Nhiều di tích lạm dụng việc đặt hòm công đức

20/02/2019 10:57

Hiện nay, việc đặt hòm công đức ở nhiều nơi trong di tích trong tỉnh gây phản cảm.



Hiện nay, tại nhiều di tích lịch sử văn hóa ở Hải Dương, Ban Quản lý (BQL) di tích chưa quan tâm gắn biển tên các nhân vật được thờ và lời giới thiệu về di tích. Điều này khiến du khách khi đến chiêm bái, tham quan không biết được những thông tin cơ bản của di tích. Việc đặt hòm công đức ở nhiều nơi trong di tích cũng gây phản cảm. Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Việt Nga xung quanh vấn đề này.

- Không ít người dân phản ánh việc đi lễ bái, tham quan tại nhiều di tích ở tỉnh ta nhưng không biết rõ những thông tin cốt yếu như thờ nhân vật nào, giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của di tích, quá trình xây dựng, tu bổ... Đồng chí nghĩ gì về việc này?

- Đúng là có nhiều di tích chưa làm được điều này và nó xuất phát từ một số nguyên nhân liên quan đến điều kiện kinh tế và nhận thức của BQL di tích. Cụ thể, có những di tích nhỏ rất muốn làm nhưng chưa thu xếp, bố trí được kinh phí. Đa phần BQL các di tích nhỏ khác chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền trực quan, mới chỉ quan tâm chăm lo tôn tạo, trùng tu, gìn giữ, bảo vệ di tích. Không ít BQL di tích cho rằng việc gắn biển tên các nhân vật được thờ và làm biển, bảng giới thiệu về di tích chỉ là những chi tiết nhỏ. Tuy vậy, việc được cho là nhỏ này thực ra rất quan trọng. Không phải ai khi đến di tích cũng biết được di tích đó thờ nhân vật nào, có công trạng gì trong lịch sử, vì sao nhân dân lập đền thờ, đi lễ ở đây có ý nghĩa gì... Sở đã có kế hoạch hướng dẫn các địa phương thực hiện việc này trong thời gian tới.

- Nhiều di tích đang lạm dụng việc đặt hòm công đức. Vậy mỗi di tích nên bố trí hòm công đức thế nào? 

- Với di tích có quy mô lớn về không gian, nhiều khu vực thờ tự, đông người đến dâng hương, chiêm bái thì nếu chỉ đặt 1 hòm công đức sẽ gây khó khăn cho những người muốn công đức. Vì vậy, những di tích lớn nên nghiên cứu đặt hòm công đức theo khu vực. Nhưng trên thực tế, nhiều di tích đang lạm dụng việc đặt hòm công đức. Trong một ngôi đền, chùa nhưng đặt tới 4-5 hòm công đức tại các ban thờ, nhìn rất phản cảm. Chúng ta đang kêu gọi là không đổi tiền lẻ để công đức. Để việc này có hiệu quả thì biện pháp tốt nhất là thu gọn số hòm công đức. Ở di tích đã có hòm công đức thì không nên đặt thêm khay đựng tiền trên các ban thờ. Cần tuyên truyền để nhân dân và du khách đặt tiền vào hòm công đức. Với một di tích nhỏ thì chỉ nên để 1 hòm công đức. Bố trí hòm công đức ở vị trí mà mọi người đến dâng hương, chiêm bái đều có thể nhìn thấy, nhưng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan tâm linh chung. Việc đặt hòm công đức trước chính điện thờ tại các di tích là điều không nên vì rất phản cảm...

- Hiện có di tích nào thực hiện tốt các nội dung trên và đáng để học hỏi không, thưa đồng chí?

- Đó là đền thờ Hai Bà Trưng (Hà Nội). Đến đây tôi thấy cảnh quan rất đẹp, di tích được chăm chút. Ở đây có hàng trăm tượng thờ nhưng ban thờ nào cũng có chú thích rất rõ ràng về tên nhân vật, năm sinh, năm mất, chức vụ, công trạng... Bên cạnh đó, các biển, bảng hướng dẫn, tuyên truyền, giới thiệu về ngôi đền được bài trí rất khoa học, ai đến cũng có thể nhìn thấy. Nếu các di tích trên địa bàn tỉnh ta đều làm được điều này thì rất tốt. Vì hiện nay nhiều ngôi đình, đền trong tỉnh ngoài thờ nhân vật chính còn phối thờ nhiều nhân vật khác. Không phải di tích nào cũng có thuyết minh viên nên nếu quan tâm thực hiện tốt điều này sẽ giúp di tích thêm văn minh, người dân đến chiêm bái cũng thuận tiện hơn khi tìm hiểu thông tin.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

BÌNH MINH (thực hiện)

(0) Bình luận
Nhiều di tích lạm dụng việc đặt hòm công đức