Làm gì để triển khai hiệu quả Kết luận 21?

16/03/2022 06:00

Việc ban hành Kết luận 21 xuất phát từ thực trạng hiện nay còn nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật.


Các đại biểu dự hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại điểm cầu Thành ủy Hải Dương ngày 9.12.2021

Kết luận 21-KL/TW ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (sau đây gọi là Kết luận 21) về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Thực tiễn cũng cho thấy, 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra từ năm 1994 vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn (vẫn tụt hậu xa về kinh tế, vẫn đối mặt với nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và tệ quan liêu, “diễn biến hòa bình”). Bên cạnh đó, sự phá hoại của kẻ thù, mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa, hội nhập… vẫn đang tác động tiêu cực đến nước ta, cho nên càng phải chỉnh đốn, phải đẩy mạnh xây dựng Đảng. Việc ban hành Kết luận 21 cũng chính là thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Kết luận 21 đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trong đó nhấn mạnh 4 kết quả  đạt được, đồng thời chỉ ra hạn chế, khuyết điểm là: một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế; cơ chế kiểm soát quyền lực, chế tài xử lý vi phạm chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp; giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Kết luận 21 đã đề ra 4 mục tiêu cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. So với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận 21 có một số điểm mới sau:

Thứ nhất, đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Kết luận nêu yêu cầu cao hơn là kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ hai là mới về mục tiêu. Kết luận 21 đề ra mục tiêu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa "xây" và "chống", xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thứ ba, mới trong nhiệm vụ, giải pháp. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Kết luận 21 đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt, trong đó nhấn mạnh việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng, chính đốn Đảng là việc làm thường xuyên.

Để triển khai tốt Kết luận 21, trước hết cấp ủy các cấp cần triển khai thật tốt việc tổ chức quán triệt, nghiên cứu, học tập, triển khai đến cán bộ, đảng viên đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Cần đổi mới phương pháp giới thiệu, hạn chế thuyết trình một chiều, tăng cường nêu vấn đề hay gợi mở vấn đề để thảo luận và giải đáp. Nắm chắc 13 công việc trọng tâm trong Kế hoạch số 51 ngày 28.1.2022 của Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, rà soát bổ sung vào chương trình hành động của cấp ủy những việc cần làm trong triển khai thực hiện Kết luận 21 tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần quán triệt phương châm “5 rõ” (rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm) và chú trọng các giải pháp sáng tạo, có tính đột phá phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mang lại hiệu quả cao.  

Cần đẩy mạnh tuyên truyền về Kết luận 21, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong triển khai thực hiện. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là tuyên truyền nội dung Kết luận 21 và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, chương trình hành động của cấp ủy trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trong các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các hội đoàn thể, trong các hội nghị báo cáo viên…

Nêu cao vai trò của người đứng đầu, nhất là vai trò gương mẫu trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Thực hiện thật nghiêm túc việc đăng ký làm theo Bác và đăng ký công việc đột phá đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Chú trọng vai trò của bí thư cấp ủy, nhất là bí thư chi bộ trong triển khai thực hiện Kết luận 21 ngay tại cơ sở. Đặc biệt yêu cầu trách nhiệm cao đối với cấp ủy, bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện việc tổ chức các hội nghị kiểm điểm tự phê bình, phê bình và triển khai khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm. 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh; nhắc nhở và xử lý những biểu hiện làm lướt, làm qua loa đại khái, làm chiếu lệ… Đồng thời cũng ngăn chặn, xử lý những trường hợp lợi dụng dịp này để “đấu đá” , “hạ bệ”, hay trù dập nhau.

LÊ VĂN BẰNG

 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để triển khai hiệu quả Kết luận 21?