Gia đình trẻ loay hoay với "bài toán" chi tiêu

20/05/2018 17:00

Câu chuyện chi tiêu từ trước đến nay vẫn luôn là bài toán khó đối với bất kỳ gia đình nào . Vì vậy, mỗi gia đình cần lựa chọn phương pháp chi tiêu phù hợp và thông minh.


Các gia đình trẻ cần chi tiêu phù hợp để giữ gìn hạnh phúc gia đình

Phải chi tiêu nhiều khoản trong khi thu nhập có hạn nên nhiều cặp vợ chồng trẻ thường xuyên phải đau đầu để giải "bài toán" này.

Đủ cách tiêu xài

Mặc dù xây dựng gia đình được 4 năm nhưng hầu như tháng nào vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng ở phố Lý Quốc Bảo (TP Hải Dương) cũng “méo mặt” với các khoản chi tiêu hằng tháng. Hai vợ chồng anh đều là nhân viên văn phòng trong doanh nghiệp, tổng thu nhập hằng tháng hơn 20 triệu đồng. Nhưng tháng nào chi tiêu cũng gần hết số tiền này. “Hằng tháng, gia đình tôi mất một khoản cố định là 3 triệu đồng tiền thuê nhà, 6 triệu đồng tiền ăn, khoảng 1 triệu đồng tiền điện, nước, internet, khoảng 4 triệu đồng tiền gửi trẻ, sữa, bỉm cho cô con gái 3 tuổi, rồi tiền tiêu vặt của hai vợ chồng, tiền chi đám hiếu, hỷ hoặc con ốm... Hai vợ chồng đăng ký đi làm bằng xe ô tô của công ty nên cũng đỡ được khoản xăng xe. Nói chung nghe khoản thu nhập thì lớn nhưng chia ra hằng tháng không bị âm là tốt lắm rồi”, anh Hùng giải thích. 

Khi được hỏi về khoản nào dành cho dự phòng lúc có chuyện không hay xảy ra, anh Hùng chỉ biết cười xòa cho qua. Bởi với cách chi tiêu này thì mỗi tháng nếu không có việc gì phát sinh vợ chồng anh Hùng cũng chỉ dư được 2 triệu đồng và khoản này không cố định. Vì thế, dù lấy nhau được 4 năm nhưng vợ chồng anh Hùng chưa có một khoản tiền tiết kiệm nào. 

Vợ chồng chị Phạm Thị Hoàng ở phố Nguyễn Văn Thịnh (TP Hải Dương) hầu như tháng nào cũng phải xoay xở với chi tiêu. “Vừa bảo đảm chi tiêu sinh hoạt, vừa muốn có khoản tiền tiết kiệm trong khi lương công nhân thấp nên vợ chồng tôi thấy căng thẳng với việc phải tính toán chi li từng thứ”, chị Hoàng nói. Hai vợ chồng chị đều là công nhân, tổng thu nhập từ 10-12 triệu đồng/tháng. Vốn ở quê ra thành phố lập nghiệp, vợ chồng chị Hoàng phải đi thuê nhà nên cố gắng chắt góp từng chút một. Căn nhà vợ chồng chị thuê có giá 1,2 triệu đồng/tháng, thêm điện, nước, dùng chung internet với hàng xóm mất khoảng 300.000 đồng. Bữa trưa hai vợ chồng đều ăn ở công ty nên chỉ mất tiền ăn bữa tối khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng. Để tiết kiệm, chị Hoàng gửi hai con học ở trường mầm non công lập mất khoảng 2 triệu đồng tiền học mỗi tháng, thêm 1 triệu tiền sữa. Tiền xăng xe, điện thoại, tiền tiêu vặt của hai vợ chồng chị hết khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. “Đây chỉ là những khoản cố định trong tháng, ngoài ra còn nhiều khoản phát sinh mà mình không tính hết được như con ốm đau, tiền đám xá, quà cáp mỗi lần về quê hai bên gia đình… Nhiều tháng cố gắng tiết kiệm đủ mọi thứ nhưng cũng chỉ vừa đủ, chẳng để ra được đồng nào. Nếu không may ốm đau thì không biết trông cậy vào đâu”, chị Hoàng chia sẻ.

Đây không chỉ là những băn khoăn của vợ chồng anh Hùng, chị Hoàng mà còn là bài toán hóc búa với rất nhiều gia đình trẻ khác. Thu nhập có hạn, nhưng hằng ngày luôn phải chi tiêu, chưa kể tới việc thường xuyên phát sinh các khoản khác nên không ít gia đình dù sau nhiều năm xây dựng vẫn không có nổi khoản tiền tiết kiệm. Thậm chí nhiều gia đình thường xuyên lục đục vì vợ hoặc chồng chưa tiết kiệm.

Cơ cấu lại các khoản chi

Gia đình anh Phạm Văn Nam ở phố Chu Văn An (TP Hải Dương) lại có cách chi tiêu khá khoa học. “Khoảng 1 năm đầu sau cưới, vợ chồng tôi không để ra được khoản tiền nào, trong khi thu nhập của hai vợ chồng cũng trên 20 triệu đồng. Thấy tình hình không ổn, vợ chồng tôi đã cùng thống nhất lại cách chi tiêu”, anh Nam cho biết. Hằng tháng, mọi chi tiêu trong nhà đều được vợ anh Nam ghi chép lại cẩn thận. Ngay tháng đầu tiên vợ chồng anh đã phát hiện ra những khoản chi khá tốn kém nhưng lại không cần thiết như khoản tiêu vặt của 2 vợ chồng là 4 triệu đồng, mua sắm cũng mất gần 4 triệu đồng, trong khi phần nhiều là những đồ không quá cần thiết… Chính từ chỗ ghi lại những khoản này mà vợ chồng anh Nam đã thấy những điều bất hợp lý trong cách chi tiêu, từ đó có hướng khắc phục. Nhờ vậy, giờ mỗi tháng dù lo sinh hoạt phí cho 2 người lớn và 2 đứa trẻ nhưng vợ chồng anh Nam vẫn tiết kiệm được 6 triệu đồng. 

Theo chị Lê Thị Thanh Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo (Hội Phụ nữ tỉnh), việc chi tiêu phụ thuộc nhiều vào khoản thu nhập hằng tháng của gia đình. Nhưng nếu biết tính toán, lo liệu, các gia đình trẻ sẽ bớt phải loay hoay với "bài toán" chi tiêu. Việc lo liệu chi tiêu trong gia đình là của cả hai vợ chồng nên cả hai cùng phải có trách nhiệm với từng khoản chi chung, chi riêng. Trước hết, vợ chồng cùng thẳng thắn tính toán xem khoản tiền mình kiếm được hằng tháng là bao nhiêu. Để có cái nhìn tổng quát về việc thu chi, thì cần ghi chép đầy đủ trong nhiều tháng, từ đó xem những khoản chi nào đã hợp lý, những khoản nào cần rút gọn hoặc loại bỏ. Thêm vào đó, phải có khoản tiết kiệm để phòng khi có sự việc bất trắc xảy ra. Những khoản tiền phục vụ tiêu xài cá nhân, mua sắm nên hạn chế, chỉ mua những thứ mình cần để tránh lãng phí. 

Câu chuyện chi tiêu từ trước đến nay vẫn luôn là bài toán khó đối với bất kỳ gia đình nào và đặc biệt nó lại gắn với hạnh phúc gia đình. Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình cần lựa chọn phương pháp chi tiêu phù hợp và thông minh để ổn định cuộc sống và duy trì hạnh phúc.

THANH HOA

(0) Bình luận
Gia đình trẻ loay hoay với "bài toán" chi tiêu