Phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa tốt

09/07/2019 23:03

Đây là phát biểu của đại biểu Lê Đình Long, Bí thư Thành ủy Hải Dương tại buổi thảo luận tổ chiều 9.7 liên quan đến công tác phối hợp cấp phép cho Hội chợ thương mại Hải Dương 2019.

Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 9.7

Giấy phép biểu diễn dài hơn giấy phép tổ chức hội chợ

Đại biểu Long biết khi cấp phép, Sở Công thương chỉ nói chung chung tổ chức trên đường Tôn Đức Thắng chứ không biết ở vị trí nào nên doanh nghiệp tổ chức bày bán tràn lan, gây nhếch nhác bộ mặt đô thị thành phố. "Hội chợ chủ yếu tổ chức ca nhạc, bán hàng kém chất lượng, gây bức xúc trong nhân dân", đại biểu Long bức xúc.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Long, đại biểu Phạm Tuấn Ngọc (TP Hải Dương) cho biết Sở Công thương cấp phép cho hội chợ hoạt động đến hết ngày 23.6 nhưng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại cấp phép biểu diễn nghệ thuật tại hội chợ đến 28.6. "Khi lãnh đạo TP Hải Dương đề nghị ngành điện cắt điện cung cấp cho hội chợ nhưng lại vấp phải giấy phép của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Vướng mắc này là công tác phối hợp không tốt giữa các sở, ngành với địa phương", đại biểu Ngọc nói.

Bí thư Thành ủy Lê Đình Long cho biết dự kiến tối 26.10 tới, TP Hải Dương sẽ tổ chức lễ công bố quyết định của thủ tướng đồng thời tổ chức lễ hội đường phố. Sự kiện này được tổ chức nhân kỷ niệm 215 năm khởi lập Thành Đông và 65 năm giải phóng TP Hải Dương. Để chuẩn bị cho sự kiện này, TP Hải Dương đã đang tổ chức chỉnh trang đô thị, cải tạo lại nhiều tuyến đường, vỉa hè, dẹp bỏ chợ lấn chiếm lòng đường Phạm Sư Mệnh...

Không để tên thôn, khu dân cư vô nghĩa sau sáp nhập

Đề cập đến tên, khu dân cư sau khi sáp nhập, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Kim Thành) đề nghị các địa phương cần tính toán đặt tên cho phù hợp, tránh việc lấy hai chữ đầu của 2 thôn, xã rồi ghép vào thành tên mới. Ví dụ, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) có hai thôn Lẻ và thôn Doi phải sáp nhập. Sau khi sáp nhập, tên thôn mới là Lẻ Doi. "Tên này không có ý nghĩa. Ban Pháp chế HĐND tỉnh khi giám sát cần lưu ý việc đặt tên xã, thôn mới sau sáp nhập", đại biểu Thưởng đề nghị.

Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Tiến Tầng nêu ý kiến về việc xây dựng nông thôn mới ở những xã sáp nhập. Huyện Ninh Giang có 14 xã sáp nhập thành 6 xã, có những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, có những xã chưa đạt. Khi xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi đã đầu tư xây dựng trụ sở, thiết chế văn hóa đầy đủ. Vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng và vận hành trạm y tế của các xã sáp nhập thế nào. Giải quyết bài toán cán bộ sau sáp nhập, vấn đề thi tuyển công chức trong thời gian tới như thế nào là điều mà địa phương băn khoăn.

Về tình hình an ninh trật tự, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Kim Thành) lo ngại thời gian gần đây lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn qua địa bàn tỉnh, trong đó có cả những vụ có người Hải Dương tham gia. Nếu các cơ quan chức năng của tỉnh không xử lý quyết liệt, Hải Dương rất dễ là địa điểm trung chuyển ma túy của các tỉnh phía Bắc.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Thanh Miện) đề nghị tỉnh cần tăng cường hơn nữa các biện pháp trấn áp tội phạm. Một số đại biểu đề nghị tỉnh có biện pháp xử lý quyết liệt đối với tình trạng vi phạm pháp luật, cản trở hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng).

NHÓM PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa tốt