"Phù phép" giấy ra viện giả

20/05/2018 13:09

Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội Facebook xuất hiện các thông tin mua bán giấy ra viện với chi phí rất rẻ. Muốn nghỉ ốm chỉ cần… 10 bát phở.


Facebook Trần Toàn rao bán giấy ra viện với giá 250.000 đồng/tờ

Với số tiền chỉ từ 100 đến vài trăm nghìn đồng, người mua có thể cầm trong tay tờ giấy ra viện ghi tình trạng bệnh lý, có chữ ký, con dấu của một số bệnh viện lớn tuyến Trung ương hay bệnh viện cấp huyện trong tỉnh. 

Thả thính bắt… "cò"

Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội Facebook xuất hiện các thông tin mua bán giấy ra viện (GRV) với chi phí rất rẻ. Người mua không cần mất nhiều thời gian, không phải đến đăng ký khám bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện được cấp phép mà chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân là có thể có ngay trong tay một tờ giấy loại này.

Trong vai người đang có nhu cầu mua GRV, chúng tôi được một số công nhân tại khu vực phường Tứ Minh (TP Hải Dương) chia sẻ số điện thoại 01655559xxx và tài khoản Facebook có tên “Trần Toàn” là người có thể cung cấp loại giấy tờ trên. Mặc dù vậy, để liên lạc với chủ thuê bao trên gặp nhiều khó khăn bởi đối tượng rất thận trọng trong giao dịch. Sau nhiều lần liên lạc bằng điện thoại, đối tượng mới nhắn tin lại và yêu cầu chúng tôi kết bạn trên Facebook để trao đổi công việc cụ thể.  

Khi đã được kết bạn, chủ Facebook “Trần Toàn” tỏ ra cảnh giác và không hề cung cấp bất kỳ thông tin gì về cá nhân. Sau một thời gian thăm dò về tên tuổi, nghề nghiệp và yêu cầu cung cấp hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đối tượng mới ra giá: 

- Mình có 2 loại giấy với thời hạn khác nhau. Một loại 1 tuần và một loại 1 tháng.

- Một tuần thì bao nhiêu tiền? - tôi hỏi

- 350k (tức 350.000 đồng) bạn nhé! - chủ tài khoản Facebook trả lời.

- Ông anh mình nói chỉ có 250k (tức 250.000 đồng) thôi!

Như đã chắc chắn, đối tượng chốt lịch hẹn giao hàng ngay trong chiều tối tại chân cầu vượt khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương). 

Đúng 20 giờ tối, chúng tôi có mặt tại địa điểm đã hẹn trước. Trong làn mưa rát mặt, chúng tôi chờ đợi đối tượng giao hàng. 20 giờ, 21 giờ rồi đến 21 giờ 30 vẫn chưa thấy người giao hàng tới. Liên hệ qua điện thoại và Facebook đều không nhận được câu trả lời. Chúng tôi lại đành ngậm ngùi ra về.

Sáng hôm sau, đối tượng liên lạc lại và thông báo sẽ giao hàng cho chúng tôi vào cuối giờ chiều tại địa điểm cũ. 17 giờ 30, chúng tôi có mặt tại điểm hẹn. Chờ đợi khoảng 30 phút, đối tượng lại gọi điện báo thay đổi địa điểm giao dịch từ cầu vượt sang cổng khu công nghiệp Đại An. Tại điểm hẹn, như để chắc rằng đúng người nên dù đứng rất gần nhưng đối tượng vẫn gọi thêm 1 cuộc điện thoại cho chúng tôi. Khi xác định chuẩn người, đối tượng mặc quần jean, áo phông đỏ, đeo kính tầm khoảng 25 tuổi phóng xe đến và đưa cho chúng tôi 1 tờ giấy bọc túi nilon mỏng ở ngoài. Sau khi nhận tiền, đối tượng nhanh chóng phóng xe đi về hướng thị trấn Lai Cách. Trước khi đi, đối tượng không quên dặn khi nào có bạn bè hay người thân có nhu cầu thì cứ liên lạc vào số điện thoại cũ hoặc trao đổi qua tài khoản Facebook “Trần Toàn”.


Một giấy ra viện giả được Bảo hiểm Xã hội tỉnh kịp thời phát hiện

Tờ GRV mà Toàn đưa cho chúng tôi có đầy đủ thông tin về họ tên, nghề nghiệp, số thẻ BHYT, thời gian ra vào viện với chẩn đoán bị “quai bị” phải hạn chế đi lại nếu không sẽ gây biến chứng và có con dấu, chữ ký của ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tờ giấy này có hình thức giống như những tờ GRV có dấu hiệu làm giả được đại diện Phòng Chế độ chính sách Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh cung cấp cho chúng tôi với các biểu hiện như dấu tên chức danh và dấu bệnh viện bị mờ, nhòe, kích thước to hơn; phần tên người đôi khi bị dập xóa…

Qua tìm hiểu được biết đối tượng thường được gọi với tên là Toàn, cũng là chủ nhân của tài khoản Facebook "Trần Toàn". Toàn ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) về Hải Dương làm công nhân cho một doanh nghiệp tại huyện Cẩm Giàng. Không rõ từ đâu Toàn móc nối được đường dây cung cấp GRV cho các công nhân có nhu cầu xin nghỉ việc dài ngày. Thời gian gần đây, Toàn thường đăng tải thông tin và cung cấp loại giấy tờ trên mỗi khi có người đặt vấn đề. Vị trí đánh dấu địa điểm của Toàn trên Facebook là ở xã Cẩm Phúc.    

Muốn nghỉ ốm chỉ cần… 10 bát phở

Trong quá trình lấy tư liệu cho bài viết, chúng tôi được một số công nhân chia sẻ vẫn có bệnh viện trong tỉnh làm dịch vụ cung cấp loại GRV kiểu này với giá tiền tương đương hoặc rẻ hơn và thời gian nhanh hơn. Được nhắc đến nhiều nhất là Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Gia Lộc. 

Có mặt tại BVĐK huyện Gia Lộc vào một buổi chiều giữa tháng 5, lúc này, người dân đến đăng ký khám, chữa bệnh khá đông. Để tạo độ tin tưởng, chúng tôi đã nhờ một công nhân đang thuê trọ tại khu vực phường Tứ Minh dẫn đi. Người này chia sẻ nếu cứ vào hỏi thẳng thì họ không nhận làm đâu. Phải hỏi qua bảo vệ để họ dẫn vào mới làm được. Đã vài lần làm việc này nên cậu công nhân dẫn chúng tôi đi một cách thành thạo.

Sau khi dò hỏi, chúng tôi được một bảo vệ dẫn vào nơi lấy sổ và hướng dẫn khám bệnh của bệnh viện. Ở đây có 4 nữ mặc áo blu trắng đang làm việc. Khi biết chúng tôi có nhu cầu làm GRV, giọng một cô lớn tuổi đang oang oang bỗng thỏ thẻ chỉ đủ 2 người đứng gần nghe thấy. Cô này yêu cầu đưa thẻ BHYT và ra ngoài đợi. 10 phút sau cô gọi chúng tôi vào và đưa cho 1 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH trong thời gian 7 ngày với chẩn đoán “viêm dạ dày cấp”. Giấy chứng nhận có đầy đủ dấu và chữ ký xác nhận của bác sĩ Đỗ Văn Quyết, Phó Giám đốc BVĐK huyện Gia Lộc. Ngoài ra, người này còn yêu cầu đóng 250.000 đồng tiền phí và hướng dẫn chúng tôi ra quầy phát thuốc bảo hiểm để nhận thuốc. Tuy nhiên, số thuốc này sau đó phải giao hết lại mà không được cầm về. 

Vậy là chỉ chưa đầy 15 phút và số tiền tương đương với 10 bát phở, chúng tôi cũng đã có một giấy chứng nhận hợp lệ để được nghỉ làm việc trong thời gian 7 ngày. 


Chỉ với 250.000 đồng là có trong tay tờ giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội có chữ ký của Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc

Cũng tại bệnh viện này, "dịch vụ" làm giấy khám sức khỏe rất công khai, đơn giản với giá 120.000 đồng/giấy. Người có nhu cầu chỉ cần mang chứng minh nhân dân, thẻ BHYT, 1 ảnh chân dung là có thể làm ngay trong thời gian chưa đầy 15 phút. Sau khi được phát một tờ giấy khám sức khỏe đã ghi sẵn nội dung, chúng tôi được hướng dẫn đến các phòng, khoa chức năng để xin chữ ký và đóng dấu tên của các bác sĩ. Quy trình này nhanh chóng kết thúc sau khi chúng tôi xin được chữ ký của ông Đỗ Văn Quyết, Phó Giám đốc BVĐK huyện Gia Lộc. Việc đi qua phòng, khoa khám bệnh chỉ là hình thức, không hề có hoạt động khám bệnh nào diễn ra. Thậm chí, kể cả việc đo chiều cao, cân nặng, huyết áp cũng không được tiến hành. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có được một giấy khám sức khỏe với chứng nhận “hiện tại đủ sức khỏe lao động”.

Ngăn chặn được không?

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này vẫn tồn tại là do ý thức của người lao động còn kém. Một số lao động vì có việc riêng nên sử dụng cách thức này để “qua mắt” doanh nghiệp. Anh Nguyễn Văn B. (25 tuổi) quê ở huyện Ninh Giang đang làm công nhân tại khu công nghiệp Đại An chia sẻ: “Việc quản lý giờ làm của các công ty khá nghiêm ngặt. Vì vậy, mỗi khi muốn nghỉ, anh em chúng tôi thường mua các loại GRV để nộp về công ty. Cũng đã có trường hợp bị phát hiện và công ty buộc thôi việc. Tuy nhiên vẫn có người sử dụng cách thức này. Bản thân tôi cũng đã từng vài lần làm như vậy”.

Cuối tháng 3.2018, BHXH tỉnh đã phát hiện 5 công nhân của Công ty TNHH May Tinh Lợi đã sử dụng các loại GRV, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH không đúng quy định. Ngay sau khi sự việc xảy ra, BHXH tỉnh đã ngừng việc thanh toán chế độ BHXH cho các đối tượng này, đồng thời thông báo sự việc về công ty. Phòng Nhân sự của Công ty TNHH May Tinh Lợi khẳng định đơn vị chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ của công nhân và chuyển sang BHXH chứ không có nghiệp vụ để nhận biết được giấy tờ thật hay giả. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý về lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn.  

Thượng tá Nguyễn Trọng Hiển, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Giàng cho biết hoạt động của các đối tượng rao bán GRV “ảo” rất tinh vi nên khó phát hiện và khó xử lý. Đối tượng thường sử dụng số điện thoại rác, tên giả hoặc sử dụng mạng xã hội để trao đổi; địa điểm giao dịch cũng liên tục thay đổi... Ngoài ra, khi phát hiện sai phạm, BHXH chỉ có hình thức từ chối thanh toán chế độ.  

Biện pháp chủ yếu hiện nay vẫn là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công nhân, nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong quá trình duyệt chứng từ mà chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH và doanh nghiệp trong kiểm soát thanh toán chế độ BHXH cho công nhân. Các cơ quan chức năng cần có quy định chặt chẽ, cụ thể hơn nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi thông qua việc sử dụng các loại giấy tờ trên. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần thực hiện khám, chữa bệnh nghiêm túc, đúng quy định và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi BHXH.

ĐỨC TÂM - ĐỖ QUYẾT

Ông Phùng Văn Điền, Trưởng Phòng Chế độ chính sách Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết thời gian qua, đơn vị đã phát hiện một số trường hợp sử dụng giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả để thanh toán chế độ. Những loại giấy tờ trên thường ghi nơi cấp tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Giao thông vận tải ở Hà Nội hoặc bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Phù phép" giấy ra viện giả