Nguy cơ đột quỵ hậu Covid-19 kéo dài bao lâu?

19/04/2022 06:09

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy ngay cả khi khỏi Covid-19, F0 vẫn có nguy cơ gặp nhiều vấn đề như suy tim, thiếu máu cục bộ và đặc biệt là đột quỵ.

Một số người khỏi Covid-19 vẫn cảm thấy cơ thể như “đi mượn” vì những triệu chứng kéo dài. Trong khi nguyên nhân gây ra tình trạng này còn là ẩn số, hàng triệu người vẫn phải đối mặt hàng loạt vấn đề liên quan tim, phổi, gan, thận, thần kinh,…

Rối loạn nhịp tim, hoặc tim đập bất thường là một trong những triệu chứng Covid-19 kéo dài phổ biến. Trong khi đó, theo tiến sĩ Arun Sridhar, chuyên gia về tim mạch tại Đại học Y khoa Washington, Mỹ, một số khác báo cáo về tình trạng khó thở hậu Covid-19. Vị chuyên gia cho rằng hiện tượng này là do những thay đổi về khả năng “tăng sản lượng” của tim hoặc năng lượng chúng ta sử dụng.

Đầu tháng 3, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã chỉ ra những tác động lớn của Covid-19 với sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu xem xét dữ liệu của hàng triệu hồ sơ sức khỏe của Bộ Cựu Chiến binh Mỹ.

Theo các chuyên gia này, nCoV không chỉ tác động lên các mạch máu, gây tổn thương cơ sau khi F0 bị bệnh nặng mà 30 ngày sau đó, họ vẫn có nguy cơ cao bị rối loạn mạch máu não, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, suy tim và bệnh huyết khối tắc mạch.

Đặc biệt, nhóm tác giả phát hiện bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh tim đáng kể sau một năm nhiễm nCoV. Căn bệnh này khiến tỷ lệ hình thành cục máu đông, rối loạn nhịp tim, suy tim, thậm chí đột quỵ, tử vong cao hơn ở các F0 khỏi bệnh.

Ngay cả những người trước đó khỏe mạnh và mắc Covid-19 thể nhẹ vẫn gặp phải di chứng về tim sau khi khỏi bệnh. “Nhiễm nCoV có thể dẫn tới những biến chứng tim mạch nghiêm trọng, tử vong. Tim không thể tái tạo hoặc dễ dàng hồi phục sau tổn thương. Đây là những hậu quả ảnh hưởng đến người bệnh suốt đời”, nghiên cứu viết.

Hơn 380 triệu người trên toàn cầu đã mắc Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Do đó, với những tác động lâu dài của căn bệnh này tới các cơ quan, chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến “đại dịch” mới mang tên hậu Covid-19.

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ và thế giới. Đây là thuật ngữ chung chỉ tình trạng các bệnh về tim khác nhau, huyết khối và đột quỵ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính cứ 4 người có một ca tử vong vì bệnh tim mỗi năm tại nước này.

Tiến sĩ Eric Topol, bác sĩ tim mạch tại Scripps Research, trả lời phỏng vấn của Science: “Nếu ai đó từng nghĩ Covid-19 tương tự cúm thì đây là dữ liệu mạnh mẽ nhất cho thấy chúng ta đã sai”.

Tim là cơ quan quan trọng thứ hai trong cơ thể, sau não. Nó đóng vai trò duy trì sự sống, do đó, ngay cả những thay đổi, gián đoạn nhỏ trong cách thức hoạt động của hệ thống tim mạch cũng gây ra tác động tới cuộc sống hàng ngày. Giới chuyên gia nhấn mạnh cần có thêm nhiều nghiên cứu và thời gian để đo lường toàn bộ ảnh hưởng của Covid-19 với tim.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ đột quỵ hậu Covid-19 kéo dài bao lâu?