Tết ở nơi “bán anh em xa, mua láng giềng gần”

11/02/2018 19:02

Không có quan hệ huyết thống nhưng trải qua bao năm tháng gắn bó, người dân ở một làng quê trước đây thuộc Nông trường Chí Linh đã thực sự coi nhau là “người một nhà”...


Ông Bảo chăm chút cho khóm lá dong để gói bánh trong dịp Tết cổ truyền

Duyên về một chốn

Tính đến xuân Mậu Tuất 2018, ông Nguyễn Công Bảo đã có 36 năm sống ở mảnh đất Chí Linh. Từ làn da ngăm đen đến đôi tay chai sạn vì bốn mùa gắn bó với cây chè cũng đủ thấy ông đã thuộc về nơi này. Tuy không phải là nơi “chôn nhau cắt rốn” nhưng mảnh đất này đã mang đến nguồn sống cho ông cùng cả gia đình suốt những năm tháng qua.

Quê ông Bảo vốn ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). 36 năm về trước, ông từng đi khắp chốn, từ Thanh Hóa rồi đến các tỉnh Hòa Bình, Bắc Cạn... Ba người con của ông cũng lần lượt ra đời ở ba nơi khác nhau. Cuộc sống nay đây mai đó khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn, vất vả. Khi muốn “an cư lạc nghiệp”, ông đã tìm về Nông trường Chí Linh. Không biết đất hợp người hay người hợp đất nhưng chỉ sau một năm ông Bảo đã tính chuyện gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Ông không ở nhà tập thể của nông trường nữa mà xin đất ra dựng nhà ở riêng, mở đầu cho cuộc sống ổn định trên vùng đất mới.

Chồng bà Nguyễn Thị Pha quê ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) lên làm công nhân Nông trường Chí Linh từ năm 1968. Năm 1989, bà cũng khăn gói theo chồng lên đây. Sau đó, ông vào bộ đội khoảng 10 năm rồi lại tiếp tục trở về nông trường. Lên với chồng, bà mang theo cả con cái và nghề giáo dang dở chốn quê nhà. Phải xa quê hương đã gắn bó ngót nghét nửa đời người, xa người thân và bao thế hệ học trò, lòng bà ngổn ngang nỗi nhớ. Nhưng niềm an ủi với bà là được gần chồng và vẫn tiếp tục công việc dạy học. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, giờ đây trên gương mặt của bà giáo già, nỗi buồn xa quê đã không còn, đọng lại là niềm vui "an cư lạc nghiệp".

Mảnh đất mà các gia đình ông Bảo, bà Pha đang sinh sống chính là thôn Tân Lập, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh), trước kia thuộc Nông trường Chí Linh. Năm 1994, nông trường giải thể nhưng nhiều người từng là công nhân của nông trường và người thân của họ vẫn ở lại đây nhận đất trồng chè để giữ màu xanh cho những vạt đồi và cả cuộc sống tương lai. Ông Nhữ Đình Hậu, Trưởng thôn Tân Lập cho biết khu này trước đây là đội sản xuất số 5 của nông trường. Năm 2002, đội mới sáp nhập vào xã Hoàng Hoa Thám, đổi tên là thôn Tân Lập. Hiện thôn có khoảng 100 hộ, chủ hộ đều là những người từng làm việc tại nông trường hoặc người thân của họ.

Chan chứa tình người

Đã qua bao cái Tết ở đây, lắng lại trong lòng bà Pha là tình cảm xóm giềng gắn bó, chia ngọt sẻ bùi chẳng khác nào tình cảm của những người ruột thịt trong nhà. Không phải đến bây giờ mà ngay từ lần đầu tiên ăn Tết ở đây bà đã cảm nhận được điều đó. Đó là Tết Canh Ngọ 1990 - cái Tết đầu tiên của bà Pha ở nông trường. Đêm giao thừa, chồng lại đến phiên canh đồi chè, hai mẹ con bà đón Tết trong căn nhà tập thể của nông trường. "Đêm đông miền núi giá lạnh, gió lùa qua khe vách khiến lòng người càng tê tái. Tôi đã khóc vì nhớ nhà. Nhưng khi nhìn trên bàn thấy chiếc bánh chưng xanh, túi khoai tây và mấy quả cà chua học sinh cho ăn Tết, lòng ấm hẳn lên. Tôi biết rằng đó là thứ tình cảm không gì mua được và nó đã trở thành động lực để tôi gắn bó với mảnh đất này suốt những năm tháng qua”, bà Pha rưng rưng nhớ lại.

Nhìn căn nhà khang trang với nhiều tiện nghi giá trị của gia đình bà Nguyễn Thị Tài đủ thấy quyết định gắn bó với mảnh đất này của gia đình bà thật ý nghĩa. Quê bà ở huyện Tứ Kỳ, nhưng ở đây chưa bao giờ bà cảm thấy thiếu thốn tình cảm, nhất là vào những ngày Tết cổ truyền. Chồng bà Tài hiện là công an viên của xã. Vậy nên nhiều năm nay, cứ vào đêm giao thừa, cán bộ của thôn lại lấy nhà bà làm điểm xuất phát để đến từng nhà chúc Tết. Tiếng cười nói chúc mừng năm mới cứ thế xôn xao tỏa đi khắp các ngõ xóm. Từ sáng sớm nhà nào cũng mở cửa đón chào hàng xóm sang chúc Tết. Dù chỉ ghé qua chốc lát nhưng gần như nhà nào trong xóm cũng đi hết lượt. Đến chiều, các gia đình lại hẹn nhau ra miếu của thôn làm lễ cầu mong một năm mới sức khỏe, bình an, làm ăn may mắn… Sang mùng 2, những gia đình có điều kiện mới rục rịch về quê chúc Tết. Một số gia đình ở xa thì ở lại cả dịp Tết. Ra giêng ngày rộng tháng dài họ mới về thăm quê.

Đến nay, sau khoảng 15 năm sáp nhập về xã Hoàng Hoa Thám, thôn Tân Lập đã được đầu tư phát triển hơn hẳn trước. Ngõ vào các nhà dân hầu hết đã được đổ bê tông sạch đẹp. Các hộ dân không còn độc canh cây chè bởi chính quyền đã hỗ trợ để họ chuyển đổi, phát triển thêm về chăn nuôi, dịch vụ. Điển hình là sản phẩm gà đồi của Tân Lập đang từng bước khẳng định chất lượng trên thị trường. Thu nhập của người dân đạt khoảng 32 triệu đồng/người/năm. Đến nay, cả thôn chỉ còn 2 hộ nghèo thuộc diện đặc thù. Đời sống phát triển khiến không khí đón Tết cổ truyền của người dân trong thôn càng xôm tụ…

Mùa xuân này, Tân Lập ngập tràn niềm vui hòa chung khí thế khi thị xã Chí Linh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Câu nói của bà Pha có lẽ cũng là tiếng lòng của đa số người dân nơi đây: “Dù không phải là nơi gốc gác ông bà tổ tiên nhưng tôi sẽ ở đây đến hết đời. Và các con, các cháu tôi cũng sẽ coi mảnh đất này là quê hương của mình để hết lòng dựng xây, phát triển”.

THANH NGA

(0) Bình luận
Tết ở nơi “bán anh em xa, mua láng giềng gần”