Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18.4: Thúc đẩy quyền và vai trò của người khuyết tật

18/04/2022 07:30

Cả nước hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,09% tổng dân số. Đây là những người dễ bị tổn thương nhất, bởi những khiếm khuyết trên cơ thể khiến họ gặp khó khăn về nhiều mặt, trong đó có học tập, việc làm...

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Những sự chia sẻ, hỗ trợ đã đem lại sức mạnh và niềm tin, giúp người khuyết tật có nghị lực vươn lên, hòa nhập cộng đồng và đóng góp chung cho sự phát triển của xã hội.

Bảo đảm quyền của người khuyết tật

Là một nước có tỷ lệ người khuyết tật cao so với tổng dân số, trong những năm qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo bảo đảm quyền, phát huy vai trò của người khuyết tật đã được triển khai, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Tình trạng khuyết tật dần được nhìn nhận như một vấn đề quyền con người thay vì vấn đề thuộc về từ thiện xã hội thuần túy. Hướng tiếp cận được dịch chuyển từ hướng nhân đạo sang hướng kết hợp nhân đạo với nhân quyền. Năm 2007, Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về quyền của Người khuyết tật, nhằm bảo vệ, thúc đẩy, bảo đảm người khuyết tật được hưởng một cách bình đẳng, đầy đủ các quyền tự do cơ bản của con người, thúc đẩy sự tôn trọng về phẩm giá vốn có của người khuyết tật.

Năm 2010, Quốc hội ban hành Luật Người khuyết tật nhằm xây dựng hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ các quyền cơ bản của người khuyết tật, cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức trong cả hệ thống chính trị đối với người khuyết tật. Năm 2019, Việt Nam phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Điều này khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của người khuyết tật một cách hiệu quả nhất.

Năm 2019 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, khẳng định quan điểm, chủ trương, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, định hướng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo quyền của người khuyết tật.

Hiện nay, đã có nhiều chính sách về người khuyết tật được ban hành mới và điều chỉnh phù hợp với thực tế, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật. Cụ thể là, trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi trội về trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho người khuyết tật, trợ giúp y tế, trợ cấp xã hội, trợ giúp xã hội, trợ giúp tiếp cận công trình xây dựng, trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông, trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế. 

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch thực hiện Công ước của liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 39, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, kế hoạch để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.

Từ chính sách đến hành động

Để trợ giúp người khuyết tật, Việt Nam đã xây dựng hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập với hơn 100 cơ sở giáo dục chuyên biệt ở nhiều tỉnh, thành phố. Việc trợ giúp người khuyết tật được triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp với từng dạng tật, hoàn cảnh. Năm 2021, ngân sách nhà nước đã bố trí 18.546 tỷ đồng thực hiện trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và trên 356 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật. Đến nay cả nước có gần 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, hoặc mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng, họ được trợ cấp hằng tháng hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài tại các trung tâm bảo trợ xã hội với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Với những người có khả năng nhận thức, lao động, họ được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để học văn hóa, học nghề, giới thiệu việc làm. Trong năm qua, cả nước có gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề. Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức dạy nghề thủ công mỹ nghệ, may tre đan, căt may, dệt thêu thổ cẩm cho 120 người khuyết tật. Hội người mù Việt Nam đã mở được 66 lớp cho 850 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nôi, thủ công, làm hương, đan lát. Năm 2021 đã có 1.138 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động là người khuyết tật. 

Không chỉ quan tâm về đời sống, người khuyết tật còn được hỗ trợ tiếp cận giao thông, thông tin và truyền thông, trợ giúp pháp lý, tham gia hoạt động văn hóa, thể thao...

Năm 2013, chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” đã được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động, nhằm tìm kiếm, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật có ý chí vươn lên chiến thắng số phận, đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội. Thông điệp "sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực" của chương trình đã lan tỏa, thu hút hàng chục nghìn hội viên thanh niên tham gia, tạo nguồn cảm hứng cho người khuyết tật nói chung, các thanh niên khuyết tật nói riêng nỗ lực vươn lên.

Thông qua nhiều biện pháp trợ giúp, đời sống của người khuyết tật cũng ngày càng được cải thiện. Hiện tại, hơn 90% gia đình có thành viên là người khuyết tật ở nước ta không còn phải sống trong cảnh nghèo; gần 90% trẻ khuyết tật học tiểu học đúng độ tuổi. Nhiều người khuyết tật đã tự tin hơn và không ngừng phấn đấu, rèn luyện, đạt được thành tích cao trong nhiều lĩnh vực, trở thành những tấm gương sáng về nỗ lực vươn lên, đóng góp tích cực, hiệu quả cho cộng đồng.

Tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật

Việc làm cho người khuyết tật luôn được coi là giải pháp mang tính then chốt, nền tảng để người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng. Trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiệm vụ này vốn đã là một thách thức lớn, lại càng thêm khó khăn.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ có việc làm đối với người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên là 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Không những thế, người khuyết tật còn là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch. Kết quả đánh giá nhanh về tác động của COVID-19 đối với người khuyết tật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho thấy, 72% người trả lời có thu nhập hằng tháng dưới 1 triệu đồng, 30% cho biết đang thất nghiệp vì đại dịch, 49% bị giảm thời gian làm việc; trong số những người vẫn đang có việc làm, 59% thu nhập bị giảm.

Hiện nay, thị trường lao động đặt ra những yêu cầu ngày càng cao về năng lực cũng như chất lượng của người lao động. Trong đó, các doanh nghiệp hướng đến phát triển và vận hành sản xuất theo phương thức chuyển đổi số. Trong khi đa phần lao động người khuyết tật là lao động thủ công, không có trình độ, Người bình thường khi tham gia vào thị trường lao động đã là một thách thức không nhỏ, với lao động là người khuyết tật càng khó khăn hơn.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, với 2 triệu người khuyết tật thất nghiệp, Việt Nam mất khoảng 3% GDP tiềm năng. Việc loại trừ người khuyết tật ra khỏi hoạt động phát triển kinh tế chung thông qua việc làm, tương đương Việt Nam “hao hụt” từ 1-7% tổng sản phẩm trong nước. Chưa kể, việc tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia thị trường lao động còn là vấn đề nhân văn và bình đẳng - không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Chính vì thế, tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật luôn là trọng tâm và ưu tiên trong các chương trình, kết hoạch của chính phủ cũng như các tổ chức xã hội.

Cả nước hiện có 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 3.000 giáo viên trực tiếp dạy nghề cho nhóm lao động đặc thù này. Nội dung đào tạo nghề, tạo việc làm với người khuyết tật... được quy định rõ tại Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Đây là cơ sở, hành lang thuận lợi để các bên cùng quan tâm hỗ trợ về việc làm cho người khuyết tật, giúp họ có hành trang vững chắc vượt lên khó khăn, cống hiến cho gia đình và xã hội.

Theo TTXVN 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18.4: Thúc đẩy quyền và vai trò của người khuyết tật