Chuyện ở làng buôn chó

07/10/2018 17:11

Mặc dù thời “hoàng kim” đã qua nhưng nghề buôn bán chó ở làng An Xá, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) hiện vẫn khá nhộn nhịp...

Dọc quốc lộ 37 đoạn qua thôn An Xá, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) có gần chục quán bán chó thịt

Đầu mối phân phối chó

An Xá từng được biết đến như một trung tâm buôn bán chó sầm uất một thời. Người dân cũng không nhớ chính xác nghề buôn bán chó xuất hiện ở đây từ khi nào. Một số người còn nhớ nghề phát triển rầm rộ nhất khoảng thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Thời ấy, cứ mỗi sáng, từng đoàn xe đạp chở theo lồng sắt nối đuôi nhau dài cả vài trăm mét đi trên các trục đường chính để mua chó. Từ đầu làng đến cuối xóm, họ chuyện trò, bàn tán rôm rả rồi chia nhau ra theo các ngả đường đi khắp nơi để thu mua. Có người chỉ đi thu mua chó trong xã, có người đi khắp huyện, lại có người đạp xe sang cả các tỉnh lân cận để tìm mua chó.

Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nghề buôn bán chó trở thành nghề phát đạt ở thôn An Xá. Mỗi ngày có hàng tấn chó được mua đi, bán lại. An Xá đã trở thành địa danh buôn bán chó nổi tiếng của Hải Dương. Đầu thập kỷ 90, trong thôn có hơn 1.200 hộ dân thì có đến trên 40% số hộ làm nghề buôn bán chó. Nhờ nghề này mà nhiều hộ giàu lên. “Không ít gia đình vốn chỉ có chiếc xe đạp là tài sản duy nhất, nhờ nghề buôn bán chó đã mua được xe máy, xây được nhà cửa khang trang. Cứ như thế, không ai bảo ai, mọi người tự bén duyên với nghề từ lúc nào không hay”, ông Vũ Đình Nghĩa, Phó Trưởng thôn An Xá nhớ lại.

Mặc dù từng đi buôn chó nhưng ông Nghĩa không giống nhiều người khác. Bởi với ông buôn chó chỉ là nghề tay trái nên chỉ làm một thời gian ngắn. Dù vậy, ông vẫn có những bí quyết của “dân buôn” thực thụ. “Khoảng năm 1990, người dân thường đi thu mua chó ở các nơi rồi đem về bán lại cho các quán ăn hoặc chở lên Hà Nội bán kiếm lời. Vài năm sau, trong làng có anh P.C.Q. bắt được mối hàng bán chó sang Trung Quốc nên mở đại lý thu mua ở quê. Từ khi anh Q. mở điểm thu mua, người buôn trong thôn chỉ việc đi gom chó ở các nơi về bán lại cho anh Q. Thời điểm đó, anh Q. là người đầu tiên đứng ra thu mua chó với số lượng lớn để bán sang Trung Quốc”, ông Nghĩa tiếp lời.

Nhiều người dân kể lại những năm đầu đi buôn, mỗi ngày họ thu được vài chục nghìn tiền lãi, thời ấy đối với họ chẳng làm gì ra được nhiều lời lãi như thế. Tuy nhiên, việc buôn bán ngày càng khó khăn do chó ít dần. Không còn kiếm được “món hời” như trước nên người dân dần bỏ nghề. Đến nay, nghề buôn bán chó tuy không còn nhộn nhịp như những năm trước nhưng vẫn là nghề “hái ra tiền” của hàng chục hộ dân trong làng. Thôn An Xá hiện còn hai hộ buôn chó với quy mô lớn và khoảng chục người thu gom nhỏ lẻ.

Chúng tôi đến nhà anh Minh, người buôn bán chó lớn nhất thôn An Xá hiện nay. Vợ chồng anh Minh đã bám trụ với nghề này suốt hơn 20 năm qua. Đến nơi, nhiều lồng chó trống hoác nằm ngang dọc từ ngoài cổng vào trong sân. Trong khi anh Minh đang tất bật phun nước rửa sân thì chị Tơ, vợ anh cho biết: “Trước đây, vợ chồng tôi chỉ buôn bán nhỏ, mua chó ở nơi này rồi bán sang nơi khác. Sau khi quen nhiều mối hàng, vợ chồng bàn nhau làm ăn lớn hơn. Hơn chục năm nay, vợ chồng tôi chỉ ở nhà thu mua chó từ các nơi đem đến rồi phân phối lại cho các điểm. Những năm trước, chó ở các tỉnh miền Bắc được đưa đến nhiều nhưng vài năm gần đây, chủ yếu là chó từ khu vực miền Trung chở ra”.

Là người có thâm niên trong nghề nên chị Tơ dễ dàng phân biệt được các loại chó. Chị bảo chó ở miền Trung hay chó bên Lào nhìn sẽ thô, mình chó hốc hác hơn chó ngoài Bắc. Chó ở các tỉnh miền Trung thường có chân khô, mắt dại, lông cứng, chất lượng thịt không ngon bằng chó ngoài Bắc. Vì vậy, các loại chó này thường thấp hơn từ một đến hai giá. Mỗi ngày, nhà chị Tơ có từ  1- 2 xe ô tô, mỗi xe chở khoảng hai tấn chó từ Thanh Hóa ra. Hàng về, vợ chồng chị lại phân phối cho các mối buôn khác ở các huyện, thậm chí các tỉnh. Mọi giao dịch diễn ra chỉ trong vài tiếng, chủ yếu trong khoảng thời gian từ 1 - 5 giờ sáng. 

Trăn trở

Việc làm thịt chó được diễn ra ngay tại cửa quán

Ở làng buôn chó An Xá, chúng tôi được nghe kể lại nhiều câu chuyện bi hài liên quan đến những người từng buôn bán, kinh doanh con vật này. Trong làng có nhiều ông chủ chuyên buôn bán chó nhưng lại bị bắt trộm chó của nhà nuôi. Có “đại gia” nổi lên nhờ buôn bán chó nhưng chỉ sau vài năm lại bị phá sản, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất do chơi bời, cờ bạc. Có gia đình giàu lên nhờ kinh doanh thịt chó nhưng con lại hư hỏng, nghiện ngập. Có người làm nghề buôn chó nhưng bị chó dại cắn chết… Những bi kịch này không biết ngẫu nhiên hay trùng hợp, nhưng nhiều người dân cho rằng làm nghề sát sinh thì hậu vận thường không mấy tốt đẹp!?

Sau những giây phút hân hoan nói về việc buôn bán trôi chảy, thuận lợi, chị Tơ xòe đôi bàn tay ra trước mặt tôi rồi bảo: “Chị mới bị chó cắn, vừa phải kiểm tra xem có phải bị chó dại cắn không nhưng may mà không làm sao”. Đối với người trong nghề phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với chó, việc bị chó cắn xảy ra như cơm bữa. Lần đầu người ta còn lo lắng, sợ hãi nhưng bị chó cắn nhiều lần cũng thành quen. Để hạn chế nguy hiểm, đề phòng bị chó dại cắn, những người làm nghề này vẫn luôn nhắc nhau phải đi tiêm phòng bệnh dại hằng năm.

Dù hiểu rõ những nguy hiểm, rủi ro có thể gặp phải trong công việc nhưng khi nhắc đến việc bỏ nghề thì chị Tơ lại bần thần. Bởi lẽ công việc này 2 vợ chồng chị đã gắn bó hơn 20 năm qua. Cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào nghề buôn bán chó. “Nếu bỏ nghề thì ở cái tuổi trung niên, chúng tôi biết làm gì để sống?”, chị Tơ ngậm ngùi tự hỏi.

Việc kinh doanh chó không bị pháp luật ngăn cấm nhưng những người trong nghề vẫn e ngại, không muốn nói về công việc của mình. Bởi lẽ, họ hiểu rằng việc buôn bán, sát sinh loài động vật thông minh, trung thành với chủ như vậy chẳng hay ho gì mà đem ra chia sẻ. Sau những giây phút ái ngại, ông Trần Thế Thắng ở xóm Cống Sáu, chủ cửa hàng thịt chó ở thôn An Xá cũng chia sẻ nỗi niềm: “Tôi chỉ cố gắng làm nghề này vài năm nữa, khi nào con út học xong đại học thì tôi sẽ nghỉ. Cả 3 đứa con của tôi đều không muốn bố mẹ làm nghề sát sinh như vậy. Bản thân tôi cũng không yêu thích gì công việc này. Chẳng qua vì cuộc sống nên chúng tôi đành bám trụ”.

Thôn An Xá hiện có gần chục quán thịt chó nằm cạnh quốc lộ 37. Phương tiện lưu thông qua đây dễ dàng nhìn thấy những lồng nhốt đầy chó được đặt trước mỗi cửa hàng. Theo nhu cầu, chủ quán sẽ làm thịt chó tại chỗ. Việc chọc tiết, làm lông, thui và mổ đều được tiến hành ở cửa quán, ngay cạnh quốc lộ 37. Theo ông Thắng, mỗi ngày một quán ở đây làm thịt từ 5 - 10 con, thậm chí có ngày lên tới 20 - 30 con chó. Thịt chó được các quán ăn, nhà hàng ở khắp nơi gọi điện đặt trước. Chỉ chưa đầy 5 phút, các chủ cửa hàng đã làm thịt xong một con chó.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có quy định hạn chế hoặc cấm giết mổ, ăn thịt chó. Gần đây nhất, đầu tháng 9.2018, UBND TP Hà Nội đã có văn bản khuyến khích người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó và tiến đến năm 2021 sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành. Trước thông tin này, dù có thoáng chút lo lắng nhưng nhiều chủ hộ buôn bán, kinh doanh chó ở làng An Xá cho biết sẽ sẵn sàng thực hiện nếu có quy định cụ thể.

MINH HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ở làng buôn chó