Vaccine vẫn là giải pháp hữu hiệu trước những biến thể virus SARS-CoV-2

20/09/2021 10:16

Hiện có 4 biến thể virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm đáng quan ngại, bao gồm: Alpha, Beta, Gamma và Delta được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ.

Người bệnh gan nào đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19? - BaoHaiDuong

Vaccine vẫn là giải pháp hữu hiệu trước những biến thể virus SARS-CoV-2

Trong đó, biến thể Delta được đánh giá là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm thống trị trên toàn cầu bởi khả năng lây lan cao.

Delta là một biến thể đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh chóng

Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến tạo ra các biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh chóng khiến số ca mắc và tử vong tăng chóng mặt. Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm: biến thể đáng quan tâm (VOIs) và Biến thể đáng quan ngại (VOCs).

Biến thể đáng quan tâm (VOIs): khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có 1 gen với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình và gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca/chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc; hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia.

Biến thể đáng quan ngại (VOCs): là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ COVID-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực virus/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng; hay giảm hiệu quả của các vaccine, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.

Hiện có 4 biến thể virus SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng quan ngại, bao gồm: Alpha, Beta, Gamma và Delta được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, biến thể Delta được đánh giá là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm thống trị trên toàn cầu bởi khả năng lây lan cao.

Biến thể Delta (B.1.617), được gọi là “đột biến kép” vì nó chứa 2 đột biến xuất hiện ở các chủng virus nguy hiểm khác là L452R từng xuất hiện trong biến thể ở California (Mỹ) và E484Q, giống với loại xuất hiện ở Nam Phi và Brazil. Ngoài 2 đột biến trên, B.1.617 có khoảng 11 đột biến khác. Chính các đột biến này giúp virus trốn tránh khả năng miễn dịch tự nhiên cũng như có đề kháng cao hơn với vaccine và phương pháp điều trị bằng kháng thể.

Biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10.2020 tại bang Maharashtra, Ấn Độ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, biến thể này nhanh chóng lan rộng khắp Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới. Tính đến ngày 10.8.2021, đã có 142 quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của biến thể này và còn đang tiếp tục lây lan.

Những triệu chứng thường gặp ở người bệnh mắc biến thể Delta là: đau đầu, đau họng và sổ mũi. Đáng chú ý, những biểu hiện lâm sàng do biến thể Delta gây ra rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường, khiến nhiều người chủ quan bỏ qua, làm tăng nguy cơ biến chứng hoặc tử vong ở người bệnh.

WHO đánh giá, Delta là một biến thể đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Không chỉ vậy, biến chủng mới này còn làm gia tăng nguy cơ nhập viện của bệnh nhân COVID-19 với những biến chứng nặng, có khả năng tử vong.

Hạn chế nguy cơ lây nhiễm

Tại Việt Nam, theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các trường hợp nhiễm biến thể Delta cao hơn so với các biến thể khác.

Tại khu vực phía Nam, đã ghi nhận một số trường hợp có dấu hiệu hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm với người mắc COVID-19. Lý giải tốc độ lây lan của biến chủng Delta diễn ra nhanh, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, biến thể này là có tỷ trọng nhẹ hơn các biến chủng khác, do đó thời gian chúng lơ lửng, di chuyển trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống các bề mặt.

Điều này làm bệnh dễ lây hơn với tốc độ nhanh, chu kỳ lây bệnh ngắn. Nhiều trường hợp, chỉ cần tiếp xúc gần, không trực tiếp, bệnh dịch vẫn có thể lây lan mạnh.

Bên cạnh đó, vấn đề dịch bệnh lây lan nhanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không chỉ do các biến thể siêu lây nhiễm còn phụ thuộc phần lớn vào các hành vi có nguy cơ lây nhiễm cao của cộng đồng.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 18.5.2021 với 2 ca nhiễm tại Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (quận 3). Tiếp đó, các chuỗi lây truyền tại khu vực phía Nam, cụ thể là tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu tại các hộ gia đình, tụ điểm ăn uống, văn phòng cao ốc, nhà máy, xí nghiệp, các khu chợ đông người…

Đây đều là nơi diễn ra các hành vi nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ như: đi lại nhiều, tụ tập đông người, thời gian ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to hay nói trong khoảng thời gian dài… Những hành vi này làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Vì vậy, người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi có nguy cơ gây lây nhiễm COVID-19 như hạn chế ra ngoài và thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân của việc gia tăng tỷ lệ biến chứng nguy hiểm khi mắc biến chủng Delta nằm ở các biểu hiện lâm sàng không đặc trưng hoặc không có triệu chứng khi nhiễm virus. Người mắc bệnh rất dễ hiểu nhầm bản thân mắc bệnh cảm lạnh thông thường.

Do đó, người dân nên đề cao cảnh giác, thực hiện tốt các chỉ đạo phòng dịch của Nhà nước, chủ động sàng lọc yếu tố dịch tễ của bản thân và theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường nghi nhiễm COVID-19.

Vaccine vẫn là giải pháp hữu hiệu

Trong suốt năm 2020, cả thế giới đã trông đợi vaccine phòng COVID-19 như một chiếc phao cứu sinh để thoát khỏi đại dịch toàn cầu. Sự ra đời cấp tốc của vaccine chỉ sau hơn một năm nghiên cứu là một kỳ tích khoa học mang theo hy vọng toàn cầu về việc quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Các loại vaccine có thể trở nên kém hiệu quả hơn đối với các biến thể mới, đặc biệt là biến thể Delta, tuy nhiên, theo WHO, các loại vaccine hiện có vẫn có tác dụng trong việc ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và tử vong.

Nghiên cứu của WHO cho thấy những người đã tiêm đủ hai liều vaccine sẽ được bảo vệ trước biến thể Delta, có khả năng cao tránh được nguy cơ bệnh tiến triển nặng phải nhập viện khi mắc COVID-19.

Những người đã tiêm một mũi vaccine của BioNTech/Pfizer được cho là có thể tránh bệnh tiến triển nặng ở mức 94%, tỷ lệ này thậm chí đạt 96% khi tiêm đủ hai liều. Trong khi đó, tỷ lệ tránh được bệnh tiến triển nặng ở những người tiêm vaccine của AstraZeneca là 71% sau liều thứ nhất và 92% sau liều thứ hai.

Các chuyên gia khẳng định rằng biến chủng Delta sẽ “thống trị” tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện và "chìa khóa" để giải quyết vấn đề là tăng tỷ lệ người dân được tiêm đủ hai mũi vaccine, đồng thời làm chậm quá trình lây lan của virus càng nhanh càng tốt. Tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng được xem là chiến thuật hiệu quả nhất để tự vệ trước diễn biến phức tạp của đại dịch.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vaccine vẫn là giải pháp hữu hiệu trước những biến thể virus SARS-CoV-2