Gần 16% số học sinh từng nghĩ tới việc tự tử

02/06/2022 06:30

Đó là số liệu trong Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam công bố ngày 25.4.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa bày tỏ sự lo lắng khi trẻ em bị cô lập, mất an toàn trong đại dịch

Chiều 1.6, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, mặc dù công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em đã được quan tâm, trẻ em trong đại dịch cũng được hỗ trợ bằng nhiều chính sách nhưng còn một số vấn đề rất đáng lưu tâm. 

Trong đại dịch, trẻ em bị cô lập, căng thẳng tâm lý, mất cảm giác an toàn. Học sinh học trực tuyến không có điều kiện giao lưu cộng thêm áp lực học tập, thi cử, những thông tin xấu độc từ mạng xã hội dẫn tới sang chấn tâm lý. Những hành vi tiêu cực nhẹ thì buồn bực, cáu gắt, chống đối, nặng là bi quan, bạo lực, tự tử. Theo Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam công bố ngày 25.4, gần 16% số học sinh được khảo sát đã từng nghĩ tới việc tự tử, trên 3% đã thực hiện hành vi tự tử, trên 12% thường xuyên cảm thấy cô đơn và gần 17% thường xuyên khó tập trung học tập. Con số này cùng với thực tiễn thời gian qua về số trẻ tự tử, số vụ việc bạo lực học đường, số trẻ bị sang chấn tâm lý cho thấy sự cấp thiết phải cải thiện sức khỏe tâm thần của học sinh. 

Đến ngày 15.2, toàn quốc có 4.335 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, trong đó có 184 trẻ mồ côi cả cha và mẹ. Các chính sách hỗ trợ khẩn cấp đã được ban hành và đang được thực hiện nhưng tới nay vẫn chưa có số liệu báo cáo chính thức về tiến độ thực hiện tại các địa phương. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị Chính phủ và các địa phương cần xác định chăm sóc trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình đất nước sau đại dịch. Việc hỗ trợ về vật chất đối với trẻ em là quan trọng nhưng tư vấn tâm lý để động viên các em vượt qua khủng hoảng là việc làm cần thiết hơn cả.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng nêu tình trạng đáng báo động khi chỉ trong tháng 4 và đầu tháng 5.2022, có nhiều vụ trẻ em đuối nước ở Thanh Hoá, Bình Định, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Nội... Các vụ việc liên tiếp xảy ra ở miền núi, miền xuôi, đô thị và nhiều nhất vẫn là ở nông thôn. Đại biểu đề nghị các địa phương cần có công trình vui chơi, giải trí, thể thao công cộng an toàn để tất cả trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được.

PHẠM TUYẾT 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần 16% số học sinh từng nghĩ tới việc tự tử