Giúp người mù thoát nghèo

09/08/2018 18:30

Các biện pháp hỗ trợ hội viên của Hội Người mù tỉnh và các địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người mù trong toàn tỉnh cải thiện chất lượng cuộc sống.

HTX Vượt khó 20.4 thuộc Hội Người mù huyện Thanh Hà tạo thu nhập ổn định cho xã viên

Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên bình đẳng hoà nhập cộng đồng” và “Chương trình hành động việc làm, xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2007-2017”, cuộc sống của những người mù ở tỉnh ta đã có nhiều thay đổi.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Chị Hoàng Thị Thía ở thôn Xuân Áng, xã Thanh Xuân (Thanh Hà) là nhân viên của cơ sở sản xuất tăm tre thuộc Hội Người mù (HNM) huyện Thanh Hà. Thị lực chỉ còn 2/10, bẩm sinh người cong lệch, đi lại khó khăn nhưng hơn chục năm nay, nhờ có nghề làm tăm nên chị Thía đã tự nuôi sống bản thân và mẹ già. Có ngày chị Thía dành đến hơn 10 tiếng làm tăm, thu nhập được khoảng 2,7 triệu đồng/tháng. Vừa làm tăm, chị vừa tích cực đầu tư sản xuất. Từ năm 2013 đến nay, chị đã 2 lần vay (mỗi lần 10 triệu đồng) từ nguồn vốn ưu đãi cho hội viên phát triển kinh tế của Trung ương HNM Việt Nam để cải tạo vườn vải, nâng cao thu nhập cho gia đình. Đến nay chị đã trả được hết khoản vay, sửa sang ngôi nhà cấp 4 và tích lũy được một khoản tiền tiết kiệm. 

Cho vay vốn, tạo việc làm là những cách hỗ trợ người mù thoát khó khăn rất hiệu quả của HNM huyện Thanh Hà. Giai đoạn 2007-2017, HNM huyện Thanh Hà đã đào tạo nghề phù hợp cho 31 hội viên trẻ. 26 người trong số đó đã kiếm được việc làm với thu nhập ổn định tại cơ sở sản xuất tập trung của hội và các cơ sở dịch vụ do người mù tổ chức. Trong 10 năm qua, hội đã triển khai 12 dự án cho 129 lượt hội viên vay với tổng số tiền quay vòng hơn 1 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay đã có 11 dự án đáo hạn. Tất cả các dự án giải ngân đã được người vay sử dụng đúng mục đích, góp phần giảm số hộ nghèo. Hiện nay, hội đang quản lý 205 triệu đồng cho 12 hội viên vay.

HNM TP Hải Dương cũng triển khai nhiều biện pháp giảm nghèo như truyền nghề, hướng dẫn kinh nghiệm làm kinh tế, đồng thời hỗ trợ hội viên các thủ tục để được hưởng những chế độ, chính sách dành cho người mù một cách nhanh chóng, đầy đủ. Tính đến hết tháng 5 năm nay, HNM TP Hải Dương có 1 HTX và 4 điểm dịch vụ tẩm quất cổ truyền thu hút 45 lao động, thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,2 triệu đồng/tháng/người. Toàn hội có 126 hội viên đang được hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ, 100% hội viên được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 10 năm qua, HNM TP Hải Dương đã thăm hỏi và tặng quà hội viên với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng... 

HNM tỉnh hiện có 2.126 hội viên sinh hoạt tại 269 chi hội phường, xã, thị trấn, thôn và 14 HNM cấp xã. Giai đoạn 2007-2017, HNM tỉnh đã phối hợp mở 6 lớp dạy nghề xoa bóp bấm huyệt, vi tính, âm nhạc cho gần 100 hội viên. Toàn tỉnh hiện có 1.963 người mù được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 1.249 người được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, 42 gia đình người mù có hoàn cảnh khó khăn được tổ chức Tzu Chi Đài Loan trợ cấp từ 400.000 - 1 triệu đồng/gia đình/tháng. Hội đã in 15 đầu sách chữ nổi, toàn hội có 14 tủ sách với 23 đầu sách, truyện, báo chữ nổi, 1.779 cuốn băng cát-xét. Các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động học tập, tham quan, văn nghệ, thể thao. Tính đến hết tháng 12.2017, dư nợ của hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 2,2 tỷ đồng… 

Cải thiện đời sống

Các biện pháp hỗ trợ hội viên của HNM tỉnh và các địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người mù trong toàn tỉnh cải thiện chất lượng cuộc sống trên nhiều mặt. Những hội viên vay vốn, được tạo điều kiện về học nghề, việc làm đều phát huy được những nguồn lực hỗ trợ. Từ đó mỗi năm tỷ lệ hội viên nghèo giảm từ 6-8%. Tính đến nay, tỷ lệ hội viên nghèo toàn tỉnh còn dưới 16,34%.

Không chỉ giúp người mù tháo gỡ khó khăn về kinh tế, những hoạt động hỗ trợ còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, giúp người mù thêm tự tin trong cuộc sống. Chị Hoàng Thị Thía chia sẻ: “Tham gia HNM huyện Thanh Hà, tôi được hướng dẫn làm tăm và được ăn, ở ngay tại đây. Trong quá trình sinh hoạt hội, tôi được tuyên truyền về cuộc vận động với nhiều hình thức, giúp tôi nhận thức được mình tuy tàn nhưng không phế, còn sức khỏe là còn có thể lao động, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”. Những cuốn sách nổi, băng cát-xét của HNM tỉnh giúp các hội viên nâng cao kiến thức, hiểu biết về mọi mặt trong đời sống. Những hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, du lịch... tạo điều kiện cho người mù thêm đoàn kết, chia sẻ với nhau những vui buồn...

Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch HNM tỉnh khẳng định: “Sau 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, hội viên, trở thành phong trào rộng khắp và lan tỏa trong các cấp hội. Cuộc sống của người khiếm thị nhờ đó cũng có thêm nhiều điểm sáng”.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp người mù thoát nghèo