Phát huy vai trò của MTTQ trong giai đoạn mới. Bài cuối: Tổ chức tốt hoạt động của thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư cơ sở

20/03/2018 10:17

Thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng là những hình thức giám sát chính của MTTQ ở cấp cơ sở, thông qua hai tổ chức này, MTTQ cấp xã thực hiện chức năng giám sát của mình.

Làm tốt hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng sẽ góp phần ngăn ngừa những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án

Điều 10, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN (gọi tắt là nghị quyết 403), quy định: "Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã hướng dẫn tổ chức, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của ban thanh tra nhân dân.

Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án hằng năm trên địa bàn và thành lập ban giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án. Nội dung giám sát của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng được thực hiện theo Luật Thanh tra số 56/2010/QH12, Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13". Điều 11, Nghị quyết 403 quy định: "MTTQ cấp xã thực hiện giám sát thông qua. Tổ chức giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, Bban giám sát đầu tư của cộng đồng". 

Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân thông qua ban thanh tra nhân dân. Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Ban thanh tra nhân dân có các quyền: Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó. Khi cần thiết, được Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định.

Kiến nghị với chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua việc giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và người lao động, biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý. Như vậy, nếu tổ chức tốt hoạt động của ban thanh tra nhân dân sẽ góp phần kịp thời và ngăn ngừa những vi phạm ngay từ khi mới phát sinh và từ cơ sở.

Trước đây, hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng được thực hiện theo Quyết định số 80/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng nay hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng được thực hiện theo những quy định mới. Luật Đầu tư công 2014, “các chương trình, dự án chịu sự giám sát của cộng đồng. MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng”. “Cơ quan chủ quản tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn...”.

Về trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng có điểm mới là thành lập ban giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án. Quy định này khác với trước đây, ban giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập để giám sát tất cả các công trình, dự án trên địa bàn xã. Riêng ở Hải Dương có quy định thanh tra nhân dân thực hiện luôn chức năng giám sát đầu tư của cộng đồng.

Theo Nghị quyết 403, Ủy ban MTTQ cấp xã thực hiện việc hướng dẫn ban giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án trên địa bàn trên cơ sở trao đổi, thống nhất với HĐND và UBND cùng cấp. Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh của ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Xác nhận các văn bản phản ánh, kiến nghị của ban giám sát đầu tư của cộng đồng trước khi gửi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Hỗ trợ ban giám sát đầu tư của cộng đồng cung cấp thông tin, lập và gửi báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng cho cơ quan, tổ chức có liên quan khi cần thiết. Xem xét, giải quyết và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Động viên nhân dân địa phương ủng hộ, phối hợp, tham gia hoạt động của ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Bên cạnh đó, nắm vững quyền giám sát đầu tư của cộng đồng.

Theo Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, ngày 30.9.2015 về giám sát và đánh giá đầu tư. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về các quy hoạch và kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã. Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời về vấn đề thuộc phạm vi quản lý. Yêu cầu chủ chương trình, chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư. Có quyền kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án nếu phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa - xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng; chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Có quyền phản ánh với các cơ quan nhà nước về kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng và kiến nghị biện pháp xử lý.

 Làm tốt hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng sẽ góp phần ngăn ngừa những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã, đem lại lòng tin cho nhân dân, cũng là thực hiện đầy đủ quy định của Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

LƯƠNG ANH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy vai trò của MTTQ trong giai đoạn mới. Bài cuối: Tổ chức tốt hoạt động của thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư cơ sở