Ông Khuông không nghỉ

28/02/2018 16:37

Bước sang tuổi 78 nhưng vẫn sử dụng smart phone thoăn thoắt và ngày nào cũng vi vu xe máy suốt đường ngang, ngõ dọc vì việc làng, việc xóm.


Ông Khuông (phải) vận động bà con đóng góp xây dựng đình làng với kinh phí khoảng 1,7 tỷ đồng

Đó là ấn tượng đầu tiên của mọi người về ông Nguyễn Văn Khuông, 57 năm tuổi Đảng, ở thôn Cống Khê, xã Kim Khê (Kim Thành).

"Dân giàu thì xã mới mạnh"

Năm 1960, cùng nhiều thanh niên thời ấy, ông Khuông tạm biệt quê hương lên đường đánh giặc. Ngày 24.11.1966, trong trận chiến ác liệt tại tỉnh Phước Long (nay là thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước), ông bị một viên đạn AR-15 găm vào sườn phải. Viên đạn nằm trong cơ thể ông suốt 45 năm, đến năm 2011 mới mổ lấy ra. "Dù bị thương nhưng được trở về quê là hạnh phúc rồi. Đồng đội còn bao nhiêu người không bao giờ quay trở lại", ông Khuông trầm ngâm. Đến tháng 1.1979, ông sang chiến trường Campuchia rồi trở về với quân hàm đại úy, là thương binh 4/4...

Về quê năm 1983, vợ chồng ông Khuông cùng với 4 người con nheo nhóc sống trong căn nhà cấp 4 dột nát, hễ bão là tốc mái. Ông tâm niệm, "dân giàu thì xã mới mạnh", phát triển kinh tế gia đình cũng là xây dựng quê hương. Không đầu hàng trước khó khăn, ông lập vườn, cải tạo đất, đào ao thả cá và cấy hơn 1 mẫu lúa. Thế rồi, cá dưới ao, lợn trong chuồng, cây ngoài vườn đã không phụ công người chăm bẵm, ngày càng nảy nở, sinh sôi. Kinh tế gia đình ngày một khá, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhiều năm liền gia đình ông được tặng danh hiệu "Gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi". Không chỉ phát triển kinh tế, ông Khuông luôn chú trọng giáo dục con cháu sống hiếu thuận, chấp hành các quy định của pháp luật và địa phương. Ông hiện có 9 chắt, 8 cháu nội, ngoại. Bốn thế hệ cùng chung sống thuận hòa trong một thửa đất. Nhiều năm gia đình ông được tặng danh hiệu "Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền".

Theo ông Đỗ Văn Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Khê, từ năm 1983 đến nay, ông Khuông liên tục đảm nhiệm nhiều vị trí như: Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Bí thư Chi bộ thôn Cống Khê... "Dù sức khỏe không được như trước nhưng ông Khuông vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, là nòng cốt thúc đẩy các phong trào của địa phương. Qua quá trình công tác, ông Khuông đã khẳng định được uy tín, tiếng nói trong cộng đồng. Hiện nay, ông Khuông đã quá tuổi để giữ trọng trách Bí thư Chi bộ thôn nhưng do chưa tìm được người thay thế xứng đáng nên địa phương vẫn tín nhiệm giao cho ông đảm nhận nhiệm vụ này", ông Đỗ Văn Thành cho biết.

Xây "làng nông thôn mới"

Trong 3 thôn của xã Kim Khê thì Cống Khê khó khăn hơn cả. 100% số hộ làm nông nghiệp, 1 năm 2 vụ lúa, không trồng được rau màu, một số ít gia đình kết hợp phát triển dịch vụ nhỏ lẻ. Nhưng bây giờ, Cống Khê trở thành thôn phát triển đồng đều nhất xã; được công nhận danh hiệu làng văn hóa từ 9 năm nay. Cơ sở vật chất ngày càng khang trang, đời sống của người dân không ngừng phát triển. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của ông Khuông với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng.

18 năm trước, ông Khuông đã bàn bạc với cán bộ thôn, lấy ý kiến của người dân về việc làm đường bê tông thôn xóm. Khi ấy, nhiều người còn e ngại bởi bà con vẫn quen đường đất hoặc đường lát gạch nghiêng, đường bê tông vẫn còn là "xa xỉ". Để người dân tận mắt thấy lợi ích của việc làm đường, ông Khuông xung phong đổ bê tông dày 18 cm, rộng 2,5 m đoạn ngõ của gia đình dài khoảng 60 m. Từ đó, việc làm đường dần dần lan ra cả 3 xóm Nguyễn Bồn, Quang Vinh, Tiên Lãng của làng. Đến nay, toàn bộ đường của thôn đã được trải bê tông theo tiêu chí nông thôn mới, 80% đường thôn xóm có điện chiếu sáng. 

Đường làm xong, ông Khuông tiếp tục bàn bạc với cán bộ thôn và lấy ý kiến nhân dân xây dựng nhà văn hóa. Được tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, ông Khuông đứng ra vận động bà con đóng góp theo khẩu, thu trong 3 năm. Nhưng chỉ qua 3 vụ lúa, bà con đã nộp đủ. 

Mặc dù không còn làm nông nghiệp nhưng ông Khuông vẫn quan tâm đến tình hình sản xuất của bà con. Trong năm 2017, ông đã vận động nhân dân xây kè mương máng để bờ không bị sạt lở, hạn chế chuột phá hoại mùa màng. Bà con đã đóng góp 145 triệu đồng để mua hơn 20.000 viên gạch ba banh xây dựng trên 1.600 m bờ kè mương máng nội đồng. Để cùng bà con xây dựng được nhiều công trình thiết thực phục vụ dân sinh, ông Khuông luôn giữ vững quan điểm phải công khai, thông suốt từ cán bộ đến nhân dân và nhân dân là người giám sát. Do đó từ trước đến nay, thôn làm việc gì cũng được bà con ủng hộ, không có bất kỳ ý kiến trái chiều nào. Tình hình an ninh trật tự ở Cống Khê hiện nay ổn định, không có người mắc tệ nạn xã hội. Cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, ông Khuông vẫn băn khoăn bởi thôn còn tới 19 hộ nghèo, chủ yếu là các gia đình người cao tuổi không còn sức lao động, ốm đau...

Bước sang tuổi 78, ông Khuông lo lắng không còn đủ sức khỏe để làm việc. Nhưng ông luôn tâm niệm: "Còn sức khỏe, còn làm việc ngày nào tôi sẽ cùng cán bộ trong thôn và bà con xây dựng Cống Khê thành làng nông thôn mới, đưa các hộ còn lại thoát nghèo, tăng thu nhập. Đây cũng là cách thiết thực để cùng xã hoàn thành nông thôn mới trong thời gian sớm nhất".

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Ông Khuông không nghỉ