Khó xử lý việc mua bán thông tin cá nhân trên mạng

21/10/2018 12:00

Đến nay, vẫn chưa có tổ chức hay cá nhân nào rao bán thông tin cá nhân (TTCN) trên mạng bị xử lý, còn người dân vẫn đau đầu vì thường xuyên bị làm phiền bởi các cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn.

Người dân cần cảnh giác với việc cung cấp thông tin cá nhân khi thực hiện các giao dịch (ảnh có tính minh họa)

Phiền toái

Từng nhận được điện thoại tư vấn cho vay tiêu dùng từ số máy lạ, anh Nguyễn Văn Toàn ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) không biết tại sao đầu dây bên kia lại nắm rõ thông tin cá nhân của anh đến thế. “Người ta biết cả tên, tuổi, địa chỉ của tôi và hẹn tôi nếu có nhu cầu vay tiền thì liên hệ với họ”, anh Toàn kể. Anh suy đoán, có thể do một lần anh mua điện thoại trả góp có cung cấp thông tin cá nhân cho bên bán nên mới bị lộ như vậy. Hoặc do anh đã để lộ thông tin khi đặt mua hàng trên mạng.

Anh Nguyễn Văn Biên ở xã Tráng Liệt (Bình Giang) cũng nhiều lần nhận được điện thoại tư vấn mua nhà, mua đất. Ban đầu, khi nhận 1-2 cuộc điện thoại lạ, anh nghĩ đầu dây bên kia nhầm số nhưng vài lần khác anh bắt đầu khó chịu. Khi anh trả lời “Làm gì có tiền mà mua” thì đầu dây bên kia cũng tắt máy luôn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại chào mời cho con trai học thêm tiếng Anh từ một trung tâm Anh ngữ. Họ thường gọi vào dịp bắt đầu nghỉ hè, sinh nhật con trai chị… để tư vấn các gói học tiếng Anh với mức giá hấp dẫn. Chị Hiếu không đăng ký cho con học, nhưng thấy hơi lo lắng vì họ nắm rõ thông tin của cả hai mẹ con.

Trên đây chỉ là vài ví dụ trong vô vàn phiền toái mà nhiều người đang gặp phải. Không chỉ liên tiếp bị làm phiền bởi các cuộc điện thoại, tin nhắn chào mời mua hàng, sử dụng dịch vụ… mất TTCN có thể dẫn đến nhiều mối nguy hiểm khác như làm giả thẻ tín dụng ngân hàng, ăn cắp tiền trong tài khoản, bắt cóc, tống tiền… có thể xảy ra.

Để có danh sách thông tin của nhiều người như tên, tuổi, chức vụ, thậm chí cả thu nhập cá nhân, số dư tài khoản… không hề khó. Chỉ cần vào google gõ “mua data khách hàng” hoặc “mua thông tin cá nhân” là hiện ra đủ loại. Bỏ ra một khoản tiền là có thể nắm trong tay TTCN của hàng nghìn người. Thậm chí có website quảng cáo sẽ cung cấp TTCN miễn phí. Trên Facebook cũng ngập tràn các bài viết rao bán TTCN.

Danh sách khách hàng phân thành từng loại: danh sách phụ huynh học sinh, người có thu nhập cao, người sở hữu ô tô, giám đốc doanh nghiệp… Mức giá của những danh sách này dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, với những lời quảng cáo hấp dẫn: “Số lượng lớn 1,5G data với hơn 800.000k thông tin, an toàn, chính xác cao, nhận file trong vòng 1 phút sau khi chuyển khoản, hỗ trợ thông tin khi cần thiết…”.

Người dân cần cảnh giác

Theo luật sư Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, tại điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Hành vi xâm phạm TTCN tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến đã quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo pháp luật (điểm e khoản 3); phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng với việc mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông (điểm a, khoản 5).

Ðiều 7, Luật An toàn thông tin mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016 cũng quy định hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật TTCN của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác TTCN là bị nghiêm cấm. Ðiều 17 Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019 cũng nghiêm cấm hành vi đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật…

Mặc dù đã có quy định xử phạt nhưng hành vi mua bán TTCN trên mạng khó xử lý. Bản thân những người bị mua bán thông tin không biết thông tin của họ bị mua bán nên khó xác định giá trị tổn thất. Hoặc có biết nhưng hành vi này giao dịch trên môi trường mạng nên gặp khó khăn khi xác định chủ thể vi phạm. Trong nhiều trường hợp, hành vi mua bán TTCN của nhiều đối tượng chưa đủ cấu thành tội phạm vì khó xác định việc đó có gây hậu quả nghiêm trọng hay không.

Do vậy, người dân cần cảnh giác với các chiêu thức chào mời, tư vấn dịch vụ qua điện thoại. Cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin, truy cập vào những địa chỉ lạ. Ngoài ra, nên cài đặt các phần mềm chống virus, chống phần mềm độc hại trên thiết bị điện tử, thay đổi mật khẩu và sử dụng mật khẩu có tính bảo mật cao cho các thiết bị, tài khoản cá nhân. Các cơ quan chức năng sớm xử phạt nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thu thập thông tin khách hàng khi cung cấp dịch vụ rồi phát tán TTCN để bảo vệ người tiêu dùng.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Khó xử lý việc mua bán thông tin cá nhân trên mạng