Nhớ những lần xuất trình thẻ nhà báo

21/06/2019 17:25

Tôi làm công tác thông tin - cổ động ở ngành văn hóa - thông tin nên anh em làm báo trong tỉnh với tôi đều là thành viên cùng chung ngôi nhà báo chí Hải Hưng.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1978 Bộ Văn hóa - Thông tin cấp thẻ nhà báo cho các phóng viên báo chí trên toàn quốc. Tôi cũng được cấp thẻ đợt này và giữ liên tục cho đến ngày nghỉ hưu. Tấm thẻ đối với tôi là vật bất ly thân, để tác nghiệp và nhắc nhở trách nhiệm, gìn giữ thanh danh nhà báo. Những ngày tháng giữ thẻ ấy có nhiều chuyện làm tôi còn nhớ mãi...

Đó là một ngày đầu tháng 7.1979, để chuẩn bị tuyên truyền cho Ngày Thương binh, liệt sĩ, buổi chiều hôm ấy, chúng tôi - những anh em làm báo của tỉnh làm việc xong ở Trại xã hội, điểm cuối cùng của 2 ngày hành trình. Thời tiết oi bức, tôi cùng anh Phúc Lai - phóng viên "nhà đài" lên cống An Thổ hóng mát gió sông. Cống An Thổ là công trình thủy lợi cuối cùng của hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Đi tới đầu cống tôi phát hiện phía bên kia, dưới sông có chiếc thuyền đang tung chài kiếm cá. Do thói quen nghề nghiệp, tôi bỏ lại anh Phúc Lai, chạy nhanh sang bên kia cống. Đứng trên tường mang cá, tôi gọi với xuống thuyền: "Đề nghị các anh bơi thuyền gần lại xin được chụp kiểu ảnh". Vừa chụp ảnh xong, phía bên kia sông có tiếng quát: "Ai chụp ảnh? Ai chụp ảnh?".

 "Không được chụp! Không được...". Một chàng trai vào tuổi "băm" to cao, khỏe mạnh hớt hải chạy đến tự giới thiệu: "Tôi là tổ trưởng tổ bảo vệ cống An Thổ, yêu cầu anh cho xem giấy tờ vì đã chụp ảnh ở đây!". Tôi đáp: "Anh trông thấy tôi chụp ảnh? Đúng! Tôi đứng trên mang cá cống chụp cảnh quăng chài dưới sông? ". "Đúng rồi! Yêu cầu anh cho xem giấy tờ!...". Tôi lững thững vừa đi vừa nói: "Vậy là tôi có chụp cống, chụp công trình đâu mà anh hỏi giấy tờ?". Người bảo vệ có vẻ bức xúc nói dứt khoát: "Ai đến đây muốn chụp ảnh phải xuất trình giấy tờ trước cho chúng tôi rồi mới được chụp! Tôi yêu cầu anh cho xem giấy tờ!". Đến tình thế này, tôi cũng phải tỏ thái độ về nguyên tắc với anh ta. Tôi nói rành mạch: "Tôi không xuất trình giấy tờ là vì: Thứ nhất, tôi không chụp công trình mà chụp dưới lòng sông như anh đã thừa nhận. Thứ hai, ở đây không cấm chụp ảnh. Nếu cấm thì đã có biển đề: Khu vực cấm quay phim, chụp ảnh, có cả dòng chữ nước ngoài, dưới còn vẽ chiếc máy ảnh có gạch chéo dấu nhân xóa máy ảnh, đó là ký hiệu cấm quy định chung trên toàn quốc! Vậy mà anh hạch tôi giấy tờ liệu có đúng luật, đúng quy định không?". Trước lý lẽ dứt khoát của tôi, người bảo vệ tỏ ra lúng túng miệng ấp úng nói: "Nhưng... nhưng...". Tôi liền cắt ngang hóa giải ngay: "Chúng mình đều làm công tác tuyên truyền của tỉnh cả. Công trình cống An Thổ này mình có cả tập ảnh tư liệu chụp từ ngày khởi công, búa máy đóng chiếc cọc bê tông đầu tiên, rồi các đợt thi đua trên công trường, cho đến ngày khánh thành". Tôi nói đến đây, anh bảo vệ nhanh chóng "xuống thang", vui vẻ nói xen vào: "Đúng rồi! Anh đã từng xuống công trường...".

Đó là chuyện "không chịu xuất trình thẻ", còn dưới đây là chuyện ngược lại "tự phải xuất trình thẻ".

Một chiều cuối tuần vào tháng 11.1981, tôi đi chuyến xe khách Hải Dương - Hưng Yên chạy đường số 5. Lên xe tại bến, chạy qua cầu Ghẽ (Cẩm Giàng) một đoạn, thấy bên phải đường có 4 bao thóc to chồng lên nhau với một cô gái đứng đợi. Lái xe trông thấy từ từ cho xe đỗ lại. Cô khẩn trương cùng phụ xe khiêng những bao thóc xếp gọn lên xe. Khi chuyển hết các bao thóc, xe bắt đầu lăn bánh thì một xe tải chở lợn của bộ đội vượt lên chạy trước. Chạy gần đến Quán Gỏi chúng tôi ngồi ở đầu xe trông rõ xe trước văng ra một con lợn xuống cạnh đường nằm im, xe tải của bộ đội không hay biết vẫn chạy. Xe khách của chúng tôi từ từ đỗ lại bên chú lợn nằm. Thấy xe, chú chồm lên vùng chạy. Thế là lái xe, phụ xe và cô hàng xáo xăng xái săn đuổi, sau được số đông hành khách hỗ trợ giúp sức nữa mới đưa được "Trư Bát Giới" lên xe.

Đi vào đường 39A, gần đến Cầu Treo (Yên Mỹ) cô hàng xáo ở cuối xe nói với lên bảo lái xe: "Đến đầu phố Yên Mỹ anh cho em xuống nhé! Và cho em nhận lại con lợn này là của anh trai em sáng nay ra Hải Phòng mua trên đường rơi xuống đấy!". Người lái xe thì ậm ừ, đầu gật gật, miệng lí nhí: "Được, được!". Hành khách trên xe nhìn nhau tỏ vẻ không đồng tình...

Thời gian trôi đi, xe vẫn chạy, trong xe vẫn yên lặng, đầu phố Yên Mỹ thì sắp đến. Tôi tự thấy phải nhanh chóng có ý kiến về việc nhận vơ này. Rút tấm thẻ nhà báo giơ cao khỏi đầu cho lái xe, cho mọi người trông thấy và nói: "Tôi là nhà báo đi chuyến xe này từ đầu bến, chứng kiến nhiều sự việc trên xe. Con lợn rơi trên đường là của xe quân đội. Tôi đề nghị nhà xe chở về bến lập biên bản bàn giao cho Ban Quản lý bến xe khách Hưng Yên để rồi trả lại cho bộ đội". Nói đến đây trong xe ồn lên tiếng người nói, tiếng bàn tán sôi nổi, rồi nhất loạt nói to "nhất trí... nhất trí theo đề nghị của nhà báo". Do áp lực của đông đảo hành khách, lái xe không thể không đồng ý. Cô hàng xáo xuống xe cũng không nhắc đến con lợn của "anh trai em" và cũng chẳng theo xe xuống bến nhận lại.

Đến huyện lỵ Kim Động (Hưng Yên), tôi xuống xe, người lái khẩn khoản mời tôi về bến để làm chứng bàn giao. Tôi nói trên xe còn nhiều hành khách biết chuyện này, anh đề nghị các bác ấy làm chứng cũng được. Xuống xe tôi thân mật chào mọi người đi tiếp và được đáp lại những tiếng chào nhà báo rất thiện cảm.

Trên đây là một vài mẩu chuyện trong những kỷ niệm nghề báo của tôi xảy ra ở thế kỷ trước. Sau này tôi cũng là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà báo tỉnh Hải Hưng và đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Tôi vẫn giữ tấm thẻ nhà báo tuy đã hết giá trị làm kỷ niệm một thời.

NGUYỄN HOÀNG NẪM (Nguyên phóng viên ảnh Ty Văn hóa-Thông tin Hải Hưng)

(0) Bình luận
Nhớ những lần xuất trình thẻ nhà báo