Phòng sốc nhiệt do nắng nóng

09/06/2018 17:48

Sốc nhiệt là hậu quả của quá trình tăng thân nhiệt sau một thời gian cơ thể phải hứng chịu nắng nóng kéo dài, cơ thể không kịp thích nghi gây mất nước.

Phòng sốc nhiệt do nắng nóng - Ảnh 1.

Đội mũ rộng vành khi ra ngoài trời nắng. Ảnh: buyhathats.com

Sốc nhiệt (say nắng) là tình trạng thân nhiệt tăng quá mức, thường trên 400C, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến con người không kịp thích nghi gây ra tình trạng sốc nhiệt.

Sốc nhiệt là hậu quả của quá trình tăng thân nhiệt sau một thời gian cơ thể phải hứng chịu nắng nóng kéo dài, cơ thể không kịp thích nghi gây mất nước, làm tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Khi bị sốc nhiệt, cơ thể giảm khả năng thanh thải nhiệt, gây ra tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong.

Biểu hiện khi bị sốc nhiệt

Sốc nhiệt thường có triệu chứng như đau nửa đầu, khó thở, buồn nôn hoặc nôn, nóng bừng mặt. Những triệu chứng sốc nhiệt nguy hiểm có thể xuất hiện như sốt cao, chóng mặt, ngất xỉu, nặng sẽ dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh như mê sảng, thở nhanh, rối loạn tim mạch... Nắng nóng dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt, mất nước do tiết nhiều mồ hôi, làm giảm khối lượng tuần hoàn máu dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cách xử trí khi bị sốc nhiệt

Trước một trường hợp bị sốc nhiệt cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế như:

- Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.

- Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Một điều quan trọng là phải có các biện pháp dự phòng sốc nhiệt, đó là không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Uống đầy đủ nước khi trời nóng hoặc lao động nặng. Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính,... Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò rất có ý nghĩa trong việc phòng chống sốc nhiệt.

Các biện pháp phòng sốc nhiệt do nắng nóng.

Tránh những nơi có nhiệt độ quá cao

Nếu có thể, tránh đi đến những nơi có nhiệt độ quá cao. Vào những ngày nắng nóng trên 400C không nên ra ngoài trời trong khoảng thòi gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Nên xem dự báo thời tiết trước khi lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là trong mùa hè. Nếu bạn phải đi ra ngoài trong những thời điểm nắng nóng, đừng quên mang theo một chiếc mũ hoặc một chiếc ô. 

Nếu phải đi lại hay làm việc ngoài trời nắng không nên làm việc quá 2 giờ liên tục dưới nhiệt độ cao, cần nghỉ ngơi bù nước giữa giờ làm. Không cho trẻ em hay người già, người mắc các bệnh mạn tính tắm biển dưới trời nắng nóng quá 1 tiếng.

Trang bị cá nhân đầy đủ trước khi đi ra ngoài

- Khi đi ra ngoài trong thời tiết nắng nóng, hãy chuẩn bị cho mình một chiếc áo cotton dài tay, nó không chỉ bảo vệ làn da của bạn mà còn giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể bạn được mát mẻ. Chất liệu cotton là sự lựa chọn tốt nhất. Nên mặc quần áo sáng màu sẽ làm cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất.

- Cần mang theo đủ nước trước khi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng, bởi nắng nóng sẽ làm cơ thể con người nhanh mất nước, cần phải bù nước kịp thời. Nước vừa có tác dụng bù nước vừa giảm nhiệt cho cơ thể. Ngoài ra, mọi người có thể mang theo kem chống nắng, bình xịt nước để đi ra ngoài trời...

Bên cạnh việc cung cấp nước, bạn đừng quên bổ sung dinh dưỡng hợp lý bằng các thực phẩm giàu protein, carb để có sức chống chọi với nắng nóng.

Nghỉ ngơi nhiều hơn

Cần nhớ rằng cơ thể con người có ngưỡng chịu đựng nhiệt độ nhất định. Vào những ngày nắng nóng, tăng cường nghỉ ngơi thường xuyên hơn; không di chuyển dưới trời nắng liên tục trong thời gian dài, hãy tìm nơi có bóng râm để nghỉ. Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia UV có hại cho da và mắt.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng sốc nhiệt do nắng nóng