Ở nơi không có tệ nạn ma túy, mại dâm

30/07/2018 13:54

Phạm Trấn là địa phương duy nhất ở huyện Gia Lộc nhiều năm nay không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

Đời sống nhân dân được cải thiện góp phần giảm tệ nạn xã hội. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất đồ chơi của anh Vũ Thành Vinh ở thôn Cầu Lâm tạo việc làm cho gần 200 lao động với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng/người

Xây dựng làng an toàn

Nhiều năm nay xã Phạm Trấn duy trì mô hình “Tiếng kẻng an ninh”. 22 giờ hằng ngày, tiếng kẻng tại tất cả các thôn lại vang lên. Nghe kẻng, người dân về nhà, khóa cửa cổng đề phòng trộm cắp. Lực lượng công an, thành viên tổ tự quản về an ninh trật tự (ANTT) ở các thôn tổ chức tuần tra kiểm soát, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Nếu phát hiện thấy các quán internet mở cửa quá giờ quy định, người đi ra đồng không mang theo đèn, các hộ mở loa đài, tụ tập đông người, kinh doanh quá giờ quy định... lực lượng tự quản sẽ nhắc nhở, điều tra nếu có nghi vấn. Vì vậy, tình hình ANTT của xã được giữ vững ổn định, các vụ trộm cắp, nhất là trộm cắp rau màu giảm mạnh so với trước đó. 

Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã phát huy hiệu quả tích cực trong bảo đảm ANTT tại Phạm Trấn. Cùng với mô hình này, xã Phạm Trấn đã xây dựng nhiều mô hình tự quản, tự phòng ngừa hiệu quả như “Trường học an toàn về ANTT”, “Tổ liên gia đoàn kết tự quản”, “Dòng họ hiếu học và an toàn về ANTT”…

Nằm giáp ranh với xã Đồng Quang (Gia Lộc) và xã Phạm Kha (Thanh Miện), nhiều năm nay Phạm Trấn đã duy trì sự phối hợp cụm liên kết chặt chẽ với 2 xã này để bảo đảm ANTT khu vực giáp ranh.

Cùng với các mô hình tự quản, xã Phạm Trấn cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đề cao trách nhiệm của các ngành, đoàn thể tham gia phong trào…

Phát triển kinh tế

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là cái gốc để phòng ngừa phát sinh tệ nạn nên xã Phạm Trấn đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2016 đến nay, xã đã xây dựng được 6 vùng sản xuất rau màu tập trung với diện tích 110 ha. Người dân địa phương đầu tư chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, tăng cường phòng chống dịch bệnh. Các đoàn thể định kỳ mở các lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, khuyến nông. Hoạt động của HTX Dịch vụ nông nghiệp và HTX Tân Minh Đức được đẩy mạnh, tập trung vào sản xuất và liên kết tiêu thụ rau an toàn. Xã cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...

Nhờ các biện pháp đó, kinh tế địa phương ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản ở Phạm Trấn đạt 46,3 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ; giá trị kinh tế dịch vụ, thương nghiệp đạt 38,4 tỷ đồng, tăng 5%...

Kinh tế tăng trưởng rõ rệt, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nên nhiều năm nay tình hình ANTT tại xã Phạm Trấn được giữ vững. Từ năm 2008 đến nay, tại xã Phạm Trấn không có người nghiện ma túy. Lực lượng công an và các đội tự quản của xã bắt giữ được 13 đối tượng nghiện ma túy trộm cắp tại xã, các đối tượng này đều là người địa phương khác. 10 năm liên tục xã được công nhận đơn vị không có ma túy. 6 tháng đầu năm trên địa bàn xã chỉ xảy ra 5 vụ việc đốt pháo nổ, trộm cắp, đánh nhau, không xảy ra nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm.

Ông Nguyễn Thiện Du, Trưởng dòng họ Nguyễn Thiện ở thôn Cầu Lâm, dòng họ hiếu học và an toàn về ANTT trên địa bàn xã cho biết: “Việc tuân thủ pháp luật, tự giác tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư không chỉ giúp ích cho xã hội mà còn cho chính bản thân, gia đình, dòng họ mình. Vì vậy nhiều năm nay cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã đã đồng thuận thực hiện, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, giữ vững trật tự an toàn xã hội tại địa phương”.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ở nơi không có tệ nạn ma túy, mại dâm