Năm ngày trên đất nước Triệu Voi

23/03/2012 09:54

Lào là một đất nước giàu truyền thống văn hóa, có lịch sử đấu tranh kiên cường chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc...



Thạt Luông - biểu tượng của đất nước Lào. Ảnh: Minh Đức


Sau gần một giờ đồng hồ bay, chúng tôi đáp xuống sân bay quốc tế Viêng Chăn. Dù đã được thông báo trước, song ai cũng ngỡ ngàng bởi nhiệt độ của Viêng Chăn cao hơn Hà Nội tới 10 độ, nóng như mùa hè.

Viêng Chăn là một thành phố khá đẹp và yên tĩnh với những nét cổ kính rất riêng, kiểu kiến trúc Lào. Thành phố gồm 5 quận nội thành và 4 huyện ngoại ô, với diện tích 3.920 km2, dân số gần 40 vạn người. Viêng Chăn có rất nhiều chùa, tháp và thắng cảnh nổi tiếng, như: Thạt Luông, chùa Phra Keo, chùa Ông Tự, chùa Si Muông, vườn phật Suốn Siêng Khuôn, Đài Khải Hoàn Môn… Thạt Luông là ngôi chùa nổi tiếng nhất, được xây dựng từ năm 1566, bên ngoài  được dát vàng. Kiến trúc ngôi chùa tháp này mang phong cách văn hóa và bản sắc Lào, trở thành một biểu tượng quốc gia, được in trên tiền giấy và quốc huy của nước bạn. Theo truyền thuyết, trong tháp có lưu giữ xá lỵ của Đức Phật là một sợi tóc của ngài và nhiều châu báu ngọc ngà.

Thủ đô Viêng Chăn nằm thoai thoải ven sông Mê Công. Bên bờ sông có nhiều quán ăn, nhà hàng với nhiều món ăn ngon và lạ miệng. Tôi để ý thấy người Lào thích ăn các món có vị cay, chua, ngọt. Gia vị chính của họ là ớt, tỏi, gừng, me, chanh… Riêng ớt cũng đã có tới hàng chục món, như: ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt hầm, ớt luộc… Thích ăn cay cũng là một nét văn hóa của người Lào. Bởi theo quan niệm của họ, vị cay sẽ kích thích, làm cho món ăn ngon hơn, giúp ăn được nhiều để tăng sức lao động… Người Lào còn thích ăn các món nướng, đặc biệt là thích ăn cơm nếp. Khi ăn cơm nếp họ thường bốc bằng tay.

Ở Viêng Chăn, chúng tôi thấy ít xe máy, xe đạp. Người dân chủ yếu đi lại bằng xe ô - tô hoặc đi bộ. Hỏi ra mới biết ở Lào công chức nhà nước được cấp hoặc được mua xe con với giá rất rẻ và vì nước này đánh thuế nhập khẩu ô - tô rất thấp, nên nhiều người mua được ô - tô để đi làm.

Rời Thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi vượt 80 km về tỉnh Viêng Chăn kết nghĩa với Hải Dương. Hai bên đường ít thấy xóm làng, thỉnh thoảng mới gặp một số nhà sàn, hoặc nhà một tầng đơn sơ, lợp bằng mái tôn hoặc mái ngói. Dọc đường, chúng tôi dừng lại vào viếng một nghĩa trang liệt sĩ. Trong nghĩa trang có phần mộ của một số cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tối đầu tiên ở tỉnh Viêng Chăn, đoàn cán bộ hai tỉnh tổ chức lễ cắt băng khánh thành Nhà khách Hữu nghị Hải Dương - Viêng Chăn. Sau lễ khánh thành là nghi lễ “buộc chỉ cổ tay”. Đây là một phong tục đặc biệt của người Lào chỉ dành cho những người thân yêu, gắn bó nhất của mình. Đoàn Hải Dương ai cũng được các bạn Lào buộc hàng chục sợi chỉ trắng vào cổ tay cùng những lời chúc tốt đẹp, như “chúc tốt lành, may mắn”, “chúc mạnh khỏe, tiến bộ”, “chúc có thêm nhiều bạn mới”… Tối hôm ấy, trong bữa tiệc liên hoan, những người bạn Hải Dương - Viêng Chăn cầm tay nhau, say sưa múa điệu Lăm vông và cùng hát vang những bài ca về quê hương Lào tươi đẹp và mến khách.

Sáng hôm sau, các bạn Lào đưa chúng tôi tới thăm khu đô thị mới nằm trên địa bàn tỉnh lỵ Phôn Hồng, sau đó trở về trụ sở của tỉnh để làm việc. Tại đây, hai bên đã thông tin cho nhau về kết quả phát triển kinh tế, xã hội của hai tỉnh năm 2011, trao đổi kết quả hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh trong thời gian qua và đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Hai bên đều hài lòng về kết quả hợp tác hữu nghị và mong muốn có nhiều đoàn cán bộ sang thăm, học hỏi lẫn nhau trong thời gian tới.

Rời tỉnh Viêng Chăn, chúng tôi tới thành phố Luông Pra-băng ở phía Bắc Lào. Luông Pra-băng là một thành phố cổ kính, kinh đô của Vương quốc Lào được xây dựng từ năm 1564. Chúng tôi đã đến thăm cung điện Hoàng gia, một cung điện đẹp còn khá nguyên vẹn với kiến trúc mái nhọn, nhiều hoa văn tinh xảo, đẹp mắt. Trước Hoàng cung là một ngôi chùa cổ, được xây dựng trên một ngọn núi. Từ đỉnh núi, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố nằm trong một thung lũng rộng lớn, có dòng Mê Công êm đềm chảy qua. Luông Pra-băng cũng có nhiều chùa và tháp cổ rất đẹp. Thành phố thật yên bình, thoáng mát, không khí trong lành. Luông Pra-băng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới.

Trên đường từ Luông Pra-băng trở về Thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi dừng chân ở huyện Vang Viêng thuộc tỉnh Viêng Chăn. Đây là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Lào. Vang Viêng có suối nước Nậm Xoong trong vắt có thể nhìn thấy rõ cả những viên sỏi, hòn đá nằm dưới đáy. Du khách tới đây nghỉ ngơi, bơi lội, chèo thuyền… Các bạn Lào cho biết mỗi năm Vang Viêng thu hút hàng vạn du khách quốc tế.

Năm ngày trên đất bạn Lào, tuy thời gian không dài, song cũng giúp chúng tôi hiểu thêm về một đất nước giàu truyền thống văn hóa, có lịch sử đấu tranh kiên cường chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, tuy còn nhiều khó khăn, song nhân dân Lào, những người yêu lao động, yêu tự do, hòa bình đang tích cực phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước.

KHÚC KIM TÍNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm ngày trên đất nước Triệu Voi