Sớm loại bỏ tục đốt vàng mã

09/03/2018 12:28

Mặc dù Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đề nghị các cơ sở thờ tự không đốt vàng mã nhưng ở một số nơi tình trạng này vẫn diễn ra...


Đốt vàng mã tại một phủ thờ tư gia tại phố Thái Học 2, phường Sao Đỏ (Chí Linh) 

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn số 31/CV-HĐTS đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, đặc biệt trong dịp lễ hội nhằm giữ gìn văn hóa truyền thống, loại bỏ mê tín dị đoan. Tuy nhiên, tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, tín ngưỡng hay ngay tại nhà riêng, người dân vẫn đốt vàng mã tràn lan.

Tiền vẫn tan theo khói

Ngày 3.3, tại di tích đền Kiếp Bạc (Chí Linh), sau khi canh hầu đồng kết thúc, những người tổ chức đem một lượng lớn vàng mã đi đốt gồm ngựa, voi, kiệu, thuyền, hình người cỡ lớn, quần áo các loại tại khu hóa vàng mã. Ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt, tro bụi cuốn bay khắp nơi.

Đền Kiếp Bạc (Chí Linh) có 2nơi hóa vàng mã gồm 1 tháp và 1 bể kích thước lớn. Chị Nguyễn Thị Thúy bán hàng trước cửa đền cho biết từ trước Tết Nguyên đán tới nay, các canh hầu đồng diễn ra liên tục. Sau mỗi canh, người dân lại đốt rất nhiều vàng mã. “Hiện đang là thời gian cao điểm du khách đốt vàng mã trong mùa lễ hội. Hầu như ngày nào cũng có người đốt. Những ngày cuối tuần càng có nhiều người đốt hơn”, chị Thúy nói.

Những ngày gần rằm tháng giêng, tại khu di tích đền Tranh, chùa Tranh ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang), trước cửa, trong và cả phía sau đền, hàng chục “ông” ngựa giấy cỡ lớn được bày theo hàng để chờ được hóa. Mùa lễ hội, du khách thập phương đến lễ rất đông, kèm theo hoa lễ, trên tay mỗi người đều có các loại tiền vàng, mũ áo... để hóa.
Việc đốt vàng mã không chỉ diễn ra nhiều ở mùa lễ hội, tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, tín ngưỡng mà diễn ra ngay tại các gia đình mỗi dịp giỗ, thanh minh, rằm tháng bảy, Tết Nguyên đán... Tục đốt vàng mã được du nhập vào nước ta từ rất lâu đời nên đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Với suy nghĩ “trần sao âm vậy”, người sống thường đốt vàng mã để chăm lo cho người thân đã qua đời.

Việc đốt vàng mã diễn ra phổ biến, thậm chí có phần bị lạm dụng nên rất lãng phí. Bà Nguyễn Thị Tính ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) cho biết đầu năm nay bà cùng các con đã chi 7triệu đồng để mua sắm vàng mã trong các buổi lễ cầu may, giải hạn. “Đây quả là một số tiền lớn, tôi và các con phải tích cóp vài tháng mới có được”, bà Tính nói. 
Ngoài phô trương, hình thức, việc lạm dụng đốt vàng mã cũng ảnh hưởng tới sự trang nghiêm của những nơi thờ tự.

Giáo lý nhà Phật không dạy đốt vàng mã

Thượng tọa Thích Thanh Vân, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết giáo lý nhà Phật không dạy con người phải dâng vàng mã cho Phật hoặc đốt biếu cho người thân khi qua đời. "Tiền vàng đốt xuống âm phủ tiêu như thế nào? Quần áo đốt làm sao vừa với kích cỡ của người thường? Rồi xe cộ, nhà cửa, đồ đạc đốt xuống có dùng được không? Ai là người nhận vì theo luật nhân quả, mỗi người chết đi sẽ được tái sinh về một cảnh giới khác. Qua đó đủ thấy quan niệm đốt vàng mã của người dân bấy lâu nay chỉ là mê tín dị đoan", Thượng tọa Thích Thanh Vân phân tích.

Ông Nguyễn Như Độ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh khẳng định: "Loại bỏ tục đốt vàng mã không những tiết kiệm mà còn giúp bảo vệ môi trường, tránh được các nguy cơ hỏa hoạn". Ông Độ dẫn chứng từ vụ cháy chợ ở Kinh Môn năm 2015 đã thiêu rụi 100 ki-ốt, thiệt hại hàng tỷ đồng, hay vụ hỏa hoạn thiêu rụi 2,5ha rừng ở khu vực núi Sơn Đảo (Hải Phòng) ngay trong đêm giao thừa Tết Mậu Tuất vừa qua, nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc đốt vàng mã. "Ban Tôn giáo tỉnh đã nhận được công văn số 31 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh triển khai tới các cơ sở thờ tự Phật giáo, các tăng ni trụ trì ở các địa phương thực hiện công văn này", ông Độ nói.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Vân, tục đốt vàng mã đã ăn sâu vào tâm thức của người dân nên loại bỏ không dễ, cũng chưa thể giải quyết dứt điểm một sớm một chiều. Khi chưa thay đổi được thói quen ngay, mỗi phật tử có thể giảm số lượng vàng mã đốt, chỉ nên đốt ít để thể hiện lòng thành với người đã mất và để người sống được an tâm. “Giáo hội Phật giáo tỉnh sẽ triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Quan trọng nhất vẫn là khâu tuyên truyền phải đẩy mạnh để thay đổi nhận thức của người dân”, Thượng tọa Thích Thanh Vân nói. Ông Thích Thanh Vân mong muốn các phật tử có thể dùng tiền mua vàng mã để thực hiện hoạt động mang ý nghĩa tâm linh tốt đẹp hơn như tu bổ di tích lịch sử, văn hóa, các công trình phúc lợi. Ngành văn hóa và chính quyền địa phương cùng với ban quản lý các di tích cần giám sát, vận động người dân hạn chế đốt vàng mã khi đến chiêm bái, hành lễ.

LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm loại bỏ tục đốt vàng mã