NSND Trần Hạnh - người ông khắc khổ và hiền từ của màn ảnh

04/03/2021 17:27

Sống trong ký ức tuổi thơ của nhiều khán giả là một NSND Trần Hạnh khắc khổ, hiền từ. Sự ra đi của nghệ sĩ để lại không ít tiếc nhớ cho khán giả.


Tháng 8.2019, diễn viên Trần Hạnh được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Trong buổi lễ trang trọng được tổ chức tại Nhà hát Lớn, ông mặc sơ-mi, quần âu và chiếc áo vest đã ngả màu chậm rãi khi bước lên sân khấu. Toàn bộ khán giả có mặt đã vỗ tay khi thấy ông, người nghệ sĩ cần mẫn với nghề suốt những năm qua.

Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ rất mức được kính trọng trong giới nghệ thuật miền Bắc. Ông được nhiều diễn viên gọi là “bố”, là “ông”, xưng “con”, đồng thời cũng là một chân dung về sự thiện lương, giản dị, khiêm tốn và tự trọng. NSND lao động nghệ thuật đến những năm cuối cùng của cuộc đời khi tuổi đã cao.

Nghe si Tran Hanh qua doi anh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ôm NSND Trần Hạnh

Ông già khắc khổ, hiền lành của màn ảnh

NSND Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội. Ông sớm bén duyên với nghệ thuật khi sinh hoạt diễn xuất trong Câu lạc bộ Thanh niên, nơi góp phần đào tạo nhiều tên tuổi lẫy lừng như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng…

Trần Hạnh sau đó trở thành diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội và đặc biệt thành công trên vai trò nghệ sĩ sân khấu kịch nói. Sự nghiệp của Trần Hạnh gắn liền với giai đoạn hoàng kim của sân khấu kịch, ông được nhớ đến khi vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa.

Trong Người Hà Nội, cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ bình luận: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”.

Ngoài Lam Sơn tụ nghĩa, Trần Hạnh còn ghi danh với các vở kịch như Tiền tuyền gọi hay Âm mưu và tình yêu. Với vai diễn trong vở Âm mưu và tình yêu, ông được cố Tổng bí thư Trường Chinh nhận xét: "Anh đóng hay lắm, tôi không biết dùng từ thế nào nhưng có thể nói là rất lãng mạn".

Năm 1989, khi tròn 60 tuổi, Trần Hạnh nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Hà Nội nhưng vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Khi chuyển sang diễn xuất ở phim truyền hình, tên tuổi của ông được công chúng biết đến rộng rãi.

Dù là một người Hà Nội, NSND Trần Hạnh rất được yêu thích khi vào vai những người nông dân hiền lành, chân chất, giản dị, thậm chí khắc khổ. Ông được nhớ đến với ông Cần trong Cuốn sổ ghi đời, vai bí thư đảng ủy trong phim Làng nổi, bố An trong Truyện cổ tích tuổi 17, ông Khiển trong Người cầu may, ông Lâm trong Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong Hãy tha thứ cho em...

Sinh thời, cố nghệ sĩ từng chia sẻ vai đầu tiên cũng là vai ông tâm đặc nhất là ông Cần trong Cuốn sổ ghi đời.

Ông Cần từng lấy đi nước mắt của nhiều người xem. Đo là chân dung một người đàn ông khắc khổ kiếm tiền bằng cách thu nhặt những vỏ lon bia, điếu thuốc lá để bán. Được đồng nào ông lại cất đi và ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ. Nhưng gom góp mãi đến lúc qua đời, ông Cần vẫn chưa thể hoàn thành tâm nguyện.

NSND Trần Hạnh cũng tham gia một số dự án phim điện ảnh. Ông đóng bố Lài trong Tướng về hưu và người ông trong phim Cha cõng con của Lương Đình Dũng.

Nghe si Tran Hanh qua doi anh 3
NSND Trần Hạnh trong phim Cha cõng con

Trong Cha cõng con, diễn viên Trần Hạnh vào vai người ông. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thương cháu đau ốm nên ông sẵn sàng bắt trộm gà để nấu cháo cho đứa cháu.

Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ rằng vai diễn của NSND Trần Hạnh chỉ là vai phụ nhưng lại khiến người xem cảm động. Đạo diễn đánh giá diễn xuất của Trần Hạnh miễn chê, khó thay thế.

NSND Trần Hạnh cũng như cố NSƯT Thu An, đều là những gương mặt thân thuộc, gần gũi với màn ảnh, là kỷ niệm và ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả. Cả hai cùng được yêu thích với nét diễn tự nhiên, "diễn như không diễn".

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11/1996, NSND Trần Hạnh đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc trong phim Nước mắt đàn bà. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến cho vai diễn của ông trong phim Ngõ lỗ thủng của đạo diễn Quốc Trọng.

Năm 1994, Trần Hạnh được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, năm 2019, ông được đặc cách trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vì những đóng góp cho nghệ thuật.

Tấm gương về tự trọng, hết mình cho nghệ thuật

Trong bài phát biểu tại Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trích lời của NSND Trần Hạnh để nói về tinh thần cống hiến không màng đến danh hiệu của các nghệ sĩ.

"Nhận danh hiệu NSND, tôi thấy vô cùng vui mừng. Nhưng đó không phải là mục đích của tôi khi làm nghề. Tôi đến với sân khấu vì tình yêu, vì sự đam mê. Mỗi khi được giao vai diễn nào, tôi đều cố gắng làm hết sức mình để không phụ lòng khán giả", Thủ tướng nhắc lại chia sẻ của nghệ sĩ Trần Hạnh trong bài phát biểu của mình.

Sinh thời, nghệ sĩ Trần Hạnh từng chia sẻ rằng danh hiệu lớn nhất là tình yêu của khán giả và điều hạnh phúc là vẫn có những vai diễn, vẫn nhận được lời mời khi tuổi đã cao.

Cách đây vài năm, khi còn sức khỏe, ngoài thời gian đóng phim, khán giả vẫn thấy NSND Trần Hạnh ngồi trông cửa hàng cho con dâu ở cạnh ga Hà Nội. Người dân vẫn thấy vẻ hiền lành và nụ cười tươi của ông như những gì họ yêu thích trên màn ảnh. NSND gần gũi và thân tình trong những tiếp xúc ngoài đời sống.

Nghe si Tran Hanh qua doi anh 4
Nghệ sĩ Trần Hạnh đón nhận danh hiệu NSND vào năm 2019

Nghệ sĩ chưa từng nhận mình khổ, ông vẫn nói “nhiều người khổ hơn mình”. Cách đây vài năm, có nghệ sĩ từng thấy NSND Trần Hạnh vất vả nên vận động khán giả quyên góp, ủng hộ. Nghệ sĩ Trần Hạnh không thực sự hài lòng với điều này nhưng ông không trách đồng nghiệp.

Diễn viên Quốc Quân nói rằng trên màn ảnh NSND Trần Hạnh là nghệ sĩ nghèo, khắc khổ nhưng ông cũng giàu lòng nhân ái, đức độ.

Đại diện gia đình cho biết NSND Trần Hạnh qua đời vào 2 giờ 50 ngày 4.3 tại nhà riêng. Ông ra đi trong vòng tay của người thân trong gia đình. NSND Trần Hạnh hưởng thọ tuổi 92, theo tục của người Việt được coi là "hồng tang" nhưng sự ra đi vẫn để lại những mất mát và tiếc nhớ với khán giả.

Theo Zing

(0) Bình luận
NSND Trần Hạnh - người ông khắc khổ và hiền từ của màn ảnh