Nỗi niềm cả nhà mắc Covid-19

29/08/2021 10:25

Trong đợt dịch này, có nhiều gia đình cả nhà đều mắc Covid-19. Bên cạnh những lo lắng về sức khỏe người thân, họ còn lo hàng xóm láng giềng bị liên lụy...


Các F0 là cháu của anh T.V.Đ. ở thôn Lương Gián, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) trong quá trình điều trị 

Ngoài lo lắng cho sức khỏe của bản thân và những người trong gia đình, nhiều F0 còn mặc cảm khi đã làm liên lụy đến hàng xóm, láng giềng. 

Nỗi lo nhân lên

Bàng hoàng, lo lắng là tâm trạng chung của những gia đình khi toàn bộ các thành viên trở thành F0.

Cẩn thận trong quá trình làm việc, vận chuyển hàng hóa và đã làm xét nghiệm PCR nên anh T.V.T., chồng chị V.T.B., ở thôn Quỳnh Khê 1, xã Kim Xuyên (Kim Thành) rất yên tâm khi về thăm nhà. Thế nhưng, chỉ một vài hôm sau, khi tiếp tục lên đường chở hàng, anh T. có cảm giác người khó chịu, hơi sốt nên đã gọi điện báo cho chị B. chủ động đi xét nghiệm. "Khi nhận kết quả tôi rất bất ngờ, không nghĩ mình lại có thể mắc Covid-19 được. Lúc đó, tôi không biết làm gì nữa, chỉ nghe theo sự chỉ bảo của bác sĩ, cách ly tại phòng riêng và gọi điện về nhà nhờ lấy giúp ít đồ dùng cá nhân. Một mình trong bệnh viện, tôi thầm cầu mong con cái, bạn bè và hàng xóm, láng giềng không ai bị lây nhiễm bệnh từ vợ chồng tôi", chị B. cho biết.

Nỗi lo lắng của chị B. là hoàn toàn có cơ sở khi ba mẹ con ở nhà, sinh hoạt cùng với nhau. Lúc chồng chị về nhà cũng gặp gỡ, trò chuyện với một số bạn bè. Khi 2 con dương tính với SARS-CoV-2, ba mẹ con chịB. được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, còn anh T. được điều trị trong Quảng Bình. "Cả nhà 4 người cùng mắc Covid-19 nên nỗi lo nhân lên gấp 4 lần. Tôi vốn không được khỏe nên lo sợ bệnh chuyển nặng, rồi không biết hai đứa con có bị ảnh hưởng hay không. Những ngày đó, gia đình chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Những lúc gọi điện thoại, vợ chồng tôi chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng, thực hiện theo đúng các phác đồ hướng dẫn của bác sĩ để nhanh chóng khỏi bệnh", chị B. cho biết thêm.

Trong những ngày cùng con và cháu điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nam Sách, anh T.V.Đ., ở thôn Lương Gián, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) luôn băn khoăn không rõ mình lây bệnh từ đâu. Theo anh Đ., trong quá trình làm việc tại quán ăn ở xã Thanh Quang, anh tiếp xúc với ít người, đều đeo khẩu trang. Ngoài giờ làm việc, anh về nhà chỉ quây quần bên con cái, không đi đâu xa. Khi địa phương tổ chức xét nghiệm cộng đồng, cũng giống như nhiều người khác, anh đến lấy mẫu xét nghiệm với suy nghĩ chắc chắn sẽ không bị nhiễm bệnh. Vì thế, khi có kết quả nghi ngờ và được yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm cá nhân, anh rất lo lắng. Kết quả xét nghiệm khẳng định anh dương tính với SARS-CoV-2, lúc này tâm trạng anh rối bời. "Gia đình tôi có 5 người là F0, gồm 2 bố con, mẹ tôi và 2 người cháu. Do mẹ tôi có bệnh nền và có chuyển biến nặng nên đã được đưa lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh điều trị".

Là người chịu thiệt thòi, tổn thương khi nhiễm bệnh, nhưng các F0 còn lo lắng cho hàng xóm, láng giềng vì mình mà bị liên lụy. Chị Đ.T.P. ở xã Gia Khánh (Gia Lộc) cho biết: "Ngoài cầu mong cho  bản thân và các thành viên trong gia đình nhanh khỏe, tôi cũng mong cho hàng xóm láng giềng khỏe mạnh, không vì chúng tôi mà ảnh hưởng đến cuộc sống".

Đồng hành cùng bệnh nhân

So với những đợt dịch bệnh trước, đợt này có nhiều trường hợp cả gia đình trở thành F0 như gia đình các chị V.T.B., H.T.T.H. ở xã Kim Xuyên (Kim Thành); gia đình các bà N.T.D. ở xã Gia Tân, bà T.T.T. ở xã Gia Khánh (Gia Lộc); anh T.V.Đ. ở xã Thanh Quang (Nam Sách)... 

Khi vào các cơ sở y tế, bác sĩ không chỉ có nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân mà còn thường xuyên nắm bắt tâm lý, mong muốn của bệnh nhân để có hướng điều trị phù hợp. Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Khắc Lâm (Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc) chia sẻ, so với trước đây, chủng virus lần này thời gian lây nhiễm ngắn, mạnh và tỷ lệ tử vong cao nên những băn khoăn, trăn trở của các F0, nhất là những người già và có bệnh nền là điều khó tránh khỏi. Nắm bắt được điều đó, với mỗi bệnh nhân, bác sĩ đều tìm hiểu cặn kẽ dịch tễ, hoàn cảnh gia đình và đặc biệt là tiền sử bệnh tật để có những biện pháp điều trị, chăm sóc phù hợp. "Đầu tiên chúng tôi phải ổn định tâm lý bệnh nhân, khẳng định với họ đã vào viện thì yên tâm, bác sĩ sẽ có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho họ. Bệnh nhân cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để nhanh chóng khỏi bệnh, sớm được về nhà", bác sĩ Lâm cho biết.

Mặc dù không trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, nhưng những lời động viên của đại diện chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng làm F0 vơi đi lo lắng, mặc cảm. Xã Thái Tân có 32 F0, trong đó có những gia đình phần lớn các thành viên bị nhiễm. Trong thời gian các F0 điều trị, đại diện chính quyền địa phương thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe của họ. Vừa qua, UBND xã Thái Tân đã tặng 17 suất quà cho các F0, F1 có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành điều trị và cách ly được về nhà. Bên cạnh đó, địa phương cũng tuyên truyền để đoàn thể, thôn xóm vận động người dân không kỳ thị hoặc tỏ thái độ xa lánh mà phải có biện pháp giúp bệnh nhân Covid-19 trở lại cuộc sống bình thường. 

Ông Đinh Bá Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Tân (Nam Sách) cho biết: "Chúng tôi mong muốn, sau khi điều trị khỏi bệnh, hết thời gian cách ly, các F0 nhanh chóng hòa nhập cuộc sống, không phải ngại ngùng, mặc cảm vì việc mắc bệnh là điều không ai trong chúng ta mong muốn".

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi niềm cả nhà mắc Covid-19