Biểu tượng của tình anh em Hải Dương - Phú Yên

07/01/2020 15:33

Cái tên Hải Phú nghe rất đỗi thân thuộc với người dân Phú Yên và Hải Dương.


Nhiều học sinh đọc sách tại Thư viện Hải Phú

Trải qua gần 45 năm, Thư viện Hải Phú (tên gọi hành chính là Thư viện tỉnh) trở thành biểu tượng của mối quan hệ đoàn kết anh em trước sau như một của hai tỉnh Hải Dương và Phú Yên. Mối quan hệ này là tài sản vô cùng quý báu cho nhân dân hai tỉnh trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

“Nhiều người hỏi tôi về Thư viện Hải Phú ngày đó, tôi vẫn thường đùa, anh Nguyễn Đình Nhã đã bê nguyên thư viện từ Hải Dương vào Phú Yên”, ông Dương Thái Nhơn, nguyên Giám đốc Thư viện Hải Phú cười nói. Những lời tưởng đùa nhưng rất thật của ông đã phần nào nói lên công lao to lớn của Hải Dương trong quá trình xây dựng Thư viện Hải Phú tại mảnh đất Phú Yên.

Thư viện kết nghĩa

Cách đây 60 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, hưởng ứng phong trào kết nghĩa Bắc - Nam được Trung ương Đảng phát động với mục đích thắt chặt tình ruột thịt Bắc - Nam, tập trung mọi nguồn lực để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; ngày 9.1.1960, được sự chấp thuận của Trung ương Đảng, hai tỉnh Phú Yên và Hải Dương kết nghĩa với nhau. Lễ kết nghĩa đánh dấu mốc son quan trọng trong mối quan hệ “thắm tình Hải Phú” của đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Phú Yên - Hải Dương.

Hòa chung phong trào hướng về miền Nam ruột thịt, trong những năm 1959-1960, song song với việc xây dựng thư viện của mình, các tỉnh miền Bắc còn tiến hành xây dựng thư viện các tỉnh kết nghĩa. Trong chiến dịch giải phóng miền Nam từ tháng 3.1975, các “thư viện kết nghĩa” đã cùng theo bước chân của các chiến sĩ giải phóng. Tỉnh nào vừa được giải phóng là có ngay “thư viện kết nghĩa” vào. Và chỉ sau vài tháng chuẩn bị cơ sở vật chất, huấn luyện cán bộ địa phương, các thư viện này bắt đầu phục vụ nhân dân vùng mới giải phóng.

Năm 1974, 14 năm sau ngày kết nghĩa với tỉnh Phú Yên, kết thúc ném bom ở miền Bắc nhờ Hiệp định Paris, trong không khí hào hứng của công cuộc chuẩn bị trận quyết chiến cuối cùng, 500 cuốn sách đầu tiên cùng phông màn, âm thanh, hệ thống chiếu sáng theo bước chân của các chiến sĩ giải phóng vào Phú Yên. Ngày 1.4.1975, Phú Yên hoàn toàn giải phóng, 500 bản sách từ căn cứ cách mạng được chuyển về và tổ chức thành 2 tủ sách tại Thư viện Phú Yên (lúc đó là gác 2 của Hội trường phường 4, thị xã Tuy Hòa, nay là Ngân hàng NNPTNT Việt Nam chi nhánh Phú Yên) để ngày 22.6.1975 mở cửa khai trương phục vụ bạn đọc.

Tháng 7.1975, đoàn cán bộ của Ty Văn hóa Hải Hưng khi ấy do đồng chí Vũ Cát, Phó Trưởng ty dẫn đầu cùng anh Tuyền, cô Chiến - cán bộ truyền thanh; anh Triều Dương - cán bộ văn học nghệ thuật; anh Nguyễn Đình Nhã - cán bộ thư viện đã mang vào tặng Phú Yên 10.000 cuốn sách, 4 giá đựng sách, 1 tủ mục lục và nhiều thiết bị khác để xây dựng thư viện.

“Toàn bộ sách đã được xử lý kỹ thuật, khi đem vào Phú Yên là có thể cho bạn đọc mượn ngay”, ông Dương Thái Nhơn nhớ lại. Để xử lý 10.000 bản sách đã tích tụ nhiều năm cho kho sách kết nghĩa, các anh chị Hải Hưng (2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên sáp nhập thành tỉnh Hải Hưng) đã làm ngày làm đêm, để sớm hoàn chỉnh kỹ thuật kho sách, tủ mục lục... chờ ngày chuyển vào Phú Yên. Mọi người lao vào công việc với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”.

Với ước muốn “thư viện kết nghĩa” chỉ cần dỡ hàng là phục vụ ngay nên các anh chị Hải Hưng đã dồn hết khả năng, sức lực, trình độ chuyên môn đánh vật với khối công việc đồ sộ. “Tôi đã rất xúc động trước tình cảm của anh chị em Hải Hưng dành cho Phú Yên”, ông Nhơn thổ lộ.

Nhắc tới kỷ niệm về những ngày thành lập Thư viện Hải Phú, ông Dương Thái Nhơn kể: “Người đầu tiên dạy cho tôi biết thế nào là công tác thư viện chính là anh Nguyễn Đình Nhã. Chỉ trong một tháng, anh đã “cầm tay chỉ việc” cho tôi những kiến thức cơ bản từ phân loại; miêu tả; xếp tấm phích theo phân loại và theo chữ cái; đóng dấu và dán nhãn ở trang 1 và trang 17 của mỗi quyển sách... Với tôi, những hình ảnh ấy dường như mới hôm qua!”.

Sắt son, bền vững

Trải qua gần 45 năm xây dựng và trưởng thành, cơ sở vật chất ngày một khang trang thay đổi, Thư viện Hải Phú giờ đây nằm trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) với diện tích hơn 2.812m2 gồm các phòng phục vụ bạn đọc như phòng đọc, phòng mượn, phòng tra cứu, phòng địa chí, phòng báo - tạp chí, phòng thiếu nhi, phòng đa phương tiện. Thư viện có 348.494 bản sách và tài liệu quý. Mỗi ngày thư viện phục vụ từ 350-500 lượt người đến nghiên cứu, học tập, đọc và mượn tài liệu. Thư viện Hải Phú không chỉ là nơi cung cấp nhiều kiến thức cho người đọc, mà còn là trung tâm văn hóa của đông đảo người dân, khách du lịch khi muốn tìm hiểu về đất và người Phú Yên.

Bà Phạm Thị Kim Anh, Giám đốc Thư viện Hải Phú, cho biết: “Cùng với sự nghiệp thư viện chung của cả nước, thư viện hai tỉnh Phú Yên - Hải Dương luôn sát cánh hỗ trợ lẫn nhau, trao đổi nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm hướng tới một mục đích chung phục vụ tốt nhất người đọc. Trong kho sách địa chí 2 tỉnh Hải Dương và Phú Yên vẫn dành riêng một khoảng sắp xếp tài liệu riêng của Hải Dương, Phú Yên để cán bộ và nhân dân 2 tỉnh được biết các thông tin, hiểu sâu về đất nước và con người, về sự phát triển kinh tế - xã hội. Bằng mối quan hệ đó giữa 2 thư viện ngày càng được gắn kết, bền vững...”.

Năm 2005, Thư viện Hải Phú đã tổ chức kỷ niệm 30 năm đánh dấu quá trình phát triển của sự nghiệp thư viện tỉnh Phú Yên. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên (9.1.1960 - 9.1.2020), Thư viện Hải Phú đang tổ chức trưng bày sách chuyên đề về kết nghĩa Phú Yên - Hải Dương. Đồng thời, thư viện cũng đã cung cấp một số hình ảnh, tư liệu hiện có về kết nghĩa của hai tỉnh cho Bảo tàng tỉnh để phục vụ triển lãm ảnh thành tựu Phú Yên - Hải Dương trên đường đổi mới.

Vượt qua thời gian, tấm lòng của Đảng bộ, bà con Hải Hưng nói chung và Hải Dương nói riêng đã dành cho Phú Yên những ân tình sâu nặng. Sau ngày giải phóng, đặc biệt là sau ngày tỉnh Phú Yên tái lập, tình cảm anh em Bắc - Nam sâu nặng một thời khói lửa chiến tranh vệ quốc càng ngời sáng qua bề dày thời gian và chiều sâu cội nguồn. Vì vậy, cách nhau hơn 1.000km nhưng Phú Yên - Hải Dương không hề xa cách, trái lại mỗi ngày tình Hải - Phú thêm sâu, mỗi giờ nghĩa Hải - Phú thêm nặng.

Và Thư viện Hải Phú là một công trình đầy ý nghĩa gắn kết tình cảm anh em giữa tỉnh Hải Dương và Phú Yên. Hai vùng đất lúc nào cũng hiện hữu trong nhau. Đi dạo giữa phố phường Hải Dương, người Phú Yên cứ ngỡ như đang ở quê nhà bởi mình đang đi qua các phố Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa, chợ Phú Yên... Và hơn hết, những người cán bộ thư viện được mang tên Hải Phú...

Trong 60 năm kết nghĩa Hải Dương - Phú Yên, nhân dân Hải Dương đã có nhiều công trình, phần việc và dành tình cảm đặc biệt cho tỉnh Phú Yên anh em. Trong đó, Thư viện Hải Phú là cái tên mà mỗi người Phú Yên và Hải Dương luôn tự hào về một mối tình son sắt.

Theo báo Phú Yên

(0) Bình luận
Biểu tượng của tình anh em Hải Dương - Phú Yên