Phát triển đô thị: Dấu ấn năm Hợi

24/01/2020 10:01

Năm Kỷ Hợi 2019 đã đi qua, để lại những thành tựu trong phát triển đô thị của Hải Dương khi có tới 3 đô thị được thành lập hoặc thăng hạng.

TP Hải Dương xứng đáng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh. Ảnh: MH

Niềm vui nối tiếp

Những ngày cuối năm, ngồi bên bàn cờ tướng sát vỉa hè đường Mạc Toàn, câu chuyện của ông Nguyễn Văn Luân ở khu 2 (phường Hiệp An) với các bạn già trong xóm vẫn xoay quanh niềm vui quê hương Kinh Môn vừa được công nhận thị xã.

"Ai cũng phấn khởi, vui vẻ và hào hứng khi huyện được công nhận thị xã. Trước mắt, đường giao thông được làm to đẹp hơn, vỉa hè thông thoáng hơn, trụ sở làm việc của chính quyền, trường học, chợ... khang trang hơn. Chính chúng tôi là những người đầu tiên được hưởng lợi", ông Luân vui vẻ nói. 

Về thị xã Kinh Môn thời điểm này, từ Hiệp An qua An Lưu vòng sang Hiệp Sơn, Phú Thứ, Minh Tân rồi vào An Sinh, Phạm Thái, Thất Hùng… đâu đâu cũng thấy những hình ảnh tươi mới của một thị xã trẻ thể hiện trên từng con đường, tuyến phố và nhiều công trình mới xây. Sự tươi mới, khác lạ còn ngời lên trong từng ánh mắt mỗi người dân Kinh Môn.

Từ thị xã Kinh Môn sang TP Chí Linh, chúng tôi lại thấy niềm vui trở thành công dân thành phố vẫn rộn ràng trong từng câu chuyện của mỗi người. Anh Nguyễn Đăng Tiến, Trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Đại học Sao Đỏ) sinh ra, lớn lên ở phường Cộng Hòa (TP Chí Linh) đã chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thành phố trẻ.

"Chưa đầy 10 năm, Chí Linh từ một huyện miền núi khó khăn đã vươn lên trở thành thị xã rồi thành phố. Nhiều người bạn của tôi đi xa một thời gian, khi quay lại đều ngạc nhiên, không nhận ra diện mạo mới của mảnh đất này", anh Tiến nói.

Theo cảm nhận của nhiều người, sự đổi thay ở TP Chí Linh không chỉ là sự rộng rãi, sạch sẽ của vỉa hè, đường phố, sự quy củ trong quy hoạch, xây dựng mà còn thay đổi ở tư duy, cách nghĩ, cách làm của cán bộ, người dân cho phù hợp với vai trò chính quyền và công dân đô thị.

Về với TP Hải Dương, chắc hẳn người dân và du khách vẫn chưa quên những hình ảnh độc đáo, lung linh sắc màu trong lễ công bố TP Hải Dương trở thành đô thị loại I. Với nhiều người, nhất là những người có tuổi, gắn bó lâu năm với mảnh đất Thành Đông lịch sử, hình ảnh thị xã nhỏ bé ngày nào giờ chỉ còn trong hoài niệm.

Những khu đô thị hiện đại, tòa nhà cao tầng, những con đường rộng rãi, rợp bóng cây đã thay thế cho các con ngõ nhỏ, chật hẹp năm xưa. Không chỉ mở rộng về diện tích, TP Hải Dương đã được xây dựng mang dáng dấp của một đô thị hiện đại với hệ thống vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng đồng bộ cùng các khu ẩm thực, vui chơi, mua sắm khang trang, nhộn nhịp. TP Hải Dương đang đổi thay từng ngày, khẳng định vị thế dẫn đầu các địa phương trong tỉnh.


Từ ngày 15 tháng chạp, TP Chí Linh đã chỉnh trang, treo đèn kết hoa các đường phố, cửa ngõ đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Tết này là Tết đầu tiên Chí Linh lên thành phố, người dân rất phấn khởi. Trong ảnh: Người dân Chí Linh mua hoa, cây cảnh đón Tết. Ảnh: Thành Long

Xứng đáng với vị thế mới

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ danh xưng không mấy vui vẻ của TP Hải Dương trước đây - “thị xã đi qua”. Nhiều năm liền, TP Hải Dương chưa đủ hấp dẫn để níu chân du khách dù có vị trí thuận lợi trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và những ưu thế riêng về giao thông, lao động so với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Mặc dù đáng buồn nhưng ở một khía cạnh khác, chính danh xưng này lại trở thành niềm thôi thúc để TP Hải Dương nỗ lực bứt phá, chứng minh cho mọi người thấy thành phố nay đã khác. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, TP Hải Dương đã dần trở thành một đô thị hiện đại, xứng đáng là đầu tàu kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh. 

Trong lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I được tổ chức cuối tháng 10.2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu TP Hải Dương cần tập trung nguồn lực chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh cải cách hành chính, vận dụng tốt thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng TP Hải Dương trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và đáng sống.

Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hóa, Chủ tịch Hội Xây dựng Hải Dương, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng với vị thế, tầm vóc mới, chính quyền các đô thị phải thay đổi cho tương xứng với kỳ vọng của người dân. Sự thay đổi không chỉ dừng lại ở mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng đồng bộ mà còn đến từ tư duy quản lý, lãnh đạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chính quyền đô thị phải xây dựng mô hình lấy sự hài lòng của người dân làm tiêu chí hàng đầu. Phải làm sao để các đô thị, với lợi thế đặc biệt của mình trở thành điểm đến lý tưởng của du khách, là lựa chọn số một của các nhà đầu tư.

Anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Hera Việt Nam (TP Hải Dương) cho rằng trong xu thế hiện nay, chính quyền phải là bạn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp; cần tạo cơ chế, chính sách để doanh nghiệp phát triển thuận lợi và người dân được hưởng cuộc sống hạnh phúc.

Trong vòng 1 năm, thị xã Chí Linh được nâng cấp lên thành phố, TP Hải Dương từ đô thị loại 2 lên đô thị loại 1 và huyện Kinh Môn trở thành thị xã. TP Hải Dương sau khi mở rộng, diện tích tự nhiên 111,64 km2, dân số 508.190 người, gồm 19 phường, 6 xã; TP Chí Linh, diện tích tự nhiên 282,917 km2, dân số 220.421 người gồm 14 phường, 5 xã; thị xã Kinh Môn trên cơ sở toàn bộ huyện Kinh Môn cũ với diện tích 165,33 km2, quy mô dân số 203.638 người, 14 phường và 9 xã.

BẢO LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển đô thị: Dấu ấn năm Hợi