Không coi học thuyết của mình là hoàn hảo

28/11/2011 07:05

Ph.Ăng-ghen đã dành cả cuộc đời nghiên cứu khoa học, tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử tư tưởng triết học nhân loại...


Bìa sách giới thiệu tư tưởng biện chứng của Ăng - ghen


Cùng với C.Mác và độc lập với C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã dành cả cuộc đời nghiên cứu khoa học, tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử tư tưởng triết học nhân loại, bằng việc xây dựng và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời gắn kết chức năng thế giới quan của triết học với chức năng phương pháp luận thành một thể thống nhất trong việc xem xét giới tự nhiên, đời sống xã hội và tư duy con người; thành khoa học không chỉ "giải thích đúng thế giới", mà còn "tham gia vào quá trình cải tạo thế giới".

Những cống hiến khoa học của Ph.Ăng-ghen qua các công trình đầu tay: Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị; tình cảnh giai cấp lao động ở Anh, cùng những bài viết về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Anh lúc bấy giờ có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành chủ nghĩa Mác. Với những phát hiện và những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong các công trình nghiên cứu ngay từ thời gian đầu của Ph.Ăng-ghen, như C.Mác nhận xét, đã gợi mở và tạo cảm hứng cho C.Mác một hướng nghiên cứu mới, đúng đắn về xã hội tư bản, chuyển từ triết học và luật học sang nghiên cứu kinh tế chính trị học. Từ đó C.Mác đã phát hiện ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản - quy luật giá trị thặng dư. Cùng với Mác, Ph.Ăng-ghen đã vạch rõ quá trình phát sinh, phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nêu lên những mặt tiến bộ, đồng thời cũng vạch rõ những khuyết tật và mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Từ đó hai ông đã chỉ ra rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ bị thay thế bởi phương thức sản xuất mới, cao hơn, tiến bộ hơn, đó là phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.

Từ bỏ vị trí xuất thân của mình, Ph.Ăng-ghen đã lăn lộn, gắn bó với phong trào công nhân và phát hiện ra lực lượng xã hội có vai trò chủ đạo trong cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản - đó là giai cấp công nhân.

Không chỉ thế, ông còn khẳng định, việc tạo ra những thế hệ con người mới, nhất là đội ngũ những công nhân giác ngộ, có ý chí, nghị lực, có năng lực sáng tạo lý luận và hoạt động thực tiễn, luôn nhạy bén với sự biến đổi của hiện thực lịch sử... là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính đảng cách mạng, bởi tiếp theo thắng lợi của cách mạng vô sản sẽ là một thời kỳ quá độ lâu dài, hết sức phức tạp và khó khăn. Coi thời kỳ quá độ này là một "cuộc đấu tranh sẽ lâu dài và ác liệt", Ph.Ăng-ghen cho rằng, cuộc đấu tranh này chỉ đi đến thắng lợi cuối cùng khi chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân có được đội ngũ những người công nhân “sáng suốt về chính trị, kiên trì và nhẫn nại, nhất trí và có kỷ luật, những phẩm chất mà nhờ đó họ thu được nhiều thành công rực rỡ”, bởi họ là những người đang nắm trong tay “Tính tất yếu lịch sử, tính tất yếu kinh tế lẫn tính tất yếu chính trị” của cuộc đấu tranh này. Ph.Ăng-ghen không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải rập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn. Ông kiên quyết bác bỏ những mưu toan giáo điều hóa học thuyết Mác, biến học thuyết đó thành một mớ những công thức bất biến. Đồng thời, ông đấu tranh với bất cứ người nào coi thường sự tiến bộ của khoa học, những điều kiện và những nhu cầu xã hội mới nảy sinh.

Là một nhà tư tưởng quân sự thiên tài, Ph.Ăng-ghen còn là người có công đặt nền móng xây dựng và phát triển học thuyết mác-xít về quân đội, về chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng. Những đóng góp của Ph.Ăng-ghen trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật quân sự đã góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn di sản lý luận của chủ nghĩa Mác trong kho tàng tri thức, văn hóa nhân loại, một mẫu mực về sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử vào nhận thức, giải thích một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là chiến tranh và hòa bình, quân sự và quốc phòng, khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh cách mạng, xây dựng quân đội cách mạng và bảo vệ Tổ quốc.

Những tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học... đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước ta, nhất là trong việc nhận thức và làm sáng tỏ quy luật vận động tất yếu của cách mạng Việt Nam: đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Chúng ta cũng nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện phát triển nền kinh tế. Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta cũng nhận thức sáng tỏ hơn sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, tăng cường vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, hướng đến xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

GS. TS LÊ HỮU NGHĨA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không coi học thuyết của mình là hoàn hảo