Bất cập tủ sách pháp luật

16/10/2018 10:03

Hầu hết tủ sách pháp luật (TSPL) tại các địa phương đều rơi vào tình trạng “ế ẩm”.

Tủ sách pháp luật tại các địa phương rất ít người dân đến đọc

Số người đến khai thác, sử dụng TSPL chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi chi phí đầu tư, xây dựng một TSPL không hề ít.

Chưa hiệu quả

Theo thống kê của Sở Tư pháp, đến nay toàn tỉnh có 273TSPL đặt tại các xã, phường, thị trấn. Một số địa phương có 2 TSPL. Các TSPL đều bảo đảm có các loại sách, báo, tài liệu pháp luật theo quy định. Hằng năm, mỗi TSPL được cấp từ 70-100 cuốn sách (tương đương 2 triệu đồng), từ nguồn ngân sách tỉnh. Thông thường, TSPL được giao cho công chức tư pháp hộ tịch, cán bộ văn phòng HĐND - UBND hoặc công chức văn hóa cấp xã quản lý. Việc theo dõi danh mục các đầu sách, báo, tài liệu và mượn, trả tài liệu dựa trên ghi chép sổ sách. Đa số các tủ sách chỉ có cán bộ, công chức tại địa phương tham khảo, tra cứu, tìm hiểu. Rất hiếm người dân tới TSPL đọc sách. Bình quân mỗi TSPL có dưới 50 lượt người đến đọc và mượn tài liệu mỗi năm. 

Phía bên phải phòng “một cửa” của UBND thị trấn Gia Lộc đặt 1 TSPL. Sách trong tủ được sắp đặt ngay ngắn, phân thành từng loại: sách, công báo, tài liệu pháp luật khá dễ tìm. Dù vậy nhưng qua xem sổ theo dõi việc mượn trả sách, thấy rất ít người đến đây đọc. Đối tượng mượn sách chủ yếu là cán bộ, công chức tìm hiểu sách pháp luật để phục vụ công tác chuyên môn. Ông Đặng Duy Thái, cán bộ hộ tịch - tư pháp thị trấn Gia Lộc, người trực tiếp quản lý TSPL cho biết: “Người dân chỉ quan tâm tìm hiểu pháp luật khi có vấn đề phát sinh liên quan đến họ. Nhưng trong số nhiều cách tiếp cận, họ không chọn đến TSPL”. Ông Thái lý giải, người dân ngại đến cơ quan công quyền mượn sách hoặc ngồi lại đọc. Hơn nữa, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng truyền tải nhiều chính sách, quy định pháp luật, mọi người có thể xem, nghe rất dễ dàng. 

“Thông qua internet, người dân có thể tìm kiếm thông tin, kiến thức pháp luật dễ dàng, thuận tiện. Đây cũng là lý do làm cho người dân không thiết tha với TSPL”, ông Cao Xuân Trường, cán bộ văn hóa xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng), người phụ trách TSPL của xã cho biết. Xã Cẩm Đoài đã bố trí riêng một phòng thư viện, phòng đọc tại trụ sở UBND xã. Tủ sách cũng đa dạng các đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực như khoa học kỹ thuật nông nghiệp, văn học, mỹ thuật, nghệ thuật… Trong đó, sách pháp luật được bố trí một tủ riêng. Dù xã quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu người đọc nhưng nơi đây rất vắng vẻ. Không chỉ tủ sách của xã, tủ sách của các thôn cũng gặp tình trạng tương tự.

Thay đổi để phù hợp 

Thời gian qua, Sở Tư pháp đã có nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng TSPL. Hằng năm, sở lựa chọn các đầu sách phù hợp bổ sung vào TSPL, luân chuyển các đầu sách tới tủ sách của các thôn, khu dân cư bảo đảm điều kiện tốt nhất để người dân được tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật. 

Song thực tế đặt ra, với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các phương tiện truyền thông hiện đại, yêu cầu TSPL cũng phải thay đổi để phát huy hiệu quả. Trước thực trạng trên, trong dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25.1.2010 về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL có quy định về xây dựng TSPL điện tử. Theo đó, dự kiến sẽ xây dựng mô hình TSPL điện tử theo 2 phương án: thứ nhất, TSPL điện tử quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng trên Cổng Thông tin điện tử của bộ này. Thứ hai, TSPL điện tử trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương các đoàn thể, UBND các cấp quản lý, vận hành trên cổng, trang thông tin của bộ, ngành, địa phương. 

Có ý kiến cho rằng, việc tiếp tục duy trì TSPL truyền thống vẫn cần thiết nhưng cần đổi mới, để mô hình hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời tiến hành xây dựng TSPL điện tử. Không nên xóa bỏ ngay TSPL truyền thống vì không phải địa phương nào, người dân nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận với TSPL điện tử.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập tủ sách pháp luật