Không thể dùng vật chất, nghi lễ tâm linh mê tín để giải hạn

12/02/2019 10:16

Dâng sao giải hạn đầu năm là hoạt động tâm linh có từ lâu đời. Đặc biệt những năm gần đây, hoạt động dâng sao giải hạn càng thịnh hành với nhiều hình thức.



Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn Thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo về vấn đề này.

- Theo quan điểm đạo Phật, bản chất tục cúng dâng sao giải hạn thế nào thưa Thượng tọa?

- Hằng năm, mỗi dịp Tết đến, xuân về, người dân, các phật tử thường đến các đền, chùa, miếu, phủ để thực hành các nghi lễ tâm linh cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Một trong các nghi lễ được thực hiện phổ biến dịp đầu năm tại các địa điểm này là cúng dâng sao giải hạn. Phải khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có việc dâng sao giải hạn, mà chỉ có nghi lễ cầu an.

Nghi lễ dâng sao giải hạn chữ Hán gọi là nghi lễ nhương tinh, bắt nguồn từ Đạo giáo nhằm mong cầu con người được sống lâu, mạnh khỏe, giải trừ vận hạn. Đạo giáo cho rằng mỗi người một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 ngôi sao kỳ diệu là: Thái dương, Thái âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch. Trong 9 ngôi sao có sao tốt, sao xấu. Năm nào sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn, phải tiến hành nghi lễ nhương tinh để hóa giải.
Vào thời kỳ tam giáo đồng nguyên (thời Lý - Trần), các tập tục của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo có sự hòa hợp nên tục cúng dâng sao giải hạn trở thành một phong tục dân gian, không chỉ được tổ chức tại các đình, đền mà dung nạp vào trong nhiều ngôi chùa cùng nghi thức cầu an. Như vậy, nghi lễ cúng dâng sao giải hạn bản chất ban đầu mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu mong cho con người sức khỏe, bình an, hạnh phúc.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, do người thực hành sai, nghi lễ này nảy sinh không ít biến tướng. Đầu năm, người nào bị phán gặp sao xấu thì rất lo lắng, sẵn sàng đến đình, đền, miếu, phủ làm mọi nghi thức thông qua lễ dâng sao để hóa giải như lập đàn, cắt tiễn sao, đốt hình nhân thế mạng, đốt vàng mã... rất tốn kém, gây lãng phí.

Đây là việc làm hoàn toàn trái ngược với giáo lý nhà Phật. Quan điểm đạo Phật luôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp, chỉ có chính tín chứ không lạc vào mê tín tà kiến. Đạo Phật quan niệm "gieo nhân nào gặt quả ấy" nên không thể có chuyện dùng vật chất cùng các nghi lễ tâm linh mê tín để giải trừ hạn ách và những việc làm ác chúng ta đã gây ra.

- Hiện nay có nhiều địa điểm tổ chức cúng dâng sao giải hạn với mục đích thu hút, lôi kéo, vụ lợi. Theo Thượng tọa, phải làm gì để ngăn chặn tình trạng trên?

- Những người cho là gặp sao xấu thì rất lo lắng, sẵn sàng làm mọi nghi thức tâm linh để hóa giải hạn ách. Do đó, nhiều người lợi dụng cơ sở tín ngưỡng để hành nghề và lôi kéo bà con thiếu hiểu biết nhằm lừa bịp, vụ lợi. Tại một số chùa do nhu cầu của các phật tử, sự dung hòa của tam giáo đồng nguyên nên đầu năm cũng tổ chức các hoạt động cầu an kết hợp với dâng sao thuần túy để giải tỏa tâm lý cho phật tử. Nghi thức của lễ cầu an là tụng kinh Phật với pháp hội Dược sư, pháp hội Đại bi, nương theo lời Phật dạy mà thực hành để cuộc sống được bình an. Tuy nhiên, do suy nghĩ sai lầm, không hiểu bản chất thực sự nên nhiều phật tử tin theo sự rủ rê, lôi kéo cho rằng cúng dâng sao giải hạn ở chùa này, đền kia linh nghiệm hơn.

Để ngăn chặn tình trạng trên, trước hết các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng ở đình, đền, nhất là các di tích, ngăn chặn, loại bỏ kịp thời các hủ tục mê tín dị đoan. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được bản chất của nghi lễ cúng dâng sao giải hạn đầu năm, tránh tin theo các nghi lễ mê muội.
Tại các chùa có tổ chức lễ dâng sao kết hợp với lễ cầu an, các tăng ni cần thực hiện nghi thức đơn giản, thuần túy, hướng phật tử đến cuộc sống tâm linh lành mạnh. Tuyệt đối không tổ chức các nghi lễ mê tín như giải sao, cắt sao, đốt hình nhân... gây mất thời gian, tốn kém tiền của. Thay vào đó là các hoạt động giảng kinh, thuyết pháp, hướng các phật tử đến con đường học đạo chân chính.  

Bản thân người dân, phật tử không nên mê muội, tin rằng việc cúng dâng sao giải hạn có thể xóa bỏ tai họa mà phải tự mình tu tâm, dưỡng tính, chăm làm việc thiện, tự khắc phúc báu sẽ nảy nở. Thay vì tốn kém thời gian, lãng phí tiền của vào các hoạt động mê tín nên phát tâm quyên góp trùng tu, tôn tạo các di tích, đền, chùa, phóng sinh, trồng cây, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn...

Xin cảm ơn Thượng tọa!

NGỌC HÙNG(thực hiện)

(0) Bình luận
Không thể dùng vật chất, nghi lễ tâm linh mê tín để giải hạn