Lễ vu lan: Những điều không nên

14/08/2019 08:51

​Dịp lễ Vu Lan không ít gia đình đã đốt một lượng lớn vàng mã để biếu cho người đã khuất gây lãng phí, tốn kém.


Một cơ sở làm vàng mã tất bật vào mùa

Những ngày này, nhiều người dân Việt hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ và mong muốn làm những việc có ý nghĩa để tỏ lòng hiếu kính. Nhưng vì một số lý do mà nhiều người đã đồng nhất lễ Vu Lan với tục đốt vàng mã, làm lễ lạt linh đình… gây lãng phí.

"Vẽ rắn thêm chân"

Tìm hiểu nhiều cửa hàng vàng mã trên các tuyến phố như Lê Thanh Nghị, Lý Thường Kiệt, Tuy Hòa, Chi Lăng (TP Hải Dương), chúng tôi thấy không khí mua sắm hàng mã dịp Vu Lan khá tấp nập. Với quan niệm “trần sao, âm vậy” nên trong dịp này, nhiều gia đình chuẩn bị đồ cúng tươm tất, nhất là vàng mã với mong muốn để người đã khuất được hưởng cuộc sống sung túc, vật chất đủ đầy. Chính quan niệm này đã tạo cơ hội để nghề làm vàng mã phát triển.

Tại một cửa hàng bán vàng mã ở phố Xuân Đài (TP Hải Dương), người bán hàng thoăn thoắt sắp lễ, miệng nhanh nhảu mời khách xem mẫu mới. Chỉ thời gian ngắn người này đã sắp xong lễ cho cả chục khách. Theo lời tư vấn của chủ cửa hàng thì đồ mã cúng gia tiên ngày Vu Lan đơn giản nhất phải có thếp tiền vàng, quần áo, ô nón, giày dép và quần áo chúng sinh. Nhà nào có điều kiện có thể biếu các cụ đồ mã trang sức, nhà, xe, thậm chí cả… người giúp việc. Đến mua vàng mã tại cửa hàng này đa phần là khách quen. Nhân viên ở các cửa hàng kinh doanh vàng mã gần như đã thuộc làu những loại mã dành để cúng gì, dịp nào nên chỉ cần khách hàng đến mua là có ngay bộ mã.

Theo thượng tọa Thích Thanh Vân, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh thì đây chỉ là một chiêu trò “vẽ rắn thêm chân” của những người làm vàng mã. Thượng tọa Thích Thanh Vân cho biết ngày xưa các cụ cũng có tục biếu tiền vàng cho ông bà, tổ tiên nhưng chỉ là một chút loại tiền xu bằng giấy, lễ cũng chỉ gồm hương, hoa, thẻ bỏng, chè đường, cháo hoa… rất đơn giản. Ngày nay, do “phú quý sinh lễ nghĩa” mà đủ thứ lễ lạt được vẽ ra. Trước đây, nếu có tạ đất thì lễ mã cũng chỉ có 1 ông ngựa, đĩa xôi, mâm quả, chục tiền vàng. Nhưng giờ người ta vẽ ra lễ phải là 7 ông ngựa, 5 ông tượng trưng 5 phương, 1 ông tượng trưng quan sứ giả, 1 ông thổ công, chưa kể còn có rồng, rắn, rồi long, ly, quy, phụng... Người dân thì luôn có tâm lý không tiếc với việc tâm linh nên cứ làm theo những gợi ý của chủ cơ sở kinh doanh vàng mã. Chính những mánh khóe này đã khiến các phong tục vốn tốt đẹp bị biến tướng.


Nhiều mẫu hàng mã bắt mắt như hàng thật 

Đạo Phật không nói đến đốt vàng mã

Sau công văn đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo vào đầu xuân năm 2018 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhu cầu mua sắm vàng mã mùa Vu Lan năm nay ở một số nơi trong tỉnh có giảm nhưng chưa đáng kể. Ở một số đền, miếu, khu di tích và không ít gia đình vẫn còn tình trạng đốt nhiều vàng mã, gây lãng phí.

Thực tế trong tất cả các bài kinh của đạo Phật không có nội dung nào nói đến phải đốt vàng mã. Đây là tập tục ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc, trong quá trình lưu truyền trong dân gian nó càng được thêu dệt và nay đã ăn sâu bám rễ trong cộng đồng. Đức Phật chỉ dạy rằng, người con có hiếu là người con biết vâng lời và theo sự hướng nghiệp của cha mẹ. Muốn báo hiếu cha mẹ phải lo chăm sóc khi cha mẹ còn sống. Nhưng không ít người khi còn cha, còn mẹ thì để họ sống cảnh cơm niêu nước lọ, không đoái hoài chăm sóc, phụng dưỡng. Đến khi cha mẹ mất đi rồi con cháu mới lại thi nhau làm mâm cao, cỗ đầy cúng bái. Điều này trái với đạo lý tốt đẹp của dân tộc.

Không phải ngẫu nhiên mà trước mùa Vu Lan năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại một lần nữa đề nghị các địa phương tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu trang nghiêm, ý nghĩa, không đốt vàng mã, không cúng lễ thu tiền... Thượng tọa Thích Thanh Vân nêu quan điểm: “Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện cho đúng với hướng dẫn. Loại bỏ việc đốt vàng mã tuy không thể thực hiện được ngay nhưng cần sớm hạn chế, vì tiền lệ đã có hỏa hoạn từ việc đốt vàng mã, gây ô nhiễm môi trường và những tổn phí không cần thiết. Thay vì tốn tiền vô bổ, chúng ta hãy có những hành động thiết thực hơn như phát tâm làm việc thiện. Có nhiều ngôi chùa đang cần được tu bổ, có nhiều người đang cần được giúp đỡ…”.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Lễ vu lan: Những điều không nên