Thiếu chế tài xử phạt vi phạm quy định tiêm chủng bắt buộc

06/02/2018 10:38

Quy định 10 loại bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vaccine đã có hiệu lực nhưng chưa có chế tài xử phạt những trường hợp không thực hiện...


Công tác tuyên truyền về 10 loại bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine bắt buộc cần được đẩy mạnh hơn nữa

Thông tư 38/2017/TT-BYT, ngày 17.10.2017 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày1.1.2018 quy định 10 loại bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine bắt buộc. Việc này góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia.

Yêu cầu bắt buộc

Các bệnh truyền nhiễm và vaccine thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình TCMR, áp dụng cho trẻ từ sơ sinh đến 5tuổi, gồm 10 bệnh: viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B, sởi, viêm não Nhật Bản B và Rubella. Đây là 10 bệnh nguy hiểm và phổ biến nhưng người dân còn thiếu kiến thức hoặc nhận thức chưa cao về tiêm vaccine phòng bệnh.

Hiện nay có không ít bậc cha mẹ sau khi tham khảo một số trang mạng không chính thống, nhất là do xảy ra một số sự cố sau tiêm vaccine đã tẩy chay vaccine. Đã có thời điểm, lượng người tiêm vaccine phòng bệnh ít dẫn đến số ca mắc các bệnh truyền nhiễm tăng, bùng phát thành dịch bệnh.

Ông Cao Xuân An, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) dẫn chứng, từ năm 2010-2012 xảy ra một số trường hợp nghi phản ứng sau tiêm chủng. Người dân lo ngại, không đưa con em đi tiêm phòng vaccine. Tỷ lệ tiêm phòng thấp là nguyên nhân chính dẫn đến bùng phát dịch sởi năm 2014. Theo Niên giám thống kê của Bộ Y tế, năm 2014, toàn tỉnh có 521 ca mắc sởi (chiếm tỷ lệ 16,56/100.000dân), 12 ca tử vong do sởi (chiếm 0,65/100.000 dân). Trong số ca mắc sởi, có tới 82,1% trường hợp chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Cũng trong năm2014, tỷ lệ tiêm viêm ganB sơ sinh đạt thấp dưới 10%.

Theo ông An, Thông tư38 giúp người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm vaccine phòng bệnh, tăng cường miễn dịch cho đối tượng được tiêm và bảo vệ cộng đồng. Trẻ tiêm 10vaccine này đều được miễn phí. 2 vaccine được chỉ định tiêm bắt buộc cho trẻ sơ sinh gồm vaccine viêm gan virusB (tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh) và vaccine lao (tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh).
Theo danh mục tại Thông tư38, vaccine tả không còn trong danh mục tiêm chủng bắt buộc với trẻ nhỏ. Thông tư này cũng hướng dẫn nếu chưa tiêm đúng lịch, tiêm chủng sau đó càng sớm càng tốt nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của chương trình TCMR. Việc xác định phạm vi và đối tượng sử dụng vaccine thuộc danh mục quy định bắt buộc sẽ do Sở Y tế xem xét, quyết định hoặc theo chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng vaccine.

Cần biện pháp mạnh

Mặc dù là quy định bắt buộc nhưng hiện tại Thông tư38 lại chưa có chế tài xử phạt đối với những trường hợp không thực hiện. "Trên thực tế còn xảy ra một số trường hợp chống đối trong quá trình cán bộ y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh như phun thuốc muỗi, không chấp hành cách ly khi có ổ dịch...", ông An nói.


Chưa có chế tài xử phạt những người không thực hiện đầy đủ tiêm vaccine (ảnh minh họa)

Theo ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế, việc xác định đối tượng sử dụng vaccine, lập danh sách theo dõi đã được ngành y tế của tỉnh thực hiện sát sao trước khi Bộ Y tế ban hành Thông tư38. Những năm gần đây, nhận thức của người dân về tiêm vaccine cho con em mình đã có sự chuyển biến tích cực. Năm2017, tỷ lệ trẻ sơ sinh tiêm vaccine viêm ganB sơ sinh đạt trên90%, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98%... Nhưng việc tiêm vaccine mới dừng lại ở mức tự nguyện, phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân.

Cũng theo ông Cường, công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh hơn nữa. "Chúng tôi đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền tại các trạm y tế như treo pa nô, áp phích, tờ quảng cáo về những điều bà mẹ cần biết khi đưa con đi tiêm chủng, những quy định về tiêm chủng, các đĩa CD và một số tờ rơi để phát cho người dân", ông Cường nói. Việc lên danh sách, theo dõi cũng được trạm y tế phân công về từng thôn, khu dân cư, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, thậm chí đến từng gia đình đôn đốc.

"Phải làm sao để 100% số trẻ được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch. Một số nước trên thế giới quy định bắt buộc tiêm phòng đối với một số bệnh truyền nhiễm. Trẻ khi đến tuổi đi học, phụ huynh phải cung cấp cho nhà trường giấy chứng nhận đã tiêm đầy đủ các loại vaccine. Nên chăng chúng ta cũng áp dụng phương pháp này để bảo đảm cho trẻ em được tiêm đầy đủ, đúng lịch?", ông Phạm Mạnh Cường đề xuất.

LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Thiếu chế tài xử phạt vi phạm quy định tiêm chủng bắt buộc