Người đi tìm ánh sáng

20/12/2020 15:30

Trải qua những đau đớn của bệnh tật tưởng như vĩnh viễn mất đi ánh sáng, rồi bị người bạn đời đoạn tuyệt giữa lúc ốm đau, nhưng ông Phạm Công Phan đã vượt qua tất cả và mang “ánh sáng” giúp nhiều người khiếm thị.


Ông Phan (đứng giữa) đưa các hội viên Chi hội Người mù xã Ngô Quyền đến thăm mô hình nuôi gà giống hiệu quả 

Nỗ lực chiến đấu với bệnh tật cho đến khi đôi mắt tìm lại được ánh sáng, ông Phạm Công Phan, 53 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Người mù xã Ngô Quyền (Thanh Miện) lại tiếp tục giúp đỡ những người khiếm thị khác vươn lên trong cuộc sống.

Từng có thời điểm vô cùng đau đớn khi mất đi công việc và gia đình yên ấm do bị mù nên ông Phan thấu hiểu sự yếu thế của người khiếm thị trong xã hội.

Biến cố 

Từ nhỏ đến khi trưởng thành, đôi mắt ông Phan hoàn toàn bình thường. Sinh ra trong gia đình đông con, bố đi bộ đội và công tác xa nhiều năm, ông trải qua tuổi thơ thiếu thốn, thường xuyên ăn cơm độn rau má trừ bữa, ngày giáp hạt phải ăn cháo và rau. Hoàn cảnh khó khăn nhưng từ nhỏ ông đã thông minh, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Sau này, ông học Trường Trung cấp Giao thông vận tải Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1991, ông công tác ở một công ty than tại Quảng Ninh rồi lập gia đình và sống ở đây trong nhiều năm. Trải qua cuộc hôn nhân đầu tiên không hạnh phúc, ông và vợ cũ có với nhau một người con. Đến năm 2012, ông lập gia đình lần thứ hai và sinh thêm hai người con nữa.

Tưởng chừng cuộc sống cứ thế trôi đi êm đềm, thu nhập của vợ chồng ông không chỉ đủ sống mà còn dư chút tiền để dành cho tương lai. Nhưng tai họa ập đến vào tháng 2.2015, chỉ trước Tết Nguyên đán vài ngày. Lúc đi làm về, ông Phan thấy mặt mũi tối sầm. Từ hôm đó, mắt ông không nhìn thấy gì, khi đến khám tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, ông được bác sĩ kết luận mắc bệnh viêm màng bồ đào, một loại bệnh về mắt phổ biến, có thể gây mù vĩnh viễn. Nhiều ngày sau, ông bị nhức buốt lên tới đỉnh đầu. Đến mùng 5 Tết, khi đau không chịu được, ông được đưa lên Hà Nội chữa trị.


Sau khi ổn định cuộc sống, ông Phan đã đón các con về để tiện chăm sóc 

Nuôi hy vọng

Sau khi nhập viện, các bác sĩ cho biết thị lực 2 mắt của ông Phan chỉ còn 4/1.000, nhìn thấy bóng người chứ không thấy bóng bàn tay, cả 2 mắt gần như đã mù hẳn.

Lúc này, anh em ở xa, mẹ phải chăm bố nhiều năm ốm liệt giường, vì vậy ông ở bệnh viện một mình, mọi sinh hoạt đều phải tự chủ. Để duy trì sức khỏe chiến đấu với bệnh tật, ông đã ngồi thiền, tự tập khí công và niệm Phật hằng ngày. Thấy ông không có người chăm nom mà tinh thần, sức khỏe vẫn ổn định, nhiều bệnh nhân cùng phòng nhờ ông chỉ dạy cách ngồi thiền, luyện tập khí công.

Đợt điều trị đầu tiên kéo dài 3,5 tháng, hết đợt này tay ông đã lỗ chỗ vết kim tiêm, tóc rụng từng mảng do hóa chất. Ông được xuất viện về nhà nghỉ ngơi 20 ngày để cơ thể có thời gian hồi phục rồi lại nhập viện điều trị tiếp. Suốt quãng thời gian ở bệnh viện, vợ ông không lên thăm. Đến khi xuất viện, ông được một người bạn chở về tận nhà. Khi nhìn thấy chồng, vợ ông không chào hỏi mà lạnh lùng đòi chia tay vì lý do: "Tôi không nuôi ông suốt đời được".

Nghe lời nói của vợ, ông Phan lạnh ngắt sống lưng. Nhớ lại trước kia nhiều lần đưa vợ đi chữa bệnh, tốn kém bao tiền của mà thấy lạnh lòng, ông chấp nhận đề nghị của vợ. Rời khỏi ngôi nhà từng là tổ ấm, ông trở về với bố mẹ già ở quê hương Ngô Quyền. "Đây là lúc trời Phật thử thách tôi. Vì vậy tôi luôn duy trì rèn luyện sức khỏe bằng cách ngồi thiền, tập khí công và niệm Phật hằng ngày để không mất niềm tin vào cuộc sống. Trường hợp xấu nhất là bị mù hoàn toàn, nếu có sức khỏe tôi vẫn còn có ích cho xã hội", ông Phan nhớ lại.

Vì thái độ sống tích cực ấy, năm 2016 ông được tin tưởng giao nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Người mù xã Ngô Quyền. May mắn mỉm cười với ông khi vào năm 2017, sau 3 năm điều trị, ông được Bệnh viện Mắt Trung ương lựa chọn trở thành người thử nghiệm cho mũi tiêm Ozurdex.

Thời điểm đó, mũi tiêm này rất hiếm. Trong hàng nghìn bệnh nhân, việc được chọn để thử nghiệm là một may mắn bất ngờ với ông Phan. Các bác sĩ cho ông biết mũi tiêm này đã được thử nghiệm trên động vật và thành công nhưng chưa được thử nghiệm trên người. Nếu đồng ý thử nghiệm có thể thành công, mắt sáng trở lại, nhưng cũng có thể thất bại, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, nặng nhất thì tử vong. Với hy vọng tìm thấy ánh sáng, ông Phan chấp nhận mạo hiểm và đồng ý. Ngay hôm đó, ông được tiêm thử vào mắt phải, hai ngày sau tiêm tiếp vào mắt trái. Đến khi tháo băng, nhìn thấy ánh sáng, ngay lập tức ông ôm chầm lấy bác sĩ. "Lúc đó tôi rơm rớm nước mắt khi đã gặp nhiều may mắn nên sau này càng phải giữ vững niềm tin, sống đúng đạo đức và giúp đỡ nhiều người", ông Phan kể.

Sau khi được tiêm mũi Ozurdex, hai mắt ông hồi phục với thị lực khoảng 6/10. Ánh sáng trở về khiến ông như được tái sinh.

Trải bao đớn đau do mù lòa, trở lại cuộc sống gần như bình thường, ông nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Khi còn ở Quảng Ninh, ông tình cờ học được một số bài thuốc chữa bệnh gout, sỏi tiết niệu từ một lương y người Trung Quốc với nguyên liệu từ các loại thảo dược nên ông đã bán các bài thuốc của mình. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị đã khỏi bệnh, khi khám tại các bệnh viện đều cho kết quả sức khỏe bình thường. Hiện nay, ông đã đón 2 con là cháu Minh và Thành về ở cùng.

Đồng hành cùng người khiếm thị

Ngoài phát triển kinh tế, ông tích cực tham gia hoạt động của Chi hội Người mù xã. Từ một đơn vị hoạt động không có gì nổi bật, 3 năm nay, Chi hội Người mù xã Ngô Quyền đã trở thành đơn vị tiêu biểu trong huyện về nhiều mặt. Có được kết quả này nhờ tâm huyết và tấm lòng với người khiếm thị của ông Phan.

Năm 2017, chi hội có 27 hội viên thì có 3 hộ nghèo, nhiều hội viên là thương binh, bệnh binh, hết tuổi lao động, hoàn cảnh khó khăn. Việc chăm lo đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo rất gian nan. Có lần ông đã bỏ tiền túi thuê xe cho hội viên tham gia chương trình nghe giảng pháp và nhận quà từ thiện tại thị xã Kinh Môn do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Ông cũng đến tận nhà hội viên động viên họ vươn lên trong cuộc sống.

Ông Phan rà soát, lên danh sách các hội viên còn khả năng lao động để đề nghị cấp trên giúp đỡ. Nhờ đó, hội viên Nguyễn Thị Thoa, 57 tuổi, ở thôn Phạm Xá đã tìm được việc làm ổn định tại cơ sở tẩm quất của Hội Người mù huyện. Hội viên Nguyễn Văn Hanh (cùng thôn Phạm Xá) được vay khoảng 50 triệu đồng để nuôi gà giống. Đến nay, mô hình của anh Hanh đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trong số hội viên của Chi hội Người mù xã Ngô Quyền, với thu nhập từ 12-15 triệu đồng/tháng. Anh Hanh phấn khởi chia sẻ: "Nếu không có sự giúp đỡ của ông Phan về hồ sơ, thủ tục vay vốn thì đến nay tôi vẫn chỉ ở nhà, không phát huy được sức lao động của mình. Từ khi ông Phan trở thành Chi hội trưởng, cuộc sống của hội viên người mù chúng tôi khá lên trông thấy cả về vật chất lẫn tinh thần".

Từ khi trở thành Chi hội trưởng, ông Phan đã đề nghị cấp trên hỗ trợ 165 triệu đồng để xây 3 ngôi nhà cho hội viên. Năm 2020, Chi hội Người mù xã Ngô Quyền không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, đây là kết quả tích cực với một địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện. Ông Phan và Chi hội Người mù xã Ngô Quyền đã nhiều lần được Hội Người mù tỉnh tặng giấy khen do có thành tích xuất sắc trong hoạt động hội.

Trải bao biến cố, từ một người phải tìm lại ánh sáng, ông Phan đã tự tôi luyện mình thành ngọn đuốc mang ánh sáng của niềm tin, khát vọng sống có ích đến với nhiều hội viên khiếm thị xã Ngô Quyền, góp phần nâng cao vị thế người khiếm thị trong xã hội.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Người đi tìm ánh sáng