Mahatma Gandhi - “Vị cha già dân tộc” của Ấn Độ

01/10/2019 18:20

Ở Ấn Độ, gia tộc Gandhi là một gia tộc nổi tiếng từ lâu với nhiều người trong gia tộc là chính trị gia xuất sắc có ảnh hưởng lớn đến đất nước.


Mahatma Gandhi là một trong những vị lãnh tụ tinh thần của nhân dân Ấn Độ

Mahatma Gandhi chính là một trong những vị lãnh tụ tinh thần của nhân dân Ấn Độ, người đã dẫn dắt nhân dân Ấn Độ giành độc lập, thoát khỏi sự cai trị của thực dân Anh, và giành cả cuộc đời mình để phản đối hình thức khủng bố bạo lực, gây ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bằng hòa bình và phi bạo lực ở Ấn Độ và quốc tế.

Mahatma Gandhi sinh vào ngày 2.10.1869, cách đây 150 năm.

Một tâm hồn vĩ đại

Mahatma Gandhi tên thật là Mohandas Karamchand Gandhi, sinh tại Porbandar-Ấn Độ. Sinh trưởng trong một gia đình danh giá, có thế lực nên ngay từ thuở thiếu thời, Mahatma Gandhi đã được dạy dỗ, học hành chu đáo. Năm 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp Phổ thông trung học, Gandhi được sang Anh du học và trở thành sinh viên khoa Luật.

Tốt nghiệp Đại học Luật, Gandhi về nước và hành nghề luật sư tại Bombay. Hai năm sau, Gandhi sang Nam Phi làm tư vấn pháp lý cho một hãng buôn của Ấn Độ.

Chính thời gian dài làm việc tại đây, Gandhi được tận mắt chứng kiến chính sách phân biệt chủng tộc của thực dân Anh, đồng thời thấu hiểu nỗi bất công, cơ cực của đồng bào mình cũng như người da màu Nam Phi. Và cũng trong những năm tháng ở đây đã hình thành nên tư tưởng “đề kháng bất bạo động” nổi tiếng của Mahatma Gandhi.

Năm 1914, ông quay trở lại Ấn Độ, với mong muốn đấu tranh giành lại tự do cho nhân dân Ấn Độ, dưới ách thống trị của thực dân Anh. Từ năm 1918 ông là người đứng đầu Đảng Quốc dân Đại hội Ấn Độ. Từ thời điểm đó cho đến cuối đời, M Gandhi là linh hồn và lãnh tụ tối cao của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Ấn Độ. Với sự lãnh đạo của Gandhi, Đảng Quốc đại trở thành một chính đảng lớn, được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân Ấn Độ.

Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ I, thực dân Anh áp dụng đạo Luật Rowlatt hà khắc, bạo tàn tại Ấn Độ. Dưới sự lãnh đạo của Mahatma Gandhi, toàn thể nhân dân Ấn Độ đã đoàn kết xung quanh Gandhi, nhất tề đứng lên chống lại bọn thực dân. Với cương lĩnh “Đề kháng bất bạo động” của Gandhi, phong trào tẩy chay, bất hợp tác với chính quyền Anh dấy lên mạnh mẽ khắp Ấn Độ.

Trong những năm khủng hoảng kinh tế (1929-1933), phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ lại dâng cao và Mahatma Gandhi đã đại diện cho Đảng Quốc đại đấu tranh chính trị với thực dân Anh trong “Hội nghị bàn tròn” tại London. Mặc dù không có kết quả nhưng những cuộc đấu tranh dưới hình thức bất hợp tác và những cuộc biểu tình thị uy, đặc biệt là “Cuộc đi bộ đòi muối” năm 1930 do Mahatma Gandhi phát động, đã lôi cuốn được đông đảo dân chúng Ấn Độ tham gia.

 Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Mahatma Gandhi cùng Jawaharlal Nehru đã phát động một cuộc đấu tranh rộng lớn ở Ấn Độ chống thực dân Anh với khẩu hiệu “Bọn thực dân hãy rút khỏi Ấn Độ! Chúng ta hãy hành động hay là chết”.

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru tiếp tục tiến hành đấu tranh chính trị với thực dân Anh trong những cuộc thương thuyết Anh-Ấn kéo dài (1945-1946).

Hoảng sợ trước uy tín lớn lao của Gandhi trong nhân dân Ấn Độ, thực dân Anh đã nhiều lần bắt giam ông. Song, mọi thủ đoạn của kẻ thù không khuất phục được Gandhi.

Với đường lối sáng suốt và ý chí đấu tranh kiên trì, bền bỉ của Mahatma Gandhi và nhân dân Ấn Độ, ngày 15-8-1947, thực dân Anh buộc phải trao trả nền độc lập cho quốc gia này.

Nhưng khi kỷ nguyên độc lập của Ấn Độ vừa mở ra thì ngày 30.1.1948, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Ấn Độ Mahatma Gandhi đã bị bọn phản động cuồng tín sát hại tại New Dehli.

Ông ra đi nhưng tinh thần can đảm và chủ trương ôn hòa, bất bạo động của ông đã để lại cho chúng ta một chân lý sáng ngời, đó là súng đạn và bạo lực dù có mạnh bạo đến đâu cũng chỉ làm con người run sợ lúc đầu, song khi từng người, từng người đã can đảm vượt qua với số đông cương quyết đứng dậy một lòng, mọi thể chế độc tài, tàn ác đều sẽ bị đốn ngã.

 Sau khi Mahatma Gandhi qua đời, người Ấn đã hỏa thiêu và đem tro thi hài của Ngài rải trên toàn cõi Ấn Độ, xuống sông Ấn, sông Hằng, sông Yamuna và những con sông lớn ở khắp Ấn Độ. Những hạt tro thiêng liêng ấy đã hoà vào “đại thể” che chở cho đất nước Ấn Độ. Người Ấn luôn cảm thấy “Thánh Gandhi đang ôm lấy Ấn Độ trong đôi tay khổ hạnh nhưng ấm áp tình người”.

Vị Thánh truyền cảm hứng

 Ghi nhớ công ơn của Mahatma Gandhi, chính phủ Ấn Độ đã quyết định lấy ngày 2.10 - ngày sinh của ông - làm ngày lễ quốc gia của Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ gọi Mahatma Gandhi bằng những tên gọi thể hiện tấm lòng tôn kính, trìu mến như: Babuji (Cha kính yêu), Mahatma Gandhi (Tâm hồn vĩ đại Gandhi), hay “The Father of the Nation” (Vị cha già dân tộc).

Tên ông nổi tiếng đến mức cứ nhắc đến Ấn Độ là người ta nghĩ ngay đến Gandhi. Những phong bì ở đất nước này chỉ in hình của ông, và khuôn mặt ấy cũng xuất hiện trên mỗi tờ tiền giấy của Ấn Độ.

Ở New Dehli, bạn cũng có thể bắt gặp những cửa hàng bán đồng hồ Gandhi, chặn giấy Gandhi, lịch để bàn Gandhi, thậm chí là áo sơmi thể thao hiệu Gandhi…

 Trên thế giới, kể từ năm 2007, Đại hội đồng Liên hiệp quốc cũng đã chính thức chọn ngày 2-10 hàng năm là Ngày Quốc tế Phi bạo lực, nhằm quảng bá văn hóa về hòa bình, lòng bao dung, sự thấu hiểu và tinh thần phi bạo lực thông qua giáo dục và nhận thức của cộng đồng.

 Hơn 70 năm sau khi Mahatma Gandhi qua đời, cho dù đâu đó trên trái đất, tiếng súng của chiến tranh xung đột vẫn nổ, nhưng thế giới vẫn không ngừng nhắc đến tên ông với tinh thần đấu tranh bất bạo động, dựa trên tính nhân bản, lòng khoan dung và tinh thần vị tha. Chừng nào thế giới vẫn còn những con người như Gandhi, chừng ấy hòa bình vẫn có hy vọng tồn tại, dù bản chất của con người là vị kỷ. Và, khi cái tên Gandhi đã trở thành bất tử, thì không ai có thể ám sát tinh thần hòa bình ấy.

 Với tư tưởng nhân văn được lan tỏa, cho đến nay, hơn 70 quốc gia trên thế giới đã dựng tượng Gandhi và hơn 100 nước đã phát hành con tem có hình của Gandhi.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng viết, suốt cuộc đời ông ngưỡng mộ Gandhi và coi Gandhi là nguồn cảm hứng của mình, Gandhi là hiện thân của sự thay đổi có thể được tạo ra bởi sức mạnh của người dân bình thường.

Với Việt Nam, những năm gần đây, người dân Việt Nam đã hiểu hơn về Gandhi khi được tiếp xúc nhiều hơn với các tài liệu viết về cuộc đời và triết lý Gandhi.

Có thể thấy rõ, tư tưởng của Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng, cả hai đều sinh ra vào thế kỷ XIX, đều đồng hành với dân tộc bị áp bức của mình để chống lại thế lực đế quốc, thực dân.

Cả hai đều là trái tim của phong trào giành độc lập cho hai dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học hỏi từ tư tưởng của Gandhi và các vị tiền bối khác để đưa tự do, hòa bình đến cho nhân dân Việt Nam.

 Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh vị Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi, ngày 2.10.2019, Đại sứ quán Ấn Độ sẽ tổ chức lễ kỷ niệm và trong dịp này, nhiều hoạt động như Triển lãm ảnh, chiếu phim, phát hành tạp chí chuyên đề và tem bưu chính mang hình tượng Gandhi cũng đã được tổ chức…

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mahatma Gandhi - “Vị cha già dân tộc” của Ấn Độ