Từ ngày 1.11: Không cứu người bị nạn trên sông, biển, bị phạt đến 10 triệu đồng

02/11/2017 16:03

Không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14.9.2017 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1.11 thay thế Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22.10.2013.

Nghị định chỉ rõ hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Trước đây, mức phạt đối với hành vi này chỉ từ 3 - 5 triệu đồng.

Nghị định cũng tăng mức phạt đối với hành vi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ lên mức từ 20 - 40 triệu đồng, thay vì từ 10 - 20 triệu đồng như trước.

Bên cạnh đó, hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng hoặc thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện các hành vi này còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Với hành vi đóng thiếu vào Quỹ phòng chống thiên tai, nghị định quy định phạt tiền bằng số tiền phải đóng góp còn thiếu theo từng đợt. Với hành vi đóng chậm, mức phạt tiền gấp 1,5 lần mức phải đóng góp theo từng đợt. Với hành vi không đóng, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phải đóng góp theo từng đợt. Trong cả 3 trường hợp này, mức phạt tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 50 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ ngày 1.11: Không cứu người bị nạn trên sông, biển, bị phạt đến 10 triệu đồng