Phận "ở nhờ"

15/07/2018 19:44

Đã hơn nửa thế kỷ gắn bó với dải đất ven dòng Kinh Thầy đỏ nặng phù sa nhưng không lúc nào người dân thôn Nam Hải, xã Kênh Giang (Chí Linh) cảm thấy an lòng...


Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên nhiều hộ dân Kênh Giang chỉ vay được số vốn nhỏ để phát triển sản xuất

Không có giấy chứng nhận QSDĐ

Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ nằm sát đường trục chính của thôn, bác Nguyễn Văn Vãn, 82 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Kênh Giang nheo mắt trước cái nắng chói gắt của những ngày đầu tháng 7 chậm rãi kể về sự ra đời của thôn Nam Hải và nỗi niềm của những người bao lâu nay vẫn mang tiếng “ăn nhờ, ở đậu”. Theo lời bác Vãn, từ cuối những năm 40 của thế kỷ trước, một số hộ dân ở các thôn Đông Giàng, Thượng Triệt của xã Thượng Đạt thuộc huyện Nam Sách (nay thuộc TP Hải Dương) xuôi thuyền kiếm ăn theo con nước đến bãi sông Kinh Thầy thuộc đất Đông Triều. Thấy vùng đất bãi mưu sinh thuận lợi, họ cắm thuyền trên bến sông, lên bờ định cư lập ra làng chài Nam Hải. Một số hộ khác sang bãi soi nằm giữa sông Kinh Thầy lập nên thôn Tân Lập. “Người dân chuyển dần lên bờ, dựng nhà trên phần đất của huyện Đông Triều. Thời điểm đó, chiến khu Đông Triều vẫn thuộc tỉnh Hải Dương, mãi sau này mới sáp nhập về tỉnh Quảng Ninh. Phận ở nhờ gắn với người dân Nam Hải từ đó”, bác Vãn cho biết.

Theo lời kể của bác Vãn, trong quá trình định cư, sinh sống trên vùng đất mới, người thôn Nam Hải đã xâm cư một phần đất của xã Nguyễn Huệ. “Ngày ấy, khu vực này vẫn rất hoang vu, dân cư thưa thớt. Trên núi thì rừng rậm, dưới bãi sông lau sậy mọc um tùm. Đất rộng, người thưa nên thích chỗ nào người dân ra cắm đất làm nhà chỗ đó chứ không khó khăn như bây giờ”, bác Vãn kể lại. Cứ như vậy, diện tích của thôn Nam Hải mở rộng dần tới trên 15 ha, nằm trọn trong địa giới hành chính xã Nguyễn Huệ. Chính vì sự xâm cư này mà người dân xã Nguyễn Huệ luôn coi người dân thôn Nam Hải là những người ở nhờ dẫn đến xung đột, va chạm diễn ra thường xuyên. Là Chủ tịch UBND xã Kênh Giang nhiều khóa liền nên bác Vãn từng chứng kiến và tham gia giải quyết nhiều vụ va chạm, xung đột giữa người dân 2 xã. Có những vụ va chạm phải nhờ đến lực lượng quân đội mới giải quyết được. “Năm 1978, người dân hai xã Nguyễn Huệ và Kênh Giang xảy ra va chạm. Tôi và một số cán bộ xã Kênh Giang ra giải quyết thì bị người dân xã Nguyễn Huệ vây đánh khiến người thì gẫy tay, người thì bị chấn thương. Bản thân tôi cũng bị chấn thương ở vùng ngực. Chỉ đến khi lực lượng quân sự Quân khu 3 về thì tình hình mới được giải quyết”, bác Vãn nhớ lại.

Dẫn tôi đi dọc con đường trục chính của thôn mới được đổ bê tông rộng rãi với nhiều ngôi nhà xây kiên cố san sát hai bên, bác Đào Văn Hè, Trưởng thôn Nam Hải cho biết: “Từ vài hộ ban đầu, sau hơn nửa thế kỷ sinh cơ, lập nghiệp, thôn Nam Hải hiện đã có 193 hộ với 660 nhân khẩu. Sau bao cố gắng của chính quyền và người dân địa phương, thu nhập bình quân năm 2017 của người dân xã Kênh Giang đã đạt 37 triệu đồng/người/năm. Thời điểm này, cả xã chỉ còn 3 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,1%. Bộ mặt nông thôn Kênh Giang thay da, đổi thịt từng ngày. Thế nhưng, do chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nên lúc nào người dân thôn Nam Hải cũng mang tâm lý ăn nhờ, ở đậu”. Có lẽ không ở đâu có tình trạng như ở thôn Nam Hải khi cả thôn có gần 200 hộ dân nhưng chưa hộ nào được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Sống trên mảnh đất đó hơn nửa thế kỷ, người dân được xây nhà, được làm bất kỳ điều gì mình muốn, nhưng lại chẳng có căn cứ để chứng minh đấy là đất của gia đình mình. “Không chỉ người dân chịu cảnh ăn nhờ, ở đậu mà toàn bộ hệ thống trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã đều được xây trên đất của xã Nguyễn Huệ. Vì vậy, các hoạt động liên quan không phải không có những khó khăn, vướng mắc nhất định”, ông Đào Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Kênh Giang chia sẻ.

Thiệt thòi đủ đường    

Chỉ tay vào ngôi nhà 3 tầng mới xây, bác Đào Văn Hè, Trưởng thôn Nam Hải ngậm ngùi: “Ngôi nhà này tôi xây hết hơn 1 tỷ đồng nhưng khi có nhu cầu vay vốn, ngân hàng chỉ đồng ý cho vay 50 triệu đồng. Do không có giấy chứng nhận QSDĐ nên ngân hàng không dám cho vay nhiều. Nhà to cũng như nhà bé, đất rộng cũng như đất hẹp, mỗi hộ chỉ được vay 50 triệu đồng không hơn không kém. Cả thôn này nhà nào cũng trong tình trạng như thế cả”. Không có giấy chứng nhận QSDĐ, người dân không thể thế chấp ngân hàng để phát triển kinh tế. Chỉ tay ra dòng Kinh Thầy ngầu đỏ, bác Hè cho biết bao năm qua, người dân Nam Hải sống nhờ vào con sông này bằng nghề đánh bắt thủy sản, vận tải thủy. Tiềm năng của con sông này rất lớn nếu người dân có đủ phương tiện khai thác. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn đầu tư phương tiện nâng cao hiệu quả sản xuất cũng khó thực hiện được do không có giấy chứng nhận QSDĐ. Không được vay vốn, người dân không có tiền đầu tư phương tiện hoặc phải vay bên ngoài với lãi suất cao. "Chính gia đình tôi cũng rơi vào tình trạng này. Khi cần vốn đóng tàu, do không vay được ngân hàng nên tôi phải vay vàng của người quen. Đến lúc trả nợ, giá vàng tăng lên gấp ba khiến số nợ phình to, hoạt động sản xuất khó khăn hơn", bác Đào Văn Hè chia sẻ.

Phận "ăn nhờ, ở đậu" cũng khiến người dân Kênh Giang thiệt đơn, thiệt kép. Dự án tái định cư cho các hộ dân làng chài đến giờ vẫn chưa thực hiện được cũng do phận "ở nhờ". Năm 2009, dự án tái định cư cho các hộ dân làng chài Nam Hải với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng được triển khai. Đề án đã được phê duyệt, vị trí đã lựa chọn nhưng việc triển khai xây dựng không thể thực hiện do diện tích đất nằm trong địa giới hành chính xã Nguyễn Huệ. Do việc xin xác nhận địa chính rất khó khăn nên đến thời điểm này dự án vẫn còn dang dở. Dẫn tôi ra thực địa, bác Hè than thở: "Khu đất này bây giờ được một số hộ dân khai phá để trồng hoa màu. Nhiều phần đất vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Mấy chục hộ vẫn lênh đênh trên sông nước. Ước mơ đưa các hộ dân lên bờ ổn định cuộc sống chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được".

Đối với người dân thôn Nam Hải, được cấp giấy chứng nhận QSDĐ là ước mơ suốt mấy chục năm qua. Ông Phùng Văn Sơn, cán bộ địa chính xã Kênh Giang cho biết từ năm 2006, UBND thị xã Đông Triều đã đo đạc, xây dựng dữ liệu để cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân thôn Nam Hải. Tuy nhiên, người dân lại muốn giấy chứng nhận phải do UBND thị xã Chí Linh cấp. "Chúng tôi mong muốn giấy chứng nhận QSDĐ do UBND thị xã Chí Linh cấp. Nếu hộ khẩu ở thị xã Chí Linh trong khi giấy chứng nhận lại do thị xã Đông Triều cấp chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong quá trình chia tách, vay vốn", bác Nguyễn Văn Lăng, thôn Nam Hải bày tỏ. 

Có lẽ mong muốn của người dân thôn Nam Hải chưa thể thực hiện được vì theo Luật Đất đai, địa phương nào quản lý đất đai, địa phương đó mới có quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Nếu thị xã Chí Linh cấp giấy chứng nhận QSDĐ, giấy chứng nhận đó sẽ không có giá trị pháp lý. "Chúng tôi đã tham mưu cho UBND xã Kênh Giang có văn bản kiến nghị UBND thị xã Đông Triều hoàn thiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân thôn Nam Hải. Đồng thời, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã cùng với UBND xã Kênh Giang tuyên truyền để người dân hiểu giấy chứng nhận QSDĐ do thị xã Đông Triều cấp sẽ có giá trị pháp lý trong việc mua bán, chuyển nhượng, thế chấp khi vay vốn ngân hàng", ông Lương Quang Phương, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Chí Linh cho biết.

Xã Kênh Giang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ năm 2017. Bộ mặt nông thôn của xã đổi thay từng ngày. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đứng bên này con kênh nhỏ ngăn cách xã Kênh Giang với xã Văn Đức, bác Đào Văn Hè hồ hởi cho biết: "Một con đường bê tông rộng rãi sẽ được làm đến sát mép kênh này. Rồi một cây cầu sẽ sớm hoàn thành nối xã Văn Đức với xã Kênh Giang. Việc đi lại của người dân Nam Hải sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Kinh tế sẽ phát triển hơn. Chuyện học hành của con cháu sẽ không còn vất vả như trước. Chủ trương sáp nhập xã Kênh Giang vào xã Văn Đức cũng sẽ sớm thành hiện thực. Lúc đó, Kênh Giang không còn là rốn nghèo của Hải Dương nữa".

Mong ước lớn nhất của người dân thôn Nam Hải là được cấp giấy chứng nhận QSDĐ để chấm dứt cảnh "ở nhờ", nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. "Chúng tôi mong muốn chính quyền 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương nhanh chóng tìm ra giải pháp để cấp giấy chứng nhận QSDĐ, bảo đảm lợi ích cho người dân trong thôn", một người dân thôn Nam Hải bày tỏ.

CƯỜNG LAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phận "ở nhờ"