Vận chuyển, xử lý rác thải theo cụm chậm, vì sao?

07/07/2018 12:09

Chưa thống nhất được đơn giá vận chuyển, xử lý là nguyên nhân chính khiến tiến độ thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung chậm.

Vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung góp phần giảm ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn

Đến giữa năm 2018, một số xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện Đề án "Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020" vẫn chưa triển khai thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH theo cụm.

Tiến độ chậm

Thực hiện đề án này, UBND huyện Bình Giang đã xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý RTSH trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí vận chuyển, xử lý RTSH cho 6 xã, gồm Vĩnh Tuy, Tân Hồng, Bình Minh, Hồng Khê, Cổ Bì và Thái Dương. Những xã này đã có bãi chôn lấp RTSH tự xây dựng nhưng không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Toàn bộ lượng rác phát sinh của các xã này khoảng 540 tấn/tháng sẽ được thu gom, vận chuyển, xử lý tại Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc. Mặc dù được triển khai từ giữa năm 2017 nhưng đến nay chưa xã nào của huyện Bình Giang thực hiện vận chuyển, xử lý rác theo kế hoạch này.

Huyện Cẩm Giàng cũng xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH cho 6 xã là Cẩm Đông, Cao An, Tân Trường, Cẩm Đoài, Cẩm Phúc, Cẩm Điền và thị trấn Lai Cách theo đề án. Theo kế hoạch, toàn bộ 1.050 tấn rác phát sinh trong 1 tháng của 7 xã, thị trấn trên sẽ được Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc vận chuyển, xử lý 2 lần/tuần. Tổng kinh phí hỗ trợ vận chuyển, xử lý rác của 7 địa phương khoảng 563 triệu đồng/tháng. Nhưng đến nay, kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được. Trừ một số thôn, khu dân cư của xã Tân Trường và thị trấn Lai Cách tự đóng góp kinh phí thuê vận chuyển, xử lý tập trung, RTSH của các địa phương còn lại vẫn được chôn lấp tại các bãi chôn lấp tập trung.

Cũng như Bình Giang và Cẩm Giàng, một số xã của huyện Kim Thành như Lai Vu, Cộng Hòa, Kim Tân, Kim Xuyên cũng chưa vận chuyển, xử lý RTSH tại nhà máy xử lý của Công ty CP Môi trường Seraphin - APT Hải Dương theo kế hoạch. Từ tháng 8.2017, UBND huyện Kim Thành đã họp, lấy ý kiến các xã thống nhất lựa chọn phương án thu gom, vận chuyển và xử lý rác tập trung tại Công ty CP Môi trường Seraphin – APT Hải Dương. Các xã nhiều lần đề nghị UBND huyện Kim Thành kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan sớm triển khai đề án để đưa RTSH về nhà máy xử lý tập trung do lượng rác phát sinh ngày một nhiều, bãi chôn lấp tập trung đã quá tải.

Chưa thống nhất đơn giá

Ô nhiễm môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc hiện nay

Mục tiêu của đề án trong năm 2018 là tiếp nhận, xử lý khoảng 75% lượng RTSH phát sinh của các huyện: Thanh Hà, Kim Thành, Nam Sách tại nhà máy xử lý RTSH ở xã Việt Hồng (Thanh Hà); 80% lượng RTSH phát sinh của huyện Bình Giang và một số xã thuộc các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện tại Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc. Nhưng với tiến độ như trên thì mục tiêu này rất khó đạt được.

Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH tập trung chậm là do các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chưa thống nhất được đơn giá vận chuyển, xử lý. Theo đề án, UBND tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí vận chuyển từ điểm tập trung của xã đến nhà máy và kinh phí xử lý rác. Theo phương án tạm tính của Sở Tài chính, mỗi m3 rác sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ khoảng 540.000 đồng, bao gồm 190.000 đồng phí vận chuyển và 350.000 đồng phí xử lý tại nhà máy. Theo tính toán của các doanh nghiệp xử lý RTSH, mức phí này vẫn thấp so với mặt bằng chung của các tỉnh, thành phố lân cận. Ông Dư Đình Thi, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc cho biết với đơn giá tạm tính như trên, các doanh nghiệp tham gia xử lý RTSH sẽ không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất thấp. Do thói quen của người dân, hiện RTSH vẫn chưa được phân loại tại nguồn. Doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để phân loại, sàng lọc rác trước khi xử lý nên chi phí tăng cao. Hiện nay, các Công ty CP: Môi trường xanh Minh Phúc, Môi trường Seraphin - APT Hải Dương đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện vận chuyển, dây chuyền xử lý sẵn sàng vận chuyển, xử lý RTSH theo kế hoạch đã được phê duyệt. "Vướng mắc nhất hiện nay là Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương liên quan chưa thống nhất được phương án, đơn giá vận chuyển, xử lý. Nếu có đơn giá cụ thể, bảo đảm hiệu quả cho doanh nghiệp, chúng tôi luôn sẵn sàng vận chuyển, xử lý, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn", ông Bùi Quang Bồng, Giám đốc Công ty CP Môi trường Seraphin - APT Hải Dương khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng việc hỗ trợ kinh phí đối với các xã, thị trấn thực hiện vận chuyển, xử lý RTSH tập trung theo đề án của UBND tỉnh đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, Sở Tài chính cùng các địa phương phải nghiên cứu kỹ, xây dựng phương án giá hợp lý nhất bảo đảm hiệu quả của đề án, phù hợp với nguồn lực của tỉnh.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Vận chuyển, xử lý rác thải theo cụm chậm, vì sao?