Nghị lực của một cựu thanh niên xung phong

08/08/2021 12:07

Ngôi nhà nhỏ của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Đình Phần ở thôn La A, thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) nằm yên ả bên cạnh ao cá và dãy chuồng nuôi chim bồ câu được sắp đặt quy củ.


Dù sức khỏe yếu nhưng ông Phần vẫn hăng say lao động sản xuất

Đây là chốn đi về yên bình của ông sau hàng chục năm lao động và chiến đấu với nỗi đau do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.

Chất độc da cam hằn vào cơ thể

Ông Phần sinh năm 1945, là con út trong gia đình có 5 người con. Tròn 20 tuổi, ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) làm nhiệm vụ mở đường và sửa chữa cầu đường ở miền Bắc, rồi đến miền Trung. Những năm tháng ấy dù có lúc phải ăn đói, mặc rét nhưng ông Phần và những chàng trai, cô gái TNXP không hề quản ngại khó khăn, vất vả để lấp hố bom, phát quang cây cối, mở đường vòng, đường tránh, ngụy trang nghi binh... nhằm bảo đảm giao thông thông suốt cho nhiệm vụ vận tải trong kháng chiến chống Mỹ. Vừa mở đường, vừa chiến đấu bảo toàn lực lượng, ông Phần không ít lần phải làm nhiệm vụ ở những cánh rừng bị kẻ địch rải chất độc da cam/dioxin. “Ở những cánh rừng ấy cây cối trơ trụi hết, chúng tôi vừa làm nhiệm vụ vừa đào hầm chữ A để trú ẩn”, ông Phần rùng mình nhớ lại.

Có kinh nghiệm mở đường, sửa chữa cầu đường nên đến năm 1973, ông Phần được cử đi B vào chiến trường Đông Nam Bộ, theo đoàn của Bộ Giao thông vận tải nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải phục vụ cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Giai đoạn này ông tiếp tục hoạt động tại những khu vực từng bị rải chất độc da cam/dioxin. Sau ngày giải phóng, ông công tác trong ngành giao thông vận tải, lập gia đình và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.

Đến năm 1993, ông Phần phát hiện mắc bệnh đái tháo đường type2 do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Cùng với đó, ông cũng bị nhiều biến chứng về tim mạch, huyết áp, đặc biệt mắt và tai mỗi ngày một kém. Ông tiếp tục công tác đến năm 2000 thì xin về hưu sớm vì sức khỏe giảm sút. Đến nay, mắt phải ông chỉ còn 5/10, mắt trái còn 1/10, tai phải điếc hoàn toàn.

Vượt lên nỗi đau 

Dù sống chung với chất độc da cam/dioxin, song ông Phần luôn nỗ lực lao động, sản xuất, nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Ông đã trải qua nhiều chức vụ như Đội phó, Đội trưởng Đội sản xuất, thi công, Trưởng Phòng Tổ chức của Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông từng được nhận bằng khen của Bộ Giao thông vận tải vì thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Sau khi nghỉ hưu, các con đã trưởng thành, ông quyết định trở về quê hương vào năm 2006. Ông mua lại 2 ao cá của người trong làng với tổng diện tích hơn 1 mẫu rồi cải tạo lại, dựng chuồng trại chăn nuôi cạnh đó. Sau 3 tháng tích cực cải tạo, ao cá và khu vực chuồng trại chăn nuôi được sắp xếp khoa học, hợp lý. Những lứa đầu tiên, nhiều lần lợn, cá, gà, vịt ốm, chết. Dù vậy, ông không nản chí mà tích cực tham gia các lớp tập huấn ở xã, học hỏi thêm kiến thức chăn nuôi tại các hộ xung quanh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Sau đó, ông bắt đầu có thu nhập từ trang trại. Những năm trước, mỗi năm trang trại của ông cho thu từ 2,5-3 tấn cá, 1 tấn lợn thịt, từ 1-2 tấn gà, vịt… cho lãi từ 80-100 triệu đồng. Từ vài năm nay, giá thức ăn chăn nuôi cao nên ông không nuôi lợn, gà, vịt, chỉ duy trì ao cá và khoảng chục đôi chim bồ câu, mỗi năm cho lãi từ 50-60 triệu đồng.

Vừa lao động sản xuất, ông Phần còn tích cực tham gia công tác hội tại địa phương. Năm 2010, ông được công nhận là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Cùng năm đó, ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Kim Giang. Sau khi Kim Giang và thị trấn Cẩm Giàng sáp nhập thành thị trấn Cẩm Giang, ông tiếp tục giữ chức Chủ tịch hội. Đến nay, thị trấn Cẩm Giang có 30 hội viên chất độc da cam/dioxin chính thức, còn lại là hội viên danh dự.

Những năm qua, công tác chăm lo đời sống cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại địa phương được ông Phần quan tâm thực hiện. Hằng năm, các nạn nhân đều được nhận quà của hội và cấp trên vào các dịp lễ, Tết… Tại thị trấn Cẩm Giang không có nạn nhân nào là hộ nghèo, cận nghèo. Cuối tháng 7 vừa qua, ông Phần tiếp tục được tin tưởng bầu là Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị trấn Cẩm Giang. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10.8.1961-10.8.2021), ông Phần vừa được UBND huyện Cẩm Giàng tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu xây dựng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Cẩm Giàng.

“Ông Phần là cán bộ tích cực, gương mẫu thực hiện các phong trào do hội vận động, phát huy các phẩm chất cao đẹp của lực lượng TNXP Việt Nam, là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó đóng góp cho Tổ quốc trong cả thời chiến và thời bình”, ông Đỗ Xuân Bình, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Cẩm Giàng cho biết.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị lực của một cựu thanh niên xung phong