Khi y sĩ “nhầm vai”

12/08/2018 19:56

Nhiều người có thói quen khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất ổn là tìm hoặc gọi điện liên hệ để có người đến tận nhà khám bệnh, tiêm thuốc...

Theo quy định, trừ trường hợp cấp cứu, y sĩ chỉ được tham gia khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế hoặc các cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động. Trong ảnh: Y sĩ khám bệnh tại Trạm Y tế xã Tân Hưng (TP Hải Dương)

Gọi là có

Cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị N. ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) cảm thấy người mệt mỏi, ốm yếu nên đã gọi cho một y sĩ quân y về hưu trong xã tới khám. Sau khi đo huyết áp, chị N. được lấy ven để đặt kim tiêm và truyền dịch. 30 phút sau khi lấy ven, tay chị bị sưng tấy và đau buốt. Y sĩ này trấn an chị N. rằng chuyện sưng tấy là điều hoàn toàn bình thường. Thế nhưng mãi hơn 1 tuần sau tay của chị mới đỡ sưng và sau hơn 2 tuần vẫn chưa hết đau. 

Cũng giống như chị N., khi trong nhà có người đau ốm, thay vì đến trạm y tế xã hay các cơ sở y tế để khám bệnh, anh Phùng Danh Q. ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) lại gọi điện cho y sĩ đến để khám chữa bệnh. Hầu hết những người này đã về hưu, hoạt động tự do và không chịu sự quản lý của bất cứ đơn vị hay cơ sở y tế nào. Thông thường họ sẽ đo huyết áp, bắt mạch và truyền dịch nếu cần. Điều đáng nói là song song với khám bệnh, những người này còn kiêm luôn bán thuốc. Những vỉ, lọ thuốc mà họ bán thường không có đơn thuốc đi kèm mà chỉ đơn giản bằng một vài câu dặn dò. Anh Q. cho biết: "Tôi cũng không rõ chuyên môn họ được làm những gì mà chỉ thấy nhiều người trong thôn, trong xóm gọi họ khi cần nên tôi cũng đặt trọn niềm tin".

Đã từ lâu, bà Nguyễn Thị K. (80 tuổi) ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) quen nhờ một y sĩ ở gần nhà khám chữa bệnh. Theo bà K., đến bệnh viện hay các phòng khám tư nhân sẽ mất thời gian chờ đợi hoặc phải liên quan đến thủ tục, giấy tờ, trong khi các con cháu đều bận rộn với công việc nên bà không muốn làm phiền. Bà K. cho rằng chỉ khi ốm nặng hoặc phải liên quan đến mổ xẻ thì mới cần tới bệnh viện, còn tiêm thuốc hay truyền dịch chỉ là những việc đơn giản, ít khi có thể xảy ra sự cố hay biến chứng nguy hiểm. Do khoảng cách gần nên cứ lúc nào cảm thấy mệt mỏi là bà lại chủ động tìm đến tận nhà của người y sĩ quen để được tiêm thuốc và truyền dịch. Bà K. cũng giống như một số người thường lầm tưởng và gọi chung những người hoạt động trong lĩnh vực y tế là bác sĩ. 

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tuy bệnh viện không có số liệu thống kê cụ thể nhưng thỉnh thoảng họ lại tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân tự ý điều trị tại nhà nhưng không đạt hiệu quả nên phải chuyển lên tuyến trên. Trong những trường hợp này, bệnh nhân sẽ mất nhiều thời gian để điều trị; chưa kể nếu việc điều trị trước đó không đúng cách thì có thể ảnh hưởng hoặc gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh.

Vi phạm

Theo quy định, y sĩ có nhiệm vụ cấp cứu ban đầu và khám chữa bệnh tại tuyến xã, phạm vi hoạt động trong một số dịch vụ y tế như đo mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp, thay bông băng... Trừ trường hợp cấp cứu, việc khám chữa bệnh phải diễn ra ở những nơi đủ điều kiện cơ sở vật chất khám chữa bệnh đã được thẩm định. Đó là các cơ sở y tế hoặc các cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động.

Theo Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế), hiện nay vẫn còn tình trạng các cá nhân hoạt động khám chữa bệnh khi chưa có chứng chỉ hành nghề và cơ sở chưa được cấp giấy phép hoạt động. Những trường hợp này thường là y sĩ quân y về hưu, dù có trình độ y khoa nhất định nhưng khi hoạt động vẫn phải xin cấp chứng chỉ hành nghề, đăng ký cơ sở hành nghề theo đúng quy định. Đến nay, Sở Y tế chưa có thống kê cụ thể về những trường hợp cá nhân hành nghề không phép. Tuy nhiên, cho dù họ đã được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng việc đến nhà người dân khám chữa bệnh, bán thuốc là vi phạm quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện nay, công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân còn chủ quan vì đặt trọn niềm tin vào các y sĩ này mà không tìm hiểu thông tin. Một số cá nhân hành nghề chưa tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước về hành nghề y dược tư nhân, chỉ coi trọng lợi nhuận dẫn đến việc hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép. Công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân ở một số địa phương còn hạn chế, chưa xử lý kịp thời đối với những người hành nghề vi phạm quy chế chuyên môn. Sự phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề y dược tư nhân. Người dân cần nâng cao nhận thức, chú trọng đến các vấn đề liên quan sức khỏe. Khi có những bất thường về sức khỏe cần đến các cơ sở y tế hoặc những cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động để việc khám chữa bệnh đạt được hiệu quả, tránh tiền mất tật mang.

HOÀNG QUÂN

(0) Bình luận
Khi y sĩ “nhầm vai”