Đại dịch COVID-19 đang dần biến mất ở Việt Nam?

30/05/2022 16:15

Số F0 mới mỗi ngày giảm sâu, mọi người không quá bận tâm tới việc đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách, dịch COVID-19 đang biến mất ở Việt Nam?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, dịch COVID-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang hạ nhiệt ở tất cả các tiêu chí như số ca nhiễm mới, số ca bệnh nặng, phải nhập viện hay tử vong...

Tại nước ta, sau khi nới lỏng gần như toàn bộ các hoạt động thì người dân dần quen với cuộc sống bình thường mới, trở lại cuộc sống như trước khi có dịch. Ngoài đường, mọi người gần như không còn để ý tới chuyện ai mắc COVID-19, hoặc chuyện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách vốn rất khắt khe trong giai đoạn dịch thì giờ đây cũng không còn mấy người mặn mà. Trong mắt người dân COVID-19 gần như đã biến mất.

"Nhưng đây là quan điểm chưa đúng", ông Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Vị chuyên gia phân tích, số ca nhiễm giảm nhiều nhưng hàng ngày vẫn ghi nhận ca mới. Hơn nữa, tình hình dịch trên thế giới vẫn chưa thể nói trước điều gì. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo về dịch. Tại một số nước, dịch đang bùng phát mạnh. Từ đó, ông cho rằng COVID-19 sẽ không biến mất tại Việt Nam mà dần trở thành bệnh lưu hành hàng năm. Chúng ta sẽ ghi nhận ca nhiễm, nhưng tỷ lệ có thể kiểm soát được, không làm quá tải hệ thống y tế.

"Nếu muốn đưa COVID-19 trở thành bệnh lưu hành thì chúng ta nên tiếp tục tiêm vaccine. Ngoài ra, từ giờ tới cuối năm, chúng ta cần lắng nghe, theo dõi tình hình trên thế giới rồi mới xem xét, công bố được”, ông Phu nói.

Đó cũng là quan điểm của BS CKII Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam. COVID-19 dù giảm dần và thay đổi nhưng chưa thể biến mất. Hiện dịch lắng xuống nhưng chưa giảm rõ rệt ở 2 tiêu chí quan trọng.

Đầu tiên là khả năng nhận diện xét nghiệm của SARS-CoV-2 vẫn còn. Nghĩa là dù biến đổi nhưng virus vẫn chưa hoàn toàn né tránh xét nghiệm. Trong khi xét nghiệm PCR vẫn giữ vai trò chủ đạo để xác định ca nhiễm thì các kit test nhanh hiện nay một số loại vẫn chưa đảm bảo được chất lượng, tức là vẫn có sai số.

Thứ 2 là vấn đề vaccine. Hiện thế giới có rất nhiều loại vaccine COVID-19 song thực tế vaccine đạt hiệu quả bảo vệ, mà chưa hoàn toàn ngăn chặn được việc lây nhiễm.

Ông Hà cho rằng, để đạt được mục tiêu COVID-19 biến mất ở Việt Nam thì phải có miễn dịch cộng đồng. Mà yếu tố này cần được đánh giá ở 2 điều kiện là tỷ lệ nhiễm tự nhiên và tỷ lệ bao phủ vaccine.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người nhiễm tự nhiên trong thời gian qua khá lớn, báo cáo cho thấy, con số này khoảng trên 10 triệu ca. Thực tế có thể lớn hơn rất nhiều do có người mắc bệnh mà không báo hoặc đã nhiễm virus nhưng không biết bản thân bị bệnh.

Ở tỷ lệ tiêm vaccine, dù tiêm được hơn 200 triệu mũi song vẫn còn nhiều người chưa được tiêm. Hơn nữa, gần đây chúng ta mới triển khai tiêm cho lứa tuổi 5-11 tuổi nên số lượng chưa nhiều. Nhóm trẻ dưới 5 tuổi còn chưa được tiêm. Do đó, thời điểm này chưa thể khẳng định COVID-19 đang biến mất. Người dân cũng không lo lắng, hoảng sợ với COVID-19 như trước nữa. "Cần thêm thời gian để đánh giá, khẳng định xem COVID-19 có thể biến mất hay không”, BS Hà nói.

Chuyên gia nhận định, tại Việt Nam, dịch chưa thể biến mất trong giai đoạn này.

Các chuyên gia về dịch tễ khác cũng ủng hộ quan điểm COVID-19 không thể biến mất trong thời điểm này. Ít nhất 1 năm nữa mới xác định được liệu COVID-19 biến mất thực sự hay không. Tại thời điểm này, chỉ nên xem xét tới trường hợp coi COVID-19 là bệnh lưu hành hàng năm.

Virus dần thích nghi cơ thể người?

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dựa vào tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam nhiều ngày qua cho thấy virus SARS-CoV-2 hình như đang dần thích nghi với cơ thể người. Nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng có nhận định này khi cho rằng nhiều khả năng virus không hoàn toàn biến mất và sẽ thích nghi với cơ thể, làm bệnh nhẹ hơn.

Ông dẫn chứng, ở một số bệnh nhân, virus bắt đầu tồn tại trong cơ thể theo hình thức “sống chung”. Dựa vào kết quả này cùng với việc thế giới và Việt Nam vẫn đang từng ngày tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, ông Nga cho rằng, thời gian tới tình hình dịch COVID-19 sẽ dần lui dần theo chiều hướng ổn định ở mức thấp. Dịch vẫn tồn tại nhưng nhỏ, không bùng thành đại dịch như trước.

Nếu trở thành bệnh lưu hành thì người dân có thể tự quyết định tiêm hay không tiêm vaccine vì virus phần nào thuần hơn với người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể xem xét đưa vaccine COVID-19 vào danh sách có thể triển khai tiêm dịch vụ để người dân có quyền lựa chọn.

Tiêm vaccine vẫn là một trong những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

BS Nguyễn Hồng Hà cũng cho rằng, qua các báo cáo cho thấy khả năng virus SARS-CoV-2 đang dần thích nghi với cơ thể người là rất lớn. Minh chứng là sau biến chủng Omicron hiện thế giới vẫn chưa ghi nhận thêm các biến chủng mới, thực sự nguy hiểm.

Ngoài ra, theo ghi nhận mới đây ở các trường hợp mắc bệnh, dù virus vẫn trong cơ thể họ nhưng lại không có xu hướng gây bệnh nặng. Tuy nhiên, để khẳng định SARS-CoV-2 đã “thuần” với con người hay chưa thì vẫn cần phải theo dõi, nghiên cứu thêm.

Giới khoa học sẽ nghiên cứu, đánh giá lượng kháng thể tự nhiên tồn tại trong cơ thể con người cũng như khả năng bảo vệ trước virus. Tiếp theo là đánh giá lượng kháng thể cũng như mức độ hiệu quả của vaccine trước SARS-CoV-2. "Kết hợp với nghiên cứu chuyên sâu khác, cùng các đánh giá kỹ càng về độc lực của virus và khả năng thích ứng của nó với cơ thể người, chúng ta mới có thể kết luận được SARS-CoV-2 thuần hay chưa”, BS nói.

Theo các chuyên gia, dù virus đang thích ứng với cơ thể người hay không, và nó thực sự trở thành bệnh lưu hành hay biến mất thì người dân không nên chủ quan, lơ là. Dịch trên thế giới ở nhiều nước vẫn đang bùng phát mạnh, trong khi tỷ lệ người nhiễm tự nhiên một số quốc gia chưa nhiều. Đặc biệt, nhiều nơi, tỷ lệ bao phủ vaccine cũng như khả năng tiếp cận vaccine chưa lớn. Người dân vẫn cần cảnh giác, tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cũng như khuyến cáo của cơ quan y tế.

Thế giới hiện ghi nhận 531.473.822 ca COVID-19, trong đó 502.113.838 ca khỏi bệnh, 6.310.616 ca tử vong và 23.049.368 ca đang điều trị (37.610 ca diễn biến nặng).

Theo thống kê của Bộ Y tế, hơn 2 tháng nay, số ca COVID-19 mới liên tục giảm. Ngày 16/3, cả nước ghi nhận 180.552 F0 thì tới 29/5, số ca COVID-19 trong ngày chỉ là 890 ca (thấp nhất trong hơn 11 tháng qua). Dịch cũng giảm ở cả 4 tiêu chí như số ca cộng đồng, ca tử vong, ca đang điều trị tại bệnh viện và bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Trung bình số ca tử vong trong 7 ngày qua tại Việt Nam là 0. Đặc biệt, Hà Nội - điểm nóng dịch giai đoạn vừa qua đã trải qua hơn 40 ngày không có ca tử vong. Như vậy, tính chung số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam đến nay là 43.078 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Đến nay, cả nước tiêm được 220.720.278 liều vaccine phòng COVID-19.

Theo VTC News

(0) Bình luận
Đại dịch COVID-19 đang dần biến mất ở Việt Nam?