Người đem nhiều nghề mới về làng

16/03/2018 18:29

Từng thành, bại nhiều phen nhưng người thương binh Nguyễn Huy Xệ (sinh năm 1953) ở thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) vẫn luôn trăn trở làm sao để giảm hộ nghèo, làm giàu cho quê hương.

Ông Nguyễn Huy Xệ luôn trăn trở với việc giảm nghèo, làm giàu cho quê hương

"Bầm dập" với thương trường

Đến xã Tân Kỳ, hỏi ông Xệ ai cũng biết. Đa số người dân nơi đây khi nói về ông đều tỏ rõ sự nể trọng, khâm phục và biết ơn. Họ gọi ông là "người thương binh tàn nhưng không phế", "người đổi mới cho quê hương". Nhập ngũ năm 1972, sau hơn 5 năm sống trong quân ngũ, từng chiến đấu tại chiến trường miền Đông và Tây Nam Bộ, ông trở về quê với tỷ lệ thương tật 21%, mất 65% sức khỏe. Ông tham gia công tác tại xã và đảm nhận đến chức Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ. 

Thời kỳ làm lãnh đạo xã, ông Xệ từng có nhiều sáng kiến giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Ông là người đầu tiên đề xuất chia tách HTX nông nghiệp, xây dựng trạm y tế, trường học của xã.

Từng là lãnh đạo xã nhiều năm nên hơn ai hết, ông Xệ hiểu được xã Tân Kỳ kinh tế kém phát triển so với các xã khác trong huyện. Ruộng ít, dân đông, lại nằm xa trung tâm huyện, đa số người dân chỉ làm nông nghiệp là nguyên nhân khiến Tân Kỳ khó vươn lên. Để thay đổi bộ mặt làng quê, ông Xệ luôn đau đáu tâm nguyện phải tìm cách đưa nghề phụ về làng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Nghĩ là làm, sau khi nghỉ công tác, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông Xệ đã khôi phục và phát triển nghề dệt thảm len xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 100 lao động của xã. Những tưởng mọi việc suôn sẻ, ổn định thì đột nhiên ông rơi vào cảnh tay trắng do biến động của thời cuộc. "Các nước Đông Âu khủng hoảng, thị trường xuất khẩu thảm len không còn. Hàng trăm khung thảm phải bỏ đi, người lao động không có việc làm. Tôi mất trắng mấy trăm triệu đồng. Cùng thời gian đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập hàng thêu ren cũng bị phá sản. Toàn bộ hơn 40.000 USD tiền xuất khẩu hàng thêu ren tôi không lấy lại được", ông Xệ ngậm ngùi nhớ lại.

Với nghị lực kiên cường của người lính Cụ Hồ, ông Xệ quyết tâm làm lại từ đầu. Ông chuyển sang tìm hiểu thị trường ngành giày da và may mặc. Năm 2008, ông Xệ liên doanh với một công ty giày, mua máy móc, mở xưởng dạy nghề cho hơn 100 lao động. Thế nhưng sau khi dạy nghề xong, ông Xệ không ký được đơn hàng nào. Ông lại phá sản một lần nữa. Trong tận cùng bế tắc, ông Xệ vẫn luôn nghĩ phải tìm cách tạo việc làm cho người lao động ở quê mình. Ông đã mở nghề may màn, cầm cự để tìm đối tác. Sau nhiều lần “xây lên, đổ xuống”, ông Xệ đã thành công. Đầu năm 2010, cơ sở gia công của ông bắt đầu liên kết với một công ty may giày da của Đài Loan. Từ đó đến nay, xưởng sản xuất của ông Xệ đã tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động địa phương. Năm 2016, ông Xệ mở thêm một xưởng may quần áo tại nhà, tạo việc làm cho gần 100 lao động với thu nhập mỗi tháng từ 3,5 - 6 triệu đồng/người. Mỗi năm, xưởng sản xuất, gia công của gia đình ông nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng.

Hết lòng vì quê hương

Là người lao động gắn bó với gia đình ông Xệ từ những ngày đầu, chị Trần Thúy Nga ở thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ luôn kính trọng và nể phục "ông chủ". Chị Nga cho biết: "Ông Xệ luôn hết lòng vì người dân trong xã và những công nhân làm việc cho mình. Dù có lúc khó khăn nhưng ông vẫn lo cho người khác, không bỏ mặc công nhân. Ông sẵn sàng vay nợ ngân hàng để trả lương và thưởng đầy đủ cho người làm. Nhiều công nhân có việc bận hoặc con nhỏ, ông Xệ đều tạo điều kiện cho đi muộn, về sớm hoặc tranh thủ giờ làm về lo việc nhà".

Ông Xệ có 4 người con thì 3 người đang sinh sống và định cư ở nước ngoài. Với thu nhập hiện nay, gia đình ông thuộc hàng giàu có trong xã nhưng ông vẫn sống rất giản dị. Trong căn nhà cấp bốn khá đơn sơ, ông chia sẻ: "Đời người chỉ có một lần sinh ra và chết đi. Vì thế tôi luôn nghĩ phải sống sao cho ra sống. Tôi sẽ cống hiến hết mình cho quê hương. Quê hương chỉ phát triển khi cuộc sống của người dân giàu mạnh, no ấm. Năm 2017, tôi tiếp tục đầu tư thử nghiệm nuôi lươn, chạch, ếch nhưng chưa thành công. Những năm tới, tôi sẽ quyết tâm học hỏi thêm kinh nghiệm và phát triển mô hình này tại xã Tân Kỳ".

Ông Phạm Việt Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ khẳng định: Thời gian qua, ông Xệ đã xây dựng và phát triển nhiều ngành nghề mới cho xã Tân Kỳ, góp phần tạo việc làm cho người dân và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Xệ đã giúp chuyển dịch cơ cấu lao động và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã. Hằng năm, ông Xệ luôn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Đây là tấm gương điển hình trong xã.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đem nhiều nghề mới về làng