhận định tình trạng của bệnh nhân, ghi hồ sơ bệnh án, các điều dưỡng viên còn phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bệnh.

Những nỗi buồn vui

Trước đây, chị Ngân công tác ở Khoa Sản bệnh (Bệnh viện Phụ sản tỉnh). Với chị hồi đó những nỗi buồn nhiều hơn là niềm vui vì bệnh nhân đến khoa là những trường hợp dọa sảy, thai nhi yếu, sức khỏe của thai phụ không ổn định, thai nhi có nguy cơ bị dị tật, có những thai phụ mất con khi thai nhi đã được 7-8tháng tuổi. Những người điều dưỡng như các chị đồng hành cùng thai phụ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ động viên họ và người nhà vượt qua những nỗi đau. Có những trường hợp thai phụ đến bệnh viện một mình, ngay cả vật dụng cá nhân cũng không có. Chị Ngân và những điều dưỡng khác phải nhờ những thai phụ, sản phụ khác hỗ trợ thức ăn, đồ dùng cá nhân. Để rồi khi ra viện, họ nở những nụ cười thật tươi cảm ơn và chia sẻ với các bác sĩ, điều dưỡng những món quà. Đó chỉ là những món quà rất đỗi giản dị như gói bánh đa gấc, chục trứng gà, quả cam, múi bưởi vườn nhà nhưng ẩn chứa sự chân thành. Và với những điều dưỡng viên, không món quà nào vui hơn khi chứng kiến những bệnh nhân mình chăm sóc khỏe mạnh, sinh nở mẹ tròn con vuông được trở về nhà. Những niềm vui bình dị ấy trở thành động lực giúp họ tiếp tục gắn bó với công việc vất vả mà không phải ai cũng thấu hiểu và cảm thông. 

Với chị Nguyễn Thị Thương Huyền, Điều dưỡng trưởng Khoa Kế hoạch tổng hợp-Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản tỉnh) thì ăn Tết tại bệnh viện đã trở nên quen thuộc. Những ngày cuối năm, khi nhìn ra ngoài kia thấy dòng người tấp nập, hối hả mua sắm chuẩn bị cho một cái Tết sum vầy, cũng có lúc chị Huyền chạnh lòng. Nhưng bù lại không khí đón Tết trong bệnh viện cũng rất ấm cúng, khi điều dưỡng viên và bệnh nhân, người nhà cùng gửi cho nhau những lời chúc may mắn trong năm mới.

Công tác tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã được 7 năm, điều dưỡng viên Nguyễn Đức Hải cũng đã trải qua những nỗi niềm buồn vui của nghề. Anh Hải kể: "Hầu hết người nhà của bệnh nhân khi đến Khoa Cấp cứu không mấy khi giữ được sự bình tĩnh. Họ bất an, hoang mang, nôn nóng muốn biết tình trạng sức khỏe của người thân, vì thế đã nhiều lần các bác sĩ và điều dưỡng của khoa bị dọa đánh, có những đối tượng còn dùng cả vũ khí đe dọa. Những lúc đó, không còn cách nào khác là các điều dưỡng phải có tinh thần thép, giữ được "cái đầu lạnh và trái tim nóng" cùng các bác sĩ đặt nhiệm vụ tập trung cứu chữa bệnh nhân lên hàng đầu". 

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điều dưỡng thầm lặng