Nhớ người bạn Nga trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại

06/11/2021 12:02

Anh là Pơ-la-kha Vla-đi-mia Bô-ri-xa-víc, Thư ký công đoàn, Đoàn chuyên gia Liên Xô trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.


Chuyên gia Liên Xô (cũ) trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Minh họa: HUY CHƯƠNG

Tôi gặp anh vào một buổi chiều mùa hè năm 1987 khi anh vừa ở công trường về Khách sạn chuyên gia Sao Đỏ (Chí Linh). 

Sinh ra tại miền đất cảng Vla-đi-vô-xtốc tận Viễn Đông xa xăm, Vla-đi-mia đã trải qua nhiều chặng đường suốt từ phía đông sang phía tây đất nước Nga hùng vĩ. Cha anh là cựu chiến binh, chiến đấu chống phát xít Đức. Ông phải nay đây mai đó, cuối cùng gia đình ông dừng lại ở TP Đô-nhét-xkơ thuộc nước Cộng hòa Ukraina (Liên Xô cũ).

Vốn là kỹ sư trưởng công tác tại Viện Thiết kế năng lượng, anh đã từng đi làm chuyên gia ở Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ). Khi về nước, một hôm anh nhận được thông báo cần một người có học vị và chuyên môn đi Việt Nam để theo dõi công trình Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Vla-đi-mia cho rằng đây là một cơ hội tốt đến với mình, vì vậy anh đã sốt sắng viết đơn tình nguyện... Khoảng trung tuần tháng 8.1985, anh có mặt ở Phả Lại.

Vla-đi-mia kể rằng đã từng đi nhiều nước, nhưng đến Việt Nam anh thấy người Việt có nhiều đức tính đáng quý, họ hân hoan đón tiếp, cởi mở, lịch sự.

Khi chưa đến, anh tưởng rằng đây là miền núi rừng, kiểu như Xi-bia, rừng Taiga lá nhọn, hay là trập trùng hoang vắng… Nhưng đến nơi, phong cảnh giống Ukraina của anh. Hai tháng đầu anh thường đi leo núi. Những ngày chủ nhật, Vla-đi-mia cùng bè bạn leo hết ngọn núi này sang ngọn núi khác, đến nỗi mấy em bé chăn trâu thuộc mặt, biết tên anh.

Vla-đi-mia đang say sưa kể thì tự nhiên dừng lại, nhìn thẳng vào tôi, nói: "Sau 3 tháng ở Phả Lại, tôi xúc cảm viết được một bài thơ".

Rồi anh đọc: "Trong những ngày thường và ngày lễ/Chúng tôi đều dành cho Phả Lại một góc trái tim/Là lương tâm là niềm kiêu hãnh của chúng tôi/Đó là vùng đất tuyệt vời/Những bông hoa hãy nở trên ngọn núi hàng thế kỷ/Từ đây tỏa ra ánh sáng hòa bình, hữu nghị…".

Trò chuyện với Vla-đi-mia, tôi mới biết anh yêu thơ từ khi còn là sinh viên và thơ của anh được đăng tải ở báo Côm-xô-môn, rồi anh trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật TP Đô-nhét-xkơ. Chính thế, Lút-mi-la, cô kĩ sư xây dựng, tươi trẻ đã cảm mến tâm hồn Vla-đi-mia. Họ yêu nhau rồi cưới. Hai vợ chồng anh cùng sống tại công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại này.

Là thư ký công đoàn, anh say mê công việc ở công trường. Anh cho rằng Khách sạn chuyên gia Sao Đỏ đã chăm sóc các anh tận tình, cho những món ăn mà tra từ điển không thấy. Còn vợ anh thốt lên: “Đây là khu an dưỡng thiên đường".

Những ngày ở Phả Lại, anh lăn lộn mưa nắng với công nhân không nề hà bất cứ việc gì. Anh rất khâm phục tài năng công nhân Việt Nam. Anh nói: "Ở Liên Xô, chúng tôi lao động hoàn toàn bằng cơ giới. Thế nhưng ở Phả Lại, trong khi máy móc chắp vá, người lao động phải dùng tay, thủ công nhiều, nhưng họ đều hoàn thành đúng tiến độ, thật không thể hiểu được".

Tôi bảo rằng người Việt Nam có cách làm riêng. Lịch sử dân tộc trải qua khắc nghiệt chống thiên nhiên, giặc ngoại xâm, nên con người có thêm một đức tính thông minh, sáng tạo, mưu trí. Tôi kể: Có một nông dân gánh một gánh bưởi đi chợ bán. Chẳng may ngã lăn ra đường. Những quả bưởi lăn long lóc rồi rơi tọt vào một hố sâu bên đường. Tôi hỏi, bây giờ làm thế nào lấy lên được?

Vla-đi-mia cướp lời tôi: "Ồ, dùng que nhọn chọc đưa lên phải không?". Tôi bảo: "Làm như thế thì bưởi bị thủng hết, không bán được. Người nông dân đã múc nước đổ đầy hố. Quả bưởi tự nó nổi lên còn nguyên vẹn". Anh khoái trá, vung hai tay lên cười…

Vậy mà thấm thoắt đã hơn 30 năm. Bây giờ không rõ Vla-đi-mia ở đâu, bởi vì hôm gặp nhau, anh có nói với tôi rằng sắp được nghỉ phép về thăm nhà. Cha mẹ anh đã mất năm 1981, còn hai đứa con vẫn ở Đô-nhét-xkơ. Cũng có thể là sau khi bàn giao máy số 4 và hoàn thành công trình phụ trợ của tổ máy này cho Ban nghiệm thu quốc gia, anh và Lút-mi-la đã trở về Tổ quốc.

Đến nay, nếu còn khỏe mạnh thì họ đã sang tuổi tám chục rồi. Tôi khao khát được gặp lại anh để tặng anh một cuốn sách "Món ăn Việt Nam" mà tôi đã hứa. Bởi vì lần đó, anh bảo món ăn Việt Nam sao mà ngon, lại hợp với khẩu vị của anh như vậy. Vla-đi-mia cũng thề rằng: Lần sau gặp lại, anh sẽ dạy tôi hát bài dân ca Ukraina.

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nhớ người bạn Nga trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại