Chi Pu, Min, Lady Gaga, Britney và thời của quảng cáo tấn công âm nhạc

06/05/2019 10:25

Theo một thống kê của Bloomberg dựa vào top 20 Billboard từ năm 2014 đến 2017, Rolls-Royce là thương hiệu xuất hiện nhiều nhất trong lời bài hát. Theo sau là một hãng xe hơi khác, Ferrari.

Elle Mai - nghệ sĩ đoạt 3 giải Billboard 2019 - cho biết việc nhận quảng cáo các sản phẩm trong MV giúp những nghệ sĩ như cô hiện thực hóa những đam mê. Ảnh: Getty Images

1. Hai nàng Tấm - Cám cùng yêu vua, nhưng người chỉ chọn một. Tuy tích này đã mòn mặt trong các sản phẩm giải trí nhưng khi đưa vào MV Anh ơi ở lại của Chi Pu vẫn có nét thú vị riêng.

Chỉ có điều đến đúng đoạn cao trào khi Cám âm mưu chặt cây cau hại Tấm thì bối cảnh làng quê Bắc Bộ thời xưa bỗng chốc xuyên không với sự xuất hiện của một chiếc hộp khắc tên một thương hiệu về thương mại điện tử.

Cùng lúc đó, trong MV Đừng yêu nữa, em mệt rồi của Min, thương hiệu trên lại xuất hiện trong hình hài chiếc hộp quà. Chi Pu và Min cứ việc cạnh tranh ngôi thứ về lượt xem, lượt thích, dù vậy, mặc cho ai chiến thắng, người được nhiều lợi ích hơn cả có lẽ là thương hiệu kia.

Chi Pu trong MV Anh ơi ở lại

2. Mượn âm nhạc làm phương tiện truyền thông sản phẩm, điều đó chẳng có gì mới và chẳng có gì sai. "Làm MV rất đắt đỏ. Tôi từng chỉ ước sao có thêm tiền để đưa mọi thứ vào vị trí" - Elle Mai, nghệ sĩ trẻ vừa đoạt ba giải thưởng tại lễ trao giải thường niên của Billboard, trong đó có giải nghệ sĩ R&B hàng đầu, tâm sự.

Cô cho biết việc nhận quảng cáo các sản phẩm trong MV giúp những nghệ sĩ như cô hiện thực hóa những đam mê.

Hồi Telephone của Lady Gaga ra mắt, tạp chí NME còn hỏi độc giả rằng: chúng tôi đếm được 10 sản phẩm quảng cáo trong MV dài 9 phút của Gaga, chúng tôi có đếm sót không?

Telephone là một điển hình của âm nhạc bị "thuộc địa hóa" bởi thương mại. Các nhân vật đeo tai nghe Heartbeats, cuốn lô bằng chai Coke, dùng điện thoại Virgins, lái Chevrolet.

Từ Telephone, người ta dấy lên một cuộc tranh cãi quyết liệt về vấn đề quảng cáo trong MV âm nhạc. Trong khi MTV coi chuyện đó là nghiễm nhiên và xếp Gaga ngang tầm Madonna, Fox News lại coi nó là "thuốc độc cho đầu óc con trẻ".

Nhưng nói gì đi nữa, những sản phẩm như Telephone báo hiệu một thời đại đến cả âm nhạc cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa tiêu dùng bành trướng.

Làng âm nhạc thế giới có Katy Perry là người hiếm hoi dám chỉ trích việc lạm dụng quảng cáo. Cô đăng đàn lên án các ngôi sao chỉ biết có tiền, thiếu sáng tạo.

Đúng thời điểm đó, Britney Spears lại cho ra mắt một MV chẳng khác gì một siêu thị trưng bày sản phẩm. Nhưng Katy đã phải nhanh chóng thanh minh thanh nga không có ý cạnh khóe đàn chị. Bởi chính các MV của cô cũng có khác gì.

Britney Spears

3. Nhưng hơn cả thế, lạm dụng quảng cáo khiến mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả thay đổi một cách căn bản.

Thông điệp mà nghệ sĩ gửi gắm bỗng chốc dường như không còn trong sáng, mà luôn hàm ý một điều gì khác. Nếu ngày xưa The Beatles chỉ hát "Em yêu, em có thể lái chiếc xế của anh", thì ngày nay Ciara hát: "Chỉ vì anh lái chiếc xe Benz".

Đúng vậy, không chỉ xuất hiện trong MV, tên các thương hiệu còn lọt vào cả lời bài hát của rất nhiều ca sĩ, từ Taylor Swift đến The Weeknd. Các nhãn hàng có thể mất tới hàng trăm nghìn USD để được xuất hiện như vậy.

Điều buồn cười là khi John Lennon phát hành Imagine, ông còn bị chỉ trích là đạo đức giả, "là triệu phú sống trong dinh cơ còn đi khuyến khích người khác sống không vật chất".

Vậy thì Lady Gaga hẳn còn dễ trở thành đối tượng mỉa mai hơn khi đã kiếm bộn tiền từ các nhãn hàng, đến năm ngoái lại đi đóng A star is born lật tẩy sự hời hợt của nhạc pop.

Nhưng chỉ trích cũng vô ích. Một khi các ngôi sao còn cần tiền và các nhãn hàng còn sẵn sàng rót tiền, khán giả vẫn cứ sẽ phải chấp nhận rằng nhạc pop không hẳn là nghệ thuật, chính xác hơn, nó là một ngành công nghiệp.

HIỀN TRANG (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chi Pu, Min, Lady Gaga, Britney và thời của quảng cáo tấn công âm nhạc