Cấp thiết bảo vệ nguồn nước ngầm

22/12/2018 08:03

Nước dưới đất là nguồn tài nguyên quý giá trong bối cảnh nguồn nước mặt ngày càng ô nhiễm. Vì vậy, bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất đã trở thành yêu cầu cấp thiết.


Khi chưa có nhu cầu sử dụng, các giếng khoan cần được bảo vệ bằng các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa ô nhiễm

Nguy cơ ô nhiễm cao

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong phạm vi tỉnh Hải Dương có nhiều tầng chứa nước lỗ hổng và tầng chứa nước khe nứt với tổng diện tích khoảng 1.500 km2, lưu lượng khoảng 427.819 m3/ngày. Kết quả khảo sát cho thấy, tài nguyên nước dưới đất của Hải Dương đang bị suy giảm. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ các hoạt động dân sinh và một số yếu tố tự nhiên. Tình trạng biến đổi khí hậu khiến việc bổ sung nguồn dự trữ cho nước ngầm ngày càng khó khăn, xâm nhập mặn rộng hơn. Mặc dù vậy, tác nhân chính làm cho nguồn nước ngầm có nguy cơ ô nhiễm chính là sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề cũng như tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng nước thải trong sản xuất công nghiệp, nước thải dân sinh chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, hiện tượng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng ngày càng phổ biến. Trong khi ô nhiễm môi trường ở các tuyến kênh, mương trên địa bàn rất dễ nhận ra bằng mắt thường thì ô nhiễm nguồn nước ngầm khó nhận biết và chịu ảnh hưởng lớn từ nguồn nước mặt bị ô nhiễm. 

Hải Dương hiện có 7 công trình cấp nước tập trung sử dụng nguồn nước dưới đất, trên 100 công trình khai thác nước dưới đất dạng công nghiệp và gần 290.000 công trình khai thác nước nông thôn quy mô gia đình. Đặc trưng của các công trình khai thác nước nông thôn là các lỗ khoan, giếng đào được thực hiện tự phát dùng để cấp nước cho các hộ phục vụ ăn uống sinh hoạt, với công suất mỗi giếng khoảng 0,3-0,5 m3/ngày.

Các công trình quy mô gia đình được thực hiện tự phát cũng là một trong những nguyên nhân làm cho lượng nước ngầm suy kiệt, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm cao.

Tăng cường kiểm soát

Bà Ngô Thị Thảo, Trưởng Phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết kiểm soát, ngăn ngừa các yếu tố bất lợi đến chất lượng nguồn nước ngầm là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Một trong những giải pháp quan trọng bảo vệ nguồn nước ngầm là xây dựng hành lang bảo vệ nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt. Cần có chế tài xử lý kiên quyết tình trạng các nhà máy, xí nghiệp, khu, cụm công nghiệp, làng nghề xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Tăng cường xây dựng, nâng cao khả năng dự trữ của các hồ, đập nhằm làm sạch nguồn nước tự nhiên. Xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước. Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Chính quyền các cấp cần đề cao vai trò của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc thực thi pháp luật về tài nguyên nước. Đưa công tác bảo vệ tài nguyên nước vào nội dung hoạt động của các cộng đồng dân cư. Cần thường xuyên phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ tài nguyên nước, trước hết ở các đô thị lớn, khu dân cư tập trung và các khu vực nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Có cơ chế thích hợp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoặc hỗ trợ giám sát công tác bảo vệ tài nguyên nước; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gây suy thoái nguồn nước. 

Theo bà Thảo, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sẽ góp phần làm chuyển biến và thay đổi nhận thức của lãnh đạo các cấp chính quyền về bảo vệ môi trường nước. Đặc biệt, tuyên truyền thường xuyên sẽ giúp thay đổi tập quán tồn tại lâu đời trong nhân dân về sử dụng phân tươi, nước ao, hồ, sông trong sản xuất, sinh hoạt. Để bảo vệ nguồn nước ngầm, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường đấu tranh, phát hiện, xử phạt các trường hợp gây ô nhiễm nguồn nước. 

VỊ THUỶ

(0) Bình luận
Cấp thiết bảo vệ nguồn nước ngầm