Tứ Kỳ bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng

25/05/2019 10:34

Thời gian qua, huyện Tứ Kỳ quan tâm giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thông qua những việc làm cụ thể.


Xã Phượng Kỳ thường xuyên tổ chức cho học sinh đến tham quan tại điểm di tích lịch sử cách mạng ở thôn Cự Đà

Tích cực xã hội hóa

Đến cuối năm 2018, xã Phượng Kỳ đã xây dựng xong cả 3 điểm di tích lịch sử cách mạng. Các bia tưởng niệm, bia chiến thắng được xây dựng khang trang ngay tại nơi từng diễn ra sự kiện nhằm ghi nhớ công lao của bộ đội và du kích địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Xã còn trồng cây xanh, làm lối đi thuận tiện cho người dân đến thắp hương, tham quan. Ông Phạm Hải Phú, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Kinh tế địa phương còn khó khăn song xã luôn xác định việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Do có 2 điểm di tích nằm trên đất ở của nhân dân, điểm còn lại thuộc đất 03 nên việc giải phóng mặt bằng ban đầu gặp khó khăn. Nhờ làm tốt công tác vận động, người dân đã hiến gần 100 m2 đất, ủng hộ hàng trăm triệu đồng và ngày công. Đồng thời xã còn tổ chức nhiều đợt phát động trong mỗi cán bộ, đảng viên. 100% đảng viên đã tham gia ủng hộ 100.000đồng trở lên/di tích. Nhờ vậy, mỗi điểm di tích được xây dựng với kinh phí gần 100 triệu đồng.

Xã Tân Kỳ đang gấp rút xây dựng 2/4 điểm di tích lịch sử cách mạng còn lại trong năm nay. Ngoài ngân sách hỗ trợ của huyện, xã còn tích cực kêu gọi con em xa quê thành đạt và các doanh nghiệp ở địa phương ủng hộ. Tiêu biểu là bia tưởng niệm ở thôn Nghi Khê đã được xây dựng với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, trong đó hơn 500 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. 

Huyện Tứ Kỳ có 36 điểm di tích lịch sử cách mạng gồm 3 điểm cấp huyện và 33 điểm do các xã, thị trấn quản lý. Sau khi triển khai đề án “Xây dựng các điểm di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2015” và tiếp tục triển khai vào giai đoạn 2016-2020, đến nay toàn huyện đã xây dựng được 24 điểm di tích. Trong đó có 2 điểm di tích lịch sử cách mạng cấp huyện gồm nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện ở thôn An Giang, xã Quang Phục và nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện tại đình La Tỉnh, thị trấn Tứ Kỳ. Để động viên các địa phương xây dựng các điểm di tích lịch sử cách mạng, huyện hỗ trợ 15% tổng giá trị mỗi công trình. 

Hiện còn 12 điểm chưa xây dựng do địa phương thiếu kinh phí hoặc nằm trên đất ở của người dân, hành lang an toàn giao thông... Huyện sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, phấn đấu hoàn thành xong việc xây dựng các điểm di tích lịch sử cách mạng còn lại vào cuối năm nay. 

Phát huy giá trị lịch sử

Huyện chú trọng phát huy giá trị các di tích. Đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ, qua đó bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và ý thức bảo vệ, gìn giữ di tích lịch sử cách mạng. Ông Phạm Hải Phú cho biết thêm: “Vào những ngày diễn ra sự kiện lớn của đất nước, địa phương đều tổ chức cho các em học sinh đến tham quan, học tập tại các điểm di tích. Đồng thời, khuyến khích phía nhà trường đưa việc tham quan các điểm di tích vào trong chương trình giảng dạy lịch sử địa phương”. 

Thanh niên trong huyện cũng thể hiện rõ trách nhiệm. Năm 2018, các cấp bộ đoàn trong huyện dành hơn 1.000 ngày công để tu sửa, dọn vệ sinh môi trường tại các điểm di tích. 

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tứ Kỳ Nguyễn Tá Tịnh, để tránh tình trạng các điểm di tích lịch sử cách mạng xây dựng xong lại không được quan tâm, phát huy giá trị, thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền như tổ chức các cuộc thi lịch sử địa phương gắn với tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng, tổ chức các hoạt động ngoại khóa của các nhà trường tại đây...

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tứ Kỳ bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng