Kịp thời cứu người bệnh bị kẹt van tim nhân tạo do huyết khối

10/07/2020 07:09

Chị N.T.L. (48 tuổi, ở Hải Dương) nhập viện trong tình trạng mạch nhanh, huyết động bắt đầu rối loạn, khó thở, xét nghiệm chỉ số chống đông (INR) thấp hơn đích điều trị.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa điều trị cấp cứu kịp thời cho 2 người bệnh bị kẹt van tim nhân tạo do huyết khối cấp tính.

Trường hợp đầu tiên chị N.T.L (48 tuổi, Hải Dương), chị đã có tiền sử phẫu thuật thay van 2 lá nhân tạo cơ học cách đây 2 năm. Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn đi khám định kỳ, tuy nhiên do tình hình dịch COVID-19 vừa diễn ra phức tạp, nên kể từ tháng 1.2020, chị không tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đông máu. 

Cách đây 10 ngày, chị L. xuất hiện cơn đau ngực trái, khó thở. Chị nhập viện trong tình trạng mạch nhanh, huyết động bắt đầu rối loạn, khó thở NYHA II- III, xét nghiệm chỉ số chống đông (INR) thấp hơn đích điều trị. Song hành với việc xét nghiệm đông máu, rất nhanh chóng người bệnh được siêu âm tim và các bác sĩ đã chẩn đoán chị bị kẹt 1 cánh van nhân tạo cơ học.

Các bác sĩ cho biết dấu hiệu trên của chị L. là hậu quả của việc chị không đi thăm khám và không được điều chỉnh liều thuốc chống đông máu thường xuyên.

Nghi ngờ tình trạng bệnh xảy ra do khối máu đông mới hình thành, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành siêu âm tim qua thực quản cấp cứu nhằm đánh giá tình trạng van và khẳng định chẩn đoán kẹt van nhân tạo do huyết khối mới hình thành. 

Qua hội chẩn toàn khoa, các bác sĩ quyết định dùng thuốc tiêu huyết khối cho người bệnh theo phác đồ. Trong quá trình dùng thuốc chị L. được theo dõi sát tình trạng tri giác, huyết động và siêu âm tim đánh giá 30 phút/1 lần. Sau khi được điều trị, tình trạng người bệnh dần ổn định, kết quả siêu âm cuối cùng cho thấy 2 cánh van đều đóng mở tốt và không quan sát thấy huyết khối nữa.

Chị L. được chăm sóc sau điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Chống chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối khi người bệnh có dấu hiệu chảy máu ở bất kỳ đâu trên cơ thể, nó có thể gây xuất huyết ở những vùng khác và đặc biệt nguy hiểm là xuất huyết não. 

Rất may, chị L. không có chống chỉ định với thuốc tiêu huyết khối vì vậy sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, chị đã được các bác sĩ can thiệp kịp thời. Nếu để lâu, người bệnh sẽ bị kẹt cứng cả 2 cánh van dẫn tới tử vong hoặc suy tim cấp dẫn tới nguy cơ tử vong. Ngoài ra, trường hợp huyết khối bám vào cánh van bị vỡ, một mảnh trôi đi sẽ có thể gây ra tắc mạch máu khắp nơi đặc biệt là mạch máu não.

Theo Công an nhân dân

(0) Bình luận
Kịp thời cứu người bệnh bị kẹt van tim nhân tạo do huyết khối