Hụt hẫng khi về hưu

29/07/2018 13:37

Nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã dành vài chục năm cho công việc. Hằng ngày, họ đều đến công sở với những chu kỳ công việc đã thành quán tính...

  Để tránh rơi vào tâm lý hẫng hụt, người nghỉ hưu nên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giúp rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần. Ảnh: Đức Anh

Mỗi người mỗi cảnh

Sau hơn 30 năm công tác ở nhiều vị trí trong ngành giáo dục, bà N.T.T. ở phố Bùi Thị Xuân (TP Hải Dương) được nghỉ hưu theo chế độ từ hơn 3 tháng nay. Dù biết trước đến tuổi là phải về hưu nhưng bà T. không tránh khỏi đôi chút bồi hồi sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ hưu trí. Suốt hơn 30 năm, ngày nào cũng 8-10 tiếng đồng hồ trên cơ quan, chưa kể những hôm nhiều việc còn phải làm ở nhà. Nay được nghỉ ngơi, không phải lo lắng công việc, đáng lẽ phải vui nhưng bà T. có những lúc thấy không thoải mái. "Trước đây bị công việc cuốn đi, cũng một ngày 8tiếng thấy sao thời gian trôi nhanh quá, chưa kịp làm xong việc này đã tới việc khác. Giờ về hưu thấy mãi không hết ngày nên tôi cũng phải tự nghĩ ra việc gì đó làm như trồng rau, trồng hoa, dọn dẹp nhà cửa, giúp con cháu việc nhà... cho nhanh hết ngày", bà T. chia sẻ. Dù đã cố tìm nhiều việc khác để làm, nhưng bà T. vẫn chưa quen với thời gian quá nhàn rỗi này. 

Ông N.X.C. ở xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) cũng từng là công chức của UBND huyện. Ông C. mới nhận quyết định nghỉ hưu được hơn 4 tháng. Trước đây còn công tác ông C. chỉ mong được về nghỉ hưu để không phải lo lắng công việc, nhưng từ lúc nhận quyết định đến nay, ông lại không thấy vui vẻ như từng nghĩ. Trước đây, ông luôn phải tranh thủ vừa làm tròn việc cơ quan, vừa lo việc nhà. Từ khi nghỉ hưu, ông thấy thời gian trôi thật chậm. Chưa kể, từ ngày về hưu, mối quan hệ với các anh chị em đồng nghiệp cơ quan cũng không còn như trước. "Trừ buổi gặp mặt cán bộ hưu trí thì chắc chẳng có mấy khi tôi lên cơ quan cũ. Anh em cơ quan cũng bận công việc, mấy ai có thời gian rảnh rỗi. Hơn nữa, tâm lý người về hưu là hết, nên ít ai có thời gian đến chơi với mình như trước", ông C. nói. 

Nhiều người sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, họ sống hoàn toàn khép kín với mọi người xung quanh. Giám đốc một doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh sau khi nghỉ hưu thì gần như rút lui về "ở ẩn". Ông không liên lạc với cơ quan cũ, không giao lưu hay tham gia sinh hoạt trong các tổ hưu trí do chính ông từng gợi ý những đồng nghiệp cũ thành lập. Khi biết ông chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương, đại diện chi bộ, khu dân cư cũng nhiều lần mời ông tham gia hoạt động khu phố cho vui nhưng ông đều từ chối. Nghỉ hưu được một thời gian ngắn ông cũng chuyển chỗ ở.

Còn với ông Nguyễn Văn Khanh ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương), từ ngày nghỉ hưu ông có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn. Thời còn công tác, ông là công nhân trong ngành điện lực, công việc luôn bận rộn. Từ ngày nghỉ hưu, ông Khanh có nhiều thời gian lên Hà Nội thăm con cháu. Lâu lâu ông lại đón xe lên ở với các con vài ngày cho đỡ nhớ. "Một ngày của tôi cũng không quá bận rộn như trước. Sáng dậy tập thể dục rồi về ăn sáng cùng mấy ông bạn, cà kê cũng hết buổi sáng. Trưa về cơm nước, nghỉ ngơi, đọc sách báo đến 4-5 giờ chiều lại xách vợt đi đánh cầu lông với các ông trong xóm. Thời gian đầu về hưu cũng không quen vì cứ đi ra đi vào mãi không hết ngày. Giờ thì tôi thấy thoải mái hơn, có nhiều thời gian nghỉ ngơi, dành cho gia đình nhiều hơn", ông Khanh hào hứng chia sẻ. 

Tự cân bằng cuộc sống

Dù nghỉ hưu là mốc thời gian được báo trước, nhưng không ít người luôn có tâm lý hụt hẫng, thậm chí rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý. Bởi khi về hưu, thu nhập của họ bị giảm đi rõ rệt, ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu hằng ngày. Một số người còn cho rằng về hưu là mình đã già, không làm ra kinh tế, nên thường mặc cảm, tự ti với chính con cháu mình. Một đặc điểm dễ nhận thấy ở người nghỉ hưu là nhớ công việc và các mối quan hệ công tác. 

Để tránh rơi vào tâm lý hụt hẫng, người chuẩn bị nghỉ hưu nên có sự chuẩn bị tâm lý tốt, không quá nặng nề, tự tạo áp lực cho bản thân; cần mở lòng với con cháu và bạn bè, không nên tự thu hẹp, sống khép kín. Người nghỉ hưu nên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giúp rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần. Cần chủ động tìm hiểu một vài hoạt động xã hội phù hợp với bản thân như làm từ thiện, tham gia hoạt động tại địa phương hoặc nhiều công việc khác. Những người có sức khỏe tốt, trí tuệ minh mẫn cũng có thể tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh; giúp con cháu một số công việc đơn giản.

Người nghỉ hưu thường rơi vào trạng thái hụt hẫng trong thời gian đầu mới nghỉ hưu. Tuy nhiên, sau khi về hưu được 1-2 năm, cuộc sống đã đi vào nền nếp, thói quen sinh hoạt mới được hình thành, họ sẽ quen với cuộc sống hưu trí hơn.

THANH THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hụt hẫng khi về hưu